Bài văn giải thích câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" số 9
Trọng ân nghĩa, sống thủy chung, biết ơn những người đi trước là một trong những truyền thống quý báu của người Việt Nam. Đạo lý tốt đẹp ấy được khẳng định và chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Câu tục ngữ ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã phản ánh chân thực truyền thống biết ơn của nhân dân ta.
Trước hết chúng ra phải hiểu thế nào là” Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Khi thưởng thức những trái ngon, quả ngọt ta phải nhớ tới công ơn người trồng, chăm sóc, vun xới cây đó. Nhưng ta vẫn phải hiểu ý nghĩa sâu xa ẩn trong câu tục ngữ trên. ” Ăn quả” tức là sự hưởng thụ thành quả, ” nhớ” là sự biết ơn, ” kẻ trồng cây” tức là người lao động tạo ra thành quả đó. Trong cuộc sống chúng ta không khó bắt gặp những biểu hiện của lòng biết ơn. Đơn giản vào những ngày rằm, mùng một, ngày giỗ chúng ta đều thắp nén hương, nhớ về cha ông, về tổ tiên – những người đã sinh ra chúng ta, cho ta cuộc sống ngày hôm nay. Hay lớn hơn là xây dựng những nghĩa trang liệt sĩ, những nhà tưởng niệm, xây dựng những quỹ giúp đỡ các bà mẹ Việt Nam anh hùng… từ việc nhỏ như việc nghĩ tới, rồi trân trọng hay đến những hành động lớn nhỏ đều thể hiện ít nhiều truyền thống biết ơn của dân tộc ta. Đi ngược với truyền thống tốt đẹp ấy là những biểu hiện vô ơn, bạc nghĩa, ăn cháo đái bát. Những biểu hiện ấy không chỉ đi ngược với các chuẩn mực xã hội mà còn tàn phá nhân cách mỗi con người, phá hoại văn minh và nhân dân ta cố gắng xây dựng.
Vậy tại sao chúng ta phải “nhớ kẻ trồng cây”? Thứ nhất, mọi thành quả dù là vật chất hay tinh thần mà chúng ta đang hưởng thụ không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là thứ thành quả tạo dựng lên bởi mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu của những người lao động. Nền hòa bình được hưởng ngày hôm nay là kết quả sau bao ngày chiến đấu gian khổ của những người chiến sĩ, của quân và dân ta. Đã có hàng ngàn, hàng vạn anh hùng đã hi sinh, đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Lá cờ tổ quốc tung bay dưới cột cờ Ba Đình đã thêu dệt lên bằng máu của biết bao người chiến sĩ. Chúng ta được tồn tại trên thế gian này, được lớn khôn, trưởng thành, giúp ích cho đời là nhờ những giọt mồ hôi, công sức của ông bà, cha mẹ, của thầy cô giáo. Bản thân chúng ta được hưởng những thành quả tốt đẹp ấy thì phải biết ơn những người cho ta thành quả đó. Thêm nữa, biết ơn là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ lâu đời.
Truyền thống ấy đã ăn sâu vào máu thịt, đã bám rễ và phát triển mạnh mẽ trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Phẩm chất biết ơn đã trở thành một thứ vô cùng quen thuộc, gần gũi, thuộc về bản năng của con người Việt Nam. Ví dụ như ông bà cho ta quả ngon ngọt, ta phải nói lời cảm ơn. Ai có công giúp đỡ cưu mang thì ta phải trả ơn họ bằng cả tấm chân tình… Ngoài ra biết ơn còn mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta đức tính cao đẹp ấy giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, khiến con người ta biết sống ân nghĩa, thủy chung, biết ơn và giúp con người xích lại gần nhau hơn, là sợi dây vô hình giúp các mối quan hệ ngày một bền chặt, khăng khít hơn. Như vậy, biết ơn chính là lối sống của con người có đạo đức, có văn hóa và đó mới chính là con người Việt Nam đúng nghĩa.
Vậy chúng ta cần làm gì để thể hiện lòng biết ơn? đầu tiên, ta phải nhận thức rõ ràng rằng: biết ơn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta đã từ rất lâu đời. Nó là viên ngọc quý trong kho tàng châu báu những đức tính cao đẹp của dân tộc, vì thế mà mỗi cá nhân cần giữ gìn và phát huy truyền thống biết ơn của cha ông. Cụ thể bằng những hành động tuy nhỏ nhưng nặng tấm chân tình. Trong gia đình để gửi lời cảm ơn đến ông bà, cha mẹ thì phải ngoan ngoãn, vâng lời, chăm chỉ học hành, cố gắng giúp đỡ những công việc vừa sức như quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo, trông em… Trong trường học để báo đáp công ơn thầy cô đã dạy dỗ bao ngày, ta phải chăm ngoan, tích cực học tập, tu dưỡng. Ngoài ra, là thế hệ trẻ, nắm trong tay tương lai của đất nước, ta phải cần cù rèn luyện, trở thành một công dân tốt sao cho xứng với công ơn dựng nước và giữ nước của cha ông ta xưa. Hơn nữa, không chỉ là người hưởng thụ thành quả mà phải nối tiếp con đường của thế hệ trước: trở thành người tạo dựng lên thành quả cho người khác hưởng thụ.
Như vậy, biết ơn là một nghĩa vụ thiêng liêng mà mỗi chúng ta mang trọng trách phải giữ gìn và phát huy. Thế hệ học sinh chúng ta cần rèn luyện cho mình phẩm chất cao quý này ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.