Bài văn nghị luận số 1
Tiếp cận xu thế giáo dục thế kỷ XXI là nhiệm vụ cấp bách to lớn của nền giáo dục của mọi quốc gia. Tiểu học là cấp học nền tảng đặt cơ sở cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của con người. Vì vậy, việc giáo dục học sinh cá biệt học yếu, chưa ngoan là một điều tất yếu.
Thực trạng những mặt xấu của xã hội; sự thiếu quan tâm của gia đình; những éo le trong cuộc sống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự hư đốn. Hay nói một cách khác là đạo đức học sinh yếu kém. Tình huống này, vai trò người thầy rất quan trọng trong việc rèn luyện giáo dục các em chưa ngoan trở thành học sinh ngoan. Tác động của thầy cộng hưởng với năng lực tự học, tự rèn luyện của trò tạo ra chất lượng hiệu quả cao. Ở tiểu học, điều đáng lo ngại cho giáo viên là tỉ lệ học sinh chưa tốt về mặt đạo đức tương đối cao, tỉ lệ này không giảm mà tăng hàng năm. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là ý thức và suy nghĩ của các em còn non nớt. Tôi cho rằng, các em làm việc gì đó nếu có sai trái xuất phát có thể do bản năng hoặc bệnh a dua hay bệnh lấy le… nên khi làm không lường được hậu quả việc làm sai trái của mình. Thậm chí các em còn nghĩ làm như vậy là không sai!
Khi đạo đức yếu kém thì học lực cũng tỉ lệ thuận với nó. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả, các em kiến thức bị hổng dẫn đến mất căn bản; điểm kiểm tra thấp so với các bạn cùng lớp làm các em mặc cảm đưa đến hiện tượng sợ bị kiểm tra, tiếp theo là chán học và cuối cùng nảy sinh bỏ học. Những em này phát sinh tính xấu là nói dối thường xuyên nhằm tìm cách che đậy hoặc chối tội. Chính từ hiện tượng đó đã cho tôi những suy nghĩ và phải tìm biện pháp giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, tinh thần học tập và ngoan ngoãn hơn.
Nếu học sinh có thói hư tật xấu phạm lỗi trầm trọng cũng có thể tùy trường hợp hay tùy đối tượng mà xử lí, tôi không xử lí một cách cứng nhắc. Dù lỗi lầm lớn nhưng nếu em đó biết nhận lỗi và sửa lỗi thì tôi luôn tạo cho học sinh đó cơ hội tự làm chủ bản thân, có niềm tin nghị lực để vươn lên. Thế nhưng đối với những học sinh lỗi vi phạm không đáng kể nhưng lại vi phạm thường xuyên thì tôi không thể bỏ qua mà xử lí một cách linh động tùy theo từng đối tượng. Dù các em vi phạm ở mức độ lỗi lớn hay nhỏ tôi cũng xử lí trên cơ sở giáo dục các em, cụ thể cho em đó biết chuộc lỗi, làm một việc tốt, giao cho em đó thời gian thử thách.
Đối với một học sinh không thuộc bài, không làm bài do lười học đưa đến điểm học tập kém, tôi tổ chức đôi bạn học tốt, nhóm học tốt. Thông thường thì cách này đã có từ lâu, thực hiện ở các lớp nhưng đặc biệt hơn thay vì cho học sinh giỏi kèm và kiểm tra học sinh yếu thì tôi phân nhóm. Mỗi nhóm từ ba đến bốn học sinh, giao trách nhiệm cho chính em học sinh đó làm nhóm trưởng tạm thời. Vai trò này để em cảm thấy có được lòng tin ở người thầy và bản thân phải có trách nhiệm và gương mẫu. Các em kiểm tra lẫn nhau và em đó có nhiệm vụ ghi lại phần nhận xét kiểm tra các bạn trong nhóm. Căn cứ vào kết quả, tôi tuyên dương kịp thời nếu em đó có cố gắng dù nhỏ, tạo cho em có hứng thú trong học tập.
Đối với một học sinh có cố gắng nhưng mất căn bản về kiến thức cũng đưa đến điểm học tập yếu, tôi cho học sinh giỏi kèm, hướng dẫn, vạch ra thời gian biểu để học tập theo đôi bạn. Trường hợp có học sinh biểu hiện hành vi đạo đức không tốt, làm mất trật tự trong giờ học, đánh nhau, tôi thường khuyên dạy bằng những câu chuyện thực tế ở đời giúp các em thấy được những hành vi xấu, không tốt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường ở tương lai.
Đối với học sinh ngỗ nghịch khó dạy, tôi đưa ra một tình huống thực tế điển hình phù hợp với khả năng học sinh nhằm giáo dục tư tưởng lối sống, buộc học sinh đó phải giải quyết vấn đề, biến sự suy nghĩ đó thành hành động cụ thể gắn liền với tình thương yêu gần gũi với lớp học. Việc hạ hạnh kiểm học sinh đối với tôi chỉ là thứ yếu, cốt lõi là phải làm được việc giáo dục học sinh biết nhận thức để khi bước vào môi trường THCS, các em cảm thấy mình tự tin hơn.
Mỗi năm học nhà trường hợp thường có những học sinh có hoàn cảnh gia đình đáng thương, cha mẹ ly dị nhau, tình cảm của em đó bị tổn thương ảnh hưởng đến chất lượng học tập hậu quả là em học yếu các môn, dẫn đến tình trạng chán học, trốn học. Tôi liên hệ và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh. Tôi thường dành nhiều thời gian để gần gũi với em như một người mẹ, giúp em thấy được ngoài tình cảm gia đình còn có tình cảm thầy cô và bạn bè ở trường, tạo cho em thấy được khi đến trường là một niềm vui.
Suy nghĩ và hành động giáo dục rèn luyện học sinh học yếu của tôi là giúp các em có ý thức tự học, biết cố gắng vươn lên. Trường hợp này hay ở trường hợp khác, điều mà tôi đặt lên trên hết là phải hướng các em gần gũi nhiều hơn với tập thể lớp, với tình thương của người thầy. Ngoài học tập nội khóa, tôi còn động viên các em tham gia các chương trình vui chơi ngoại khóa của nhà trường, tham gia với nhóm học tốt, giao lưu nhiều mặt tình cảm để các em có niềm tin hơn. Cái chính đứng vững trong cuộc sống đó là ý chí, bản lĩnh của bản thân mình.