Bài văn nghị luận về âm nhạc và cuộc sống số 8

Âm nhạc là biểu hiện sự vui vẻ của con người, khi người ta vui, người ta ca hát. Vì âm nhạc là phương tiện biểu lộ cảm xúc của con người mà con người thì không phải lúc nào cũng vui, vì thế người ta lại chế ra loại nhạc để hát trong lúc buồn. Vậy là âm không những xuất hiện khi người ta vui mà còn có mặt khi người ta buồn. Âm nhạc lại trở thành một phương tiện nữa để con người bộc lộ sự đau khổ, tuyệt vọng, cô đơn, hờn giận, than phận, trách thân…T


rong thời bình, âm nhạc ca ngợi đời sống hòa bình, ca ngợi đất nước, một mảng khác thì ca ngợi tình yêu trong sáng, ca ngợi quê hương tươi đẹp. Một mảng khác lại phản ảnh tâm tư nguyện vọng của con người, thở than cho tình yêu đau khổ, thân thân trách phận, biểu hiện sự rụt rè, tuyệt vọng. Âm nhạc là suối nguồn của văn hóa xã hội cũng như quan hệ huyết thống. Ai lớn lên mà chẳng đã từng nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ. Những lời ru đó là âm nhạc tri thức, là phương triện truyền dẫn mối giao cảm giữa tình mẫu tử thiêng liêng, cô đọng.


Ngoài ra, âm nhạc đặc trưng còn được sử dụng trong các buổi lễ long trọng, trong lễ cưới, lễ tang. Muôn vẻ âm nhạc tồn tại và phát triển trong cuộc sống đời thường.Âm nhạc đã gắn liền mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của đời người, từ lúc chào đời đến khi giã từ cuộc sống. Đó là những khúc hát ru thuở ban đầu; những bài đồng dao khi khôn lớn, những bài hát vui, dí dỏm trong các trò chơi trẻ thơ; những bài hát giao duyên, tỏ tình khi trưởng thành; những bài ca sinh hoạt; những bài nhạc hiệu xuất trận; những bài hát trong lao động học tập và những khúc hát tiễn đưa con người trở về với cát bụi…


Âm nhạc là hiện tượng không thể thiếu trong đời sống cộng thể, từ xóm thôn đến làng xã. Từ xa xưa, khi biết lao động con người thường hợp sức nhau lại để cùng nhau xây dựng nhà cửa, bảo vệ bộ tộc và phát triển đời sống. Để giúp nhau đạt hiệu quả trong đời sống lao động vui chơi giải trí, những câu hò điệu hát phát sinh với ý nghĩa giáo dục tinh thần tập thể tương trợ, gắn bó với nhau, khích lệ nhau vượt qua những khó khăn. Để gây tình đoàn kết, tiếng đàn tiếng hát còn vang dội trong những ngày hội gia đình, những ngày lễ tết chung của dân tộc.


Âm nhạc đối với người xưa đã vậy, còn trong thời đại chúng ta đang sống, tâm hồn chúng ta phong phú gấp bội thì nhu cầu âm nhạc lại lớn lao biết bao nhiêu. “Âm nhạc mọi nơi mọi lúc”: từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ khu phố đến thành thị, đâu đâu cũng có thể nghe được những giai điệu vang lên. Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, cần thiết cho cuộc sống như không khí cần cho sự sống của mỗi người. Chính vì nhu cầu lớn lao này mà chỗ nào, lúc nào âm nhạc cũng có mặt.


Âm nhạc có mặt trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng: Truyền hình, truyền thanh đã dành cho các chương trình âm nhạc một thời lượng phát sóng dồi dào; chưa kể đến nhạc hiệu, nhạc chuyển tiếp giữa các chuyên mục, hoặc nhạc giới thiệu cho một chuyên mục (nhiều người theo dõi thường xuyên có thể nhận biết chuyên mục gì nhờ âm nhạc được phát lúc đầu).Báo chí phát hành mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng v.v… đều có những chuyên mục về âm nhạc Những cuộc thi âm nhạc nở rộ: Tiếng hát truyền hình, tiếng hát truyền thanh, Hội thi giọng hát hay, văn nghệ quần chúng v. . v… Nhưng sôi nổi hơn cả là thị trường âm nhạc. Âm nhạc là món hàng, là quà tặng, là phương thế quảng cáo tiếp thị. Âm nhạc được phổ biến qua băng đĩa (cassette, tape compact disque, CD, VCD, DVD, HD…) qua các tuyển tập; được trình bày trong các tụ điểm và sân khấu ca nhạc, trong quảng cáo…


Âm nhạc mang tính kinh tế, giải trí và thưởng thức, và mang tính thể thao nữa. Nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào âm nhạc luôn giữ một vị trí cần thiết và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống thật là lớn lao.Tính giáo dục của âm nhạc có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người, nhất là mặt tâm tư tình cảm. Khi dỗ con ngủ, tiếng hát ru của mẹ (của chị) như ngọt ngào trò chuyện, tâm tình, dạy bảo, gieo vào lòng trẻ thơ những hình ảnh thần tiên kỳ diệu, những ước mơ trong sáng và cao đẹp, vun đắp tình người, tình mẹ con và tình gia đình.Âm nhạc giúp con người, nhất là thời thơ ấu đang phát triển, lớn lên về mọi mặt: văn, thể, mỹ, đức, trí…


Các nghiên cứu khoa học cho hay âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do Bộ Giáo Dục Mỹ thực hiện trong 10 năm, với khoảng 25.000 trẻ em. Cuộc nghiên cứu cho thấy các môn nghệ thuật, nhất là âm nhạc, đã giúp các em có những tiến bộ rõ rệt trong các môn toán, lịch sử, địa lý… Âm nhạc làm phát sinh những tình cảm rất đặc biệt. Nó có thể làm cho ta uốn éo thân hình theo điệu nhạc hay lắc lư cái đầu theo mỗi dòng cảm xúc. Nghiên cứu mới nhất của Anne Blood và các đồng nghiệp ở Viện thần kinh trường Đại học Mc Gill (Montréal – Canada) khám phá ra rằng, những vùng trong não chịu sự tác động của âm nhạc rất khác so với quá trình cảm xúc và nhận thức đã biết. Họ xác nhận sở thích âm nhạc cũng có chỗ đứng trong não, bằng kỹ thuật chụp ảnh, người ta ghi nhận những vùng chịu sự tác động của âm nhạc nằm phần lớn ở bán cầu não phải, phần giầu cảm xúc nhất và chiếm một vị trí riêng biệt trong vùng dành cho sự thể hiện các cảm xúc.


Âm nhạc là nhựa sống cho các buổi lễ giao lưu văn hóa cũng như lễ kỷ niệm mang tầm quốc gia…- Học ngoại ngữ bằng cách nghe nhạc là phương pháp học nhanh và hiệu quả.- Âm nhạc là gia vị làm cho nghệ thuật điện ảnh thêm phần mặn mà và sống động. Đến nay, nhạc phim là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ bộ phim nào- Âm nhạc bác học, đặc biệt là những bản giao hưởng ngắn mang âm hưởng nhẹ nhàng thuần túy có thể làm phát triển trí não trẻ em. Hai nhạc sĩ thiên tài viết nhạc này phải kể đến là Mozart và Vivaldi.- Các bà mẹ mang thai có thể đeo phone vào hai bên bụng để thai nhi có thể nghe nhạc. Anh hưởng của âm nhạc đối với thai nhi là điều cần thiết trong quá trình hình thành ngôn ngữ lưu trữ trong não bộ.


Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về các mối quan hệ xã hội, quan hệ huyết thống và luân lý đạo đức đời thường. Âm nhạc là nguồn cảm hứng nội tâm, có khả năng tạo ra sự sung mãn về tâm hồn, nâng cao ý chí nghị lực trong cuộc sống. Điều đáng nói là âm nhạc tạo nên những cung bậc tình cảm rất tinh tế, thuần hóa tâm thức, đưa con người về với nhân cách vốn có của mình. Nói về vai trò này của âm nhạc, một bài viết được đăng trên http://www.nhaccu.com.vn như sau: “Nghệ thuật âm nhạc ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Sức mạnh cảm hoá của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn.


Như chúng ta đều biết, nhân cách là một thực thể phức tạp, đồng thời cũng là một thực thể thống nhất biện chứng về sinh lý, tâm lý và xã hội của con người. Ở những nhân cách phát triển toàn diện, ý thức tình cảm và hành vi của họ thống nhất biện chứng và tác động tương hỗ lẫn nhau. Phát triển nhân cách con người là quá trình tác động toàn diện lên các mặt trên bằng các phương tiện khác nhau, trong đó âm nhạc là một trong những phương tiện hết sức quan trọng.


Ngay thời cổ đại, ở Trung Quốc, Khổng Tử đã cho rằng âm nhạc có tác dụng làm thay đổi đạo đức và tập quán xã hội. Tuân Tử [3], trong cuốn Luận về âm nhạc, có viết: “Âm nhạc nhập vào lòng người rất sâu, cảm hoá người rất nhanh. Nhạc mà bình thì dân hoà không bị dục vọng lôi cuốn. Nhạc nghiêm trang thì dân tề nhất mà không loạn. Trái lại, nhạc mà bất nghiêm và hiểm hóc thì dân sa đà, bi tiện”. Như vậy, bản chất của âm nhạc và nghệ thuật nói chung là cái đẹp và cái thiện. Trong thời đại của chúng ta hiện nay và lịch sử tương lai của nhân loại cũng đều như vậy. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trình độ phát triển đời sống cộng đồng xã hội, cùng những nét riêng trong đời sống tinh thần của người nghệ sĩ.


Ngôn ngữ của âm nhạc có tính trừu tượng cao (hiểu theo nghĩa “vô hình” – khác tư duy trừu tượng của khoa học và triết học – tức tư duy bằng khái niệm) vốn là một thế mạnh trong việc gợi lên hình tượng nghệ thuật và làm cho hình tượng nghệ thuật “dội” thẳng vào con tim, trước khi “vọng” lên trí óc của người thưởng thức. Trước đây, người ta thường coi tính trừu tượng đó là hạn chế của nghệ thuật âm nhạc khi phản ánh thế giới. Song, cho đến nay đã có thể khẳng định: chính tính trừu tượng cao của nghệ thuật âm nhạc khi biểu hiện hình tượng nghệ thuật lại là một trong những thế mạnh riêng.


Người sáng tác tổ chức các âm thanh nhạc một cách chặt chẽ theo một hệ thống khúc thức lôgíc để phản ánh sự đa dạng, phong phú của cuộc sống cũng như đời sống nội tâm của con người: niềm vui sướng và nỗi đau thương, sự say mê lao động và niềm hạnh phúc, cuộc đấu tranh sống còn và tâm tư thầm kín, những bức xúc xã hội và những ước mơ, hoài bão cao đẹp…


Hệ thống ngôn ngữ ấy được sống dậy trong âm điệu và nhịp điệu thông qua biểu diễn của người nghệ sĩ, phản ánh một cách lành mạnh hiện thực cuộc sống và tâm tư tình cảm con người, đồng thời luụn tạo nên sự đồng điệu với vèn văn hoá của người thưởng thức âm nhạc, hướng họ vào thế giới nội tâm, vào lý tưởng, tình cảm trong sáng, vào tâm hồn cao thượng để vươn tới tương lai tươi đẹp.

Bài văn nghị luận về âm nhạc và cuộc sống số 8
Bài văn nghị luận về âm nhạc và cuộc sống số 8
Bài văn nghị luận về âm nhạc và cuộc sống số 8
Bài văn nghị luận về âm nhạc và cuộc sống số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy