Bài văn kể lại buổi học đáng nhớ của em số 2
Em không yêu thích môn văn như nhiều bạn trong lớp, và em thường say mê với các môn tự nhiên hơn. Các tiết học về môn văn không làm em thích thú, thậm chí còn làm em thấy chán nản. Khi chúng em được học văn bản "Lòng yêu nước" của I.Ê-ren - bia và tình yêu đối với môn văn trong em bắt đầu từ hôm đó.
Tiếng trống vào lớp đã vang lên, các bạn đã vào hết lớp học của mình và ổn định chỗ ngồi. Nhiều bạn đã nhanh chóng mở sách chuẩn bị cho bài học mới, cô giáo bước vào lớp với nụ nước tươi tắn trên môi. Sau khi ổn định tổ chức lớp, cô hỏi: "Các em đã chuẩn bị bài chưa?". Cả lớp đồng thanh đáp: "Thưa cô rồi ạ!". Cô kiểm tra bài cũ, bạn nào cũng trả lời trôi chảy và đạt điểm cao. Cô rất hài lòng, khen cả lớp có tinh thần học tập.
Tiếp đến, cô nhắc chúng em mở sách học bài mới, lời giới thiệu vào bài mới của cô được bắt đầu thật ấn tượng: "Các em ạ, trong mỗi chúng ta ai cũng có một quê hương. Nơi ấy chính là nơi sinh ra và nuôi lớn tâm hồn mỗi con người Để tìm được tình yêu thương đất nước được bắt nguồn từ đâu, từ những gì chúng ta sẽ được tìm hiểu trong bài: Lòng yêu nước". Em thấy vô cùng xúc động trước lời giới thiệu của cô. Cả lớp ai cũng chăm chú nghe và ghi lại lời cô giảng. Trên bảng đen, từng dòng phấn trắng dần dần hiện lên. Sau phần giới thiệu tác giả, tác phẩm, cô hướng dẫn chúng em cách đọc và đọc mẫu. Giọng cô đọc nhẹ nhàng, đầm ấm và truyền cảm. Cô hỏi có ai xung phong đọc mẫu cho cả lớp không? Rất nhiều cánh tay giơ lên, em rất muốn đọc bài nhưng em biết giọng mình không hay.
Hơn nữa trước đến giờ em là người không hào hứng với môn văn, nhưng hôm nay em thấy háo hức vô cùng. Cánh tay của em run rẩy dơ lên. Cô nhìn thấy điều đó, nhưng vẫn gọi em lên đọc. Những từ đầu tiên vang lên trôi chảy và em đọc sôi nổi, liền mạch như quên hết mọi thứ xung quanh... Những dòng văn làm em xúc động vô cùng: "Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, những đêm tháng sáu sáng hồng... người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh... Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, nỗi vui bất chợt, những lời thân ái giảm dị, những tiếng cuối cùng của câu tạm biệt... người ở thành Lê-nin-grát nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử". Bài đọc đã hết, con tim em như nhảy nhót trong lồng ngực vừa vì xúc động, vừa hồi hộp không biết mình đọc bài ra sao. Cô giáo cùng cả lớp vỗ tay! Cô bảo rằng chưa khi nào em đọc bài mà nay lại đọc diễn cảm đến vậy, cô rất khen ngợi em. Em xúc động lắm và coi đó là động lực để em yêu thích học môn văn hơn.
Sau phần đọc của em là phần phân tích tác phẩm. Không biết có phải nhờ lời khen ngợi của cô mà em có cách nhìn khác, hay lớp học hôm nay khác mà em thấy lớp học rất sôi nổi. Khi cô đặt câu hỏi, những cánh tay nhỏ xinh xắn giơ lên đều tăm tắp. Bạn nào cũng muốn được cô giáo gọi trả lời. Tất cả dường như ai cũng bị cuốn hút vào giờ học. Không ai còn lơ đãng và quên đi cái không gian, âm thanh ngoài cửa lớp, tưởng như chim ngừng hót, cây lá ngừng rung. Mọi vật đều đứng nghe cô giảng bài: "Lòng yêu nước được bắt nguồn từ những vật tầm thường nhất, quen thuộc nhất: yêu nhà, yêu quê hương tức là yêu đất nước của mình, yêu người thân". Em còn được cô gọi lên phát biểu một vài lần nữa, cô khen em có tiến bộ. Em sung sướng vô cùng và đã tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn. Qua lời cô giảng, trên khuôn mặt các bạn ai cũng chứa đựng một niềm vui tự hào và lòng yêu đất nước. Dường như tất cả đều muốn vươn lên trong học tập. Giờ học diễn ra say sưa và sôi nổi. Khi tiếng trống cất lên cũng là lúc bài giảng đã hết.
Giờ học đã kết thúc nhưng từng lời giảng của cô vẫn còn nguyên trong tâm trí em. Em nhận thấy môn văn thật thú vị, nó có sự thú vị khác với những môn học khác chứ không nhàm chán như trước đây tôi vẫn nghĩ. Sau buổi học đó tôi chăm chỉ học môn văn hơn và giờ đây tôi đã trở thành một học sinh giỏi văn của trường. Tôi sẽ nhớ tiết học ý nghĩa ấy trong suốt cuộc đời mình.