Bài văn giải thích câu tục ngữ "Không thầy đố mày làm nên" số 1
Từ xưa đến nay, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp, là khuôn mẫu để rèn luyện đạo đức cho nhân dân Việt Nam. Bởi lẽ người thầy luôn giữ một vị trí quan trọng trên bước đường thành công của mỗi con người. Chính vì vậy, ông cha ta răn dạy rằng: “Không thầy đố mày làm nên” để khẳng định vai trò của người thầy trong cuộc sống.
"Thầy" là người có kiến thức sâu rộng, có nhiều kinh nghiệm, đã có những trải nghiệm trong cuộc đời sẵn sàng truyền đạt lại nó cho những thế hệ sau. Bởi vậy, không thầy- thiếu đi những kinh nghiệm đã được đúc rút từ thế hệ trước, thiếu đi người chỉ đường, rẽ lối cho ta trước những ngã rẽ cuộc đời thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ phải đi qua con đường rất gian nan để tiến tới thành công, thậm chí đi vào những con đường sai trái.
Chính vì thế, để “làm nên”-đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta cần có một người hướng dẫn, tận tình chỉ dạy. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng đã đem đến cho chúng ta một lời khuyên sâu sắc: Để đạt được thành công, chúng ta cần trân trọng người thầy- người sẽ dẫn đường cho ta tiến đến tương lai.
Trong bất cứ công việc nào, chúng ta cũng cần có người hướng dẫn. Không có ai sinh ra đã biết hết tất cả, mọi thứ đều phải học tập và người thầy chính là người sẽ dạy chúng ta những điều đó.Ví dụ như muốn nấu một món ăn ngon, muốn trồng cây xanh tốt, đạt được quả ngọt, muốn biết cách giải một bài toán khó, làm một bài văn hay cũng cần các thầy có kinh nghiệm, có chuyên môn chỉ dạy. Đúng như cha ông ta xưa luôn truyền miệng nhau rằng:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Biết bao tấm gương những con người tài năng, giúp ích cho cuộc sống đều phải kể tới công ơn của người thầy. Nếu như không có được sự hướng dẫn tân tình của người thầy liệu rằng họ có thể đạt được thành công lớn như vậy. Người thầy có những ảnh hưởng rất lớn tới họ. Ví như Nguyễn Dữ học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh học trò của thầy Chu Văn An.... đều là những con người nổi tiếng.Tuy nhiên câu tục ngữ cũng không hoàn toàn đúng đắn.
Để thành công, bên cạnh người thầy, quan trọng không kém là người học. Bởi lẽ cho dù người thầy có tài giỏi, tận tình đến mấy mà người học không có ý chí học tập, chăm chỉ rèn luyện, tự học để bổ sung kiến thức cho mình thì cũng khó có thể thành công được. Con đường tự học cũng sẽ giúp chúng ta đạt được những thành tựu sau này. Thomas Edison sau khi bị đuổi học, nhờ sự động viên của mẹ đã nỗ lực học tập, tự bồi dưỡng kiến thức và sau này đã có được những phát minh vĩ đại và trở thành một nhà bác học tài ba của toàn nhân loại. Hay như Mạc Đĩnh Chi, một trạng nguyên tài giỏi của nước ta, vì nhà nghèo không có tiền đi học đã tự học ở nhà nhưng cuối cùng vẫn đỗ đạt cao,…
Những con người ấy là tấm gương sáng cho việc tự học thành tài. Thế nhưng đó không phải là sự phủ nhận vai trò của người thầy, chúng ta cần biết kết hợp cả hai phương pháp để đạt hiệu quả tốt nhất.Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” là lời khẳng định sâu sắc về vai trò của người thầy trong cuộc sống.
Chúng ta cần nhận thức rõ về ý nghĩa của người thầy đối với việc học tập và công lao của thầy để từ đó biết tôn trọng thầy và có những hành động thể hiện sự biết ơn của mình đối với công lao to lớn của thầy.