Bài văn nghị luận xã hội về bệnh vô cảm hiện nay số 7
Nếu như ngày nay HIV/AIDS đã được các nhà khoa học tìm ra xu hướng điều trị mới nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng quét sạch toàn bộ HIV ra khỏi danh sách những căn bệnh không có thuốc chữa thì vô cảm_căn bệnh tinh thần của con người vẫn chưa tìm ra vắc xin. Bệnh vô cảm là một thái độ sống chưa tốt, có nhiều biểu hiện tiêu cực đáng báo động trong xã hội. Điều đó khiến cho mỗi con người cần phải suy ngẫm, trăn trở với mong muốn tìm ra giải pháp trị liệu hiệu quả.
Vậy bệnh vô cảm là căn bệnh như thế nào? Vô là không, cảm là cảm xúc. Vô cảm chính là không có cảm xúc. Nó đã trở thành “bệnh” nhiễm sâu vào trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bệnh vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến con người và sự vật, sự việc diễn ra xung quanh trong cuộc sống. Căn bệnh vô cảm khiến cho con người ta sống một “trái tim không có tình người”. Mà như Nam Cao đã nói “không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ” (Đời thừa).
Chắc hẳn ngay từ khi còn thơ bé chúng ta đã được đọc truyện cổ tích. Nếu ai đã từng đọc “Cô bé bán diêm”ắ t hẳn sẽ không thể quên được cái đêm hôm ấy- đêm Giáng sinh “Trời lạnh mọi người quây quần bên chiếc lò sưởi để đón Giáng sinh…. Trên khắp phố phường một số người hối hả trở về nhà dường như không có ai để ý đến cô bé”. Mặc dù đôi mắt ngây thơ ấy nửa van xin nửa ngại ngùng, chẳng hiểu sao cô vẫn bán như mọi ngày nhưng hôm nay tuyệt nhiên không một ai hỏi đến phải chăng vì họ vô tâm hay họ quá vội vã? Chính thái độ thờ ơ đó đã để em chết vì cái đói, cái giá lạnh trong đêm Giáng sinh hạnh phúc của bao người. Cái chết ám ảnh của cô bé đã khiến cho người đọc xót xa mà day dứt sao đêm ấy mọi người lại bỏ mặc em đến vậy. Tác giả ắt hẳn rất đau lòng khi đã để em chết trong hiện thực nghiệt ngã, đau lòng khi thấy giá trị đạo đức đang đi xuống nhưng cũng là để nhắn nhủ với bạn đọc hãy biết sống có tình người, yêu thương lẫn nhau.
Bước ra từ trang sách những con người vô cảm trong đêm Giáng sinh vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Bệnh vô cảm có ở trong mọi lứa tuổi, nghề nghiệp căn bệnh ấy đã “lây nhiễm” trong toàn xã hội. Ngay một số quan chức cấp cao_ những người mà theo Hồ Chí Minh nhận định: “Mỗi người Đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho nhân dân… làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân… và phải làm cho tốt”. Những con người ấy phải phục vụ cho lợi ích của quần chúng nhưng một số chính quyền địa phương lại có thái độ dửng dưng, không quan tâm.
Vụ án gần đây của Đặng Văn Hiến (Đăk Nông) vụ việc tranh chấp đất đai giữa dân làng và người của công ty Long Sơn. Trong tình thế nguy kịch giữa một bên là đất đai bị cướp, vợ con bị đe dọa và thái độ hung hăng của chúng đã buộc Hiến phải nổ súng. Tiếng súng ấy không phải của một tội phạm khát máu. Tiếng súng thức tỉnh lương tri. Tiếng súng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô cảm của chính quyền địa phương. Nếu có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì có lẽ người dân lương thiện không phải dùng đến bạo lực để giải quyết để bây giờ phải lãnh án giết người.
Ngay cả trong môi trường giáo dục_nơi ươm mầm tri thức cho đất nước nhưng căn bệnh vô cảm vẫn có mặt. Bạo lực học đường là vấn đề nổi trội lên hiện nay. Các em học sinh thấy bạn bè đánh nhau không can ngăn mà cổ súy, dửng dưng quay clip cho lên mạng xã hội. Thầy cô giáo thấy hành vi sai trái của học sinh thì lờ đi như không biết. Con người ta thật bình tâm trước cái xấu. Bệnh vô cảm biểu hiện ngay trong những hành động ta vô tình bắt gặp ngoài đường. Là thấy kẻ gian móc túi mà không dám lên tiếng, là thấy những số phận bất hạnh nghèo khổ ta thờ ơ ngang qua. Là những vụ tai nạn giao thông nạn nhân đang giành giật giữa sự sống và cái chết ngay trước mặt nhưng họ vẫn làm ngơ, họ bàn tán, xì xào mà sao không một ai gọi cấp cứu.
Vô cảm không chỉ đối với mọi người mà còn đối với chính bản thân, người thân yêu nhất của mình. Hội thánh đức chúa trời đang hoạt động mạnh mẽ ở nước ta. Đây là một tà đạo hủy hoại nếp sống văn minh của con người. Những hội viên “ngây thơ” đa phần là sinh viên chính vì thờ ơ, không quan tâm theo dõi tin tức nên để mình bị lôi kéo, dụ dỗ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện của bệnh vô cảm vô cùng đa dạng, đối tượng phong phú, nó lây nhiễm như một dịch bệnh có ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Vậy nguyên nhân nào khiến cho căn bệnh ấy ngày càng trầm trọng? Cuộc sống ngày càng phát triển con người càng phải guồng quay hối hả chạy theo vật chất mà quên mất rằng thế giới tinh thần rất quan trọng. Vô cảm xuất phát từ tâm lí đám đông họ sợ gặp rắc rối, sợ “mua dây buộc mình”. Vô cảm bởi lối sống ích kỉ chưa được giáo dục đúng đắn…
Chính căn bệnh ấy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nó làm cho con người từ “nhân chi sơ tính bản thiện” trở thành người vô tâm, vô tình. Vô cảm làm mất đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”. Nó làm cho văn hóa “tắt lửa tối đèn có nhau” dần mất đi trong cuộc sống nhộn nhịp nơi phố phường, khiến con người sống chạm mặt mà cách lòng… Tuy nhiên không phải ai cũng mắc phải căn bệnh ấy, trong xã hội còn rất nhiều người tốt dám hi sinh xả thân cứu người, nhiều hành động đẹp để ta học tập. Để đẩy lùi được căn bệnh ấy cần phải xây dựng được một lối sống văn minh, một xã hội đồng cảm, sẻ chia. Cần khơi dậy lòng nhân ái và dung khí trong mỗi con người. Cần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, gìn giữ truyền thống nhân đạo của dân tộc.
Là một người trẻ em nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh vô cảm. Đây là một căn bệnh cần được điều trị kịp thời. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi “dịch bệnh” để cuộc sống này biết yêu thương, vui buồn trước nỗi đau của mỗi con người, để xã hội này là xã hội của tình thương yêu. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương” chính là vậy.