Bài văn giải thích ý nghĩa nhan đề "Tức nước vỡ bờ" số 4
Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về nhân sinh, đều gửi gắm một thông điệp trong cuộc sống và về con người mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Văn chương thực hiện chức năng ấy qua việc xây dựng những hình tượng. Nhưng nếu hình tượng là sự khám phá xuyên suốt toàn tác phẩm nghệ thuật thì ngay từ nhan đề đã gây ấn tượng với bạn đọc. Với nhan đề “Tức nước vỡ bờ”, bạn có suy nghĩ gì chăng?
Có câu: cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống lâu dài là đức hạnh. Chính bởi lẽ ấy, cái nhan sắc - hình thức nghệ thuật của một tác phẩm cũng rất quan trọng chăng. Đó là yếu tố đầu tiên, yếu tố thứ nhất để cái tâm có thể được tỏa sáng. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung. Và có ai đó đã từng nói, một tác phẩm nghệ thuật thì cách mở đầu và kết thúc cũng rất đáng để công phu, sáng tạo. Làm thế nào để ngay từ đầu có thể lôi cuốn, hớp hồn người đọc đó không phải là điều dễ dàng. Vả chăng, nếu coi khâu mở đầu là quan trọng thì cái đầu tiên, trước nhất của mở đầu là nhan đề cũng chứa đựng rất nhiều công phu, dụng ý của người nghệ sĩ đó ư.
Nhan đề là nơi chứa đựng những thông điệp và giá trị nhận thức về đời sống, nhân sinh, về các vấn đề xã hội mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả một cách trực tiếp và ấn tượng nhất. Nhan đề không phải luôn dùng những từ ngữ mĩ miều để phỉnh nịnh, đánh lừa các giác quan của người đọc, mà làm sao nó khách quan, khoa học và mang ý nghĩa, giá trị nhất. Như vậy nhan đề là một trong những phương tiện đặc biệt để người nghệ sĩ đối thoại với người đọc. Chẳng hạn, với nhan đề “giông tố” của Vũ Trọng Phụng, người đọc dường như đã thấy cả một cơn giông tố ngay từ khi tiếp xúc với nhan đề, giông tố từ đầu trải dài và cuồn cuộn trong tác phẩm.
Trở lại với nhan đề trong tác phẩm “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố. Ở đây, trước nhất xét về nghĩa đen, thì trong cuộc sống tức nước có nghĩa là hiện tượng nước tràn bờ và chắc chắn sẽ dẫn đến vỡ bờ, đó là điều hiển nhiên của khách quan. Song mượn hiện tượng thực tế này, mà Ngô Tất Tố muốn nói đến hiện tượng người nông dân trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám bị dồn đến bước đường cùng, bị đè nén, áp bức đến cùng cực.
Họ phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, nặn hầu bóp cổ chính vì vậy mà sức chịu đựng và giới hạn đã lên tới đỉnh điểm, con đường duy nhất để họ vượt lên trên nỗi thống trị ấy, vượt ra khỏi bóng đêm bao trùm cuộc đời họ là đứng lên đấu tranh chống áp bức, chống bóc lột hà hiếp. Một chị Dậu, đã bán chó, bán con mà vẫn không cứu được người chồng xấu số vì thiếu tiền nộp suất sưu cho người em chồng đã chết mà bị tra tấn dã man.
Quả là vô lí, nhưng người nông dân xưa đã phải chịu đựng sự có lí ấy để tiếp tục sống và chịu đựng. chính vì thế mà có ý kiến cho rằng, với “tức nước vỡ bờ”, Ngô Tất Tố như đã xui người nông dân nổi loạn. Nhan đề đoạn trích cho thấy tính đấu tranh gay gắt và đồng thời cũng là sự phản ánh một quy luật trong xã hội: có áp bức, có đấu tranh. Với nhan đề này, dường như tác giả muốn nổ phát súng đầu tiên để kêu gọi người nông dân cùng lên, đồng thời là sự thách thức và một thái độ bản lĩnh, hiên ngang trước bọn quỷ dữ hút máu người kia.
Ngô Tất Tố với “Tức nước vỡ bờ” quả thực sẽ mãi là một nhan đề ấn tượng trong tâm trí độc giả.