Bài văn nghị luận số 6
Thói quen xấu là những hành vi, cách ứng xử tiêu cực được nảy sinh trong cuộc sống con người. Những thói quen không tốt này nếu như không kịp thời nhận thức và khắc phục nó sẽ ăn sâu bám rễ và có thể chi phối đến những hành vi, tính cách của con người. Bàn về tác hại và khả năng lây lan của những thói quen xấu, có ý kiến cho rằng “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”.
Thói quen là những hành vi, cách ứng xử quen thuộc được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh những thói quen tốt vẫn tồn tại rất nhiều những thói quen không tốt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người. Thói quen xấu có khả năng tác động mạnh mẽ và lây lan nhanh chóng để từ một thói quen lạ dần trở thành thói quen cố hữu và cuối cùng bám rễ trong đời sống của con người.
“Thói xấu ban đầu là người khách qua đường” những thói quen xấu ban đầu được thực hiện một cách vô tình, nó là những hành vi, lời nói hoàn toàn xa lạ mà chúng ta chưa từng thực hiện, bởi vậy mà thói xấu là người khách qua đường, người dưng không quen biết và không có bất cứ mối quan hệ nào với con người. “Sau trở nên người bạn thân ở chung nhà” những thói quen xấu khi được thực hiện thường xuyên sẽ trở nên thân thuộc, dần trở thành phản xạ tự nhiên trước những sự vật, sự việc và trong chính cuộc sống của con người. Khi ấy những thói quen xấu đã trở thành thói quen cố hữu, thân thiết như người bạn thân thiết.
“Kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính” Khi đã quá quen thuộc với những thói quen xấu, con người khó có thể từ bỏ, thậm chí những thói quen xấu ấy còn có khả năng tác động, chi phối đến cuộc sống của con người, buộc con người phải phụ thuộc vào những thói quen xấu ấy. Chẳng hạn, một người không có thói quen xả rác bừa bãi nhưng vì nhìn thấy có nhiều người có hành vi ấy nên cũng bắt chước, thực hiện theo. Nếu không ý thức được hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm ấy, con người sẽ xả rác thường xuyên, quen thuộc và trở thành quen tay. Lâu dài hành vi xả rác bừa bãi ấy sẽ trở thành thói quen khó bỏ, thậm chí nó còn chi phối đến tính cách hàng ngày khiến chúng ta trở nên bừa bãi, vô kỉ luật.
Trong mỗi người đều có những mặt tốt và xấu, chính sự dễ dãi, buông thả, thiếu bản lĩnh là môi trường lí tưởng cho những thói quen xấu hình thành và phát triển. Nếu như không nhận thức được sự nguy hiểm của những thói quen xấu ấy, con người sẽ dần quen với thói quen xấu ấy và bị nó chi phối. Để loại bỏ những thói quen xấu, con người cần tỉnh táo để nhận thức những hành động, lời nói của mình, có ý thức duy trì những thói quen tốt. Cần có sự nghiêm khắc với bản thân trong việc lựa chọn lối sống trong sạch, tốt đẹp; đừng buông xuôi, dễ dãi để sa vào những lối sống tiêu cực.
Câu nói“Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính” đã chỉ ra bản chất của những thói quen xấu, từ đó giúp con người nhận thức hậu quả của những thói quen xấu để nhận thức và thay đổi.