Bài văn đóng vai Lê Lợi
Tôi là Lê Lợi, là chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Tôi luôn đau đáu với những nỗi đau thương, mất mát, sự hi sinh mà nhân dân phải chịu khi giặc Minh sang xâm lược nước ta. Chứng kiến tình cảnh ấy, tôi không khỏi đau đớn.
Tôi tập hợp những người hùng, quân nhân giỏi về cả trí và lực để phụng sự sự nghiệp kháng chiến. Rất nhiều tráng sĩ từ khắp mọi nơi đã sẵn sàng đến gia nhập vào nghĩa quân và mong muốn được hết mình vì sự nghiệp của dân tộc. Trong những ngày đầu kháng chiến, nghĩa quân luôn thất bại liên tiếp vì lực lượng còn mỏng, chưa có kinh nghiệm chiến đấu và cũng vì quân nhân ta có sự chênh lệch lớn về lực lượng, trang bị, vũ khí với quân địch.
Tôi lo lắng trước tình hình an nguy của đất nước và vẫn luôn suy nghĩ để tìm ra phương pháp tiêu diệt kẻ thù một cách nhanh chóng, bớt tiêu hao nhân lực nhiều nhất. Một ngày, có một tráng sĩ đến doanh trại nghĩa quân, tự nguyện đầu quân cho nghĩa quân Lam Sơn. Đó là Lê Thận, một người tráng sĩ khỏe mạnh và có tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến đáng tự hào. Một lần, Lê Thận nói với tôi câu chuyện về thanh gươm kì lạ mà anh ba lần kéo lưới được trong một lần đánh cá. Anh nghĩ đó chắc hẳn là một vật báu trời ban. Tôi tò mò về thanh gươm nên đã nói Lê Thận cho chiêm ngưỡng thanh gươm ấy.
Khi về đến nơi Lê Thận ở trước đây, tôi nâng thanh gươm lên, thanh gươm bỗng sáng rực và lộ rõ hai chữ "Thuận Thiên" trên thân gươm. Biết được đây là gươm quý, vật trời ban, tôi và Lê Thận cùng đồng lòng mang thanh gươm về để ra quân chiến đấu. Một lần, khi đi ngang qua khu rừng, tôi phát hiện trên cây có một chuôi gươm. Nghĩ tới thanh gươm ở nhà, tôi lấy xuống và kì lạ thay, khi tra vào gươm vào chuôi thì vừa y như đúc. Tôi dùng thanh gươm này để tiêu diệt kẻ thù, đánh đến đâu, giặc giã đến đấy. Chẳng bao lâu, nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt được hết giặc Minh, đánh đuổi chúng về nước.
Khi đất nước thanh bình, tôi được nhân dân suy tôn lên làm vua. Trong một lần dạo chơi hồ ở hồ Tả Vọng, bỗng hiện lên một con Rùa Vàng lớn. Con rùa ấy nhô lên khỏi mặt nước và cất tiếng nói: "Xin bệ hạ trả gươm cho Long Quân". Thấy vậy, thanh gươm được giắt bên người tôi bỗng rung lên. Tôi tháo gươm ra dâng cao lên, rùa ngay lập tức há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước. Tôi biết đó là công ơn của Đức Long Quân đã cho mượn gươm để tôi đánh đuổi giặc thù. Từ đó, tôi cho đổi tên hồ Tả Vọng thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm, tức hồ trả gươm.