Bài văn nghị luận xã hội về chữ hiếu số 7
Euripides cho rằng: “Duy chỉ có gia đình người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Phải, gia đình với mỗi người quan trọng biết mấy. Ai có thể đối xử với bạn tốt đẹp hơn cha mẹ đây? Chính lẽ đó mà mỗi đứa con cần có lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo không chỉ là phẩm chất đáng quý của con người mà còn là đạo lí cơ bản mà con người cần phải nhận thức và thực hiện đúng đắn.
Lòng hiếu thảo vốn là vấn đề quen thuộc mà chúng ta thường xuyên đề cập đến, nhất là trong giáo dục học đường. Hai chữ “hiếu thảo” bắt nguồn từ triết học Nho giáo, ám chỉ một đức tính của con cái phải biết trân trọng, tôn trọng và yêu thương cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Trong văn hóa Á Đông, lòng hiếu thảo là một đức tính quan trọng, có ý nghĩa không chỉ trong đạo đức mà còn là văn hóa sống của con người. Ở Việt Nam, lòng hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức đặc trưng của dân tộc, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” có tính truyền thống ngàn năm.
Lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ được biểu hiện thông qua sự chăm sóc, yêu thương, kính mến, biết ơn cha mẹ khi còn sống và thờ phụng, hương khói cho cha mẹ khi họ đã mất. Lòng hiếu thảo không chỉ với riêng cha mẹ ruột thịt mà là dành cho tất cả những người có công lao nuôi dưỡng, chăm sóc… con cái, thậm chí là cả tổ tiên, dòng họ và các thể hệ trước có công lao giúp cuộc sống của thế hệ sau tốt đẹp hơn. Nhờ có lòng hiếu thảo mà con người trong xã hội trở nên gắn kết với nhau hơn.
Ca dao Việt Nam có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Thực hiện đạo lí này mà trong lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những tấm gương hiếu thảo của dân tộc. Trước kia, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép lại câu chuyện về vua Lê Tư Thành – Lê Thánh Tông: “Khi Hoàng thái hậu chưa băng hà, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc thang hay thức ăn uống, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khấn”. Ngay cả một vị chí tôn cũng không quên làm tròn chữ hiếu trong vai trò một người con.
Ai yêu văn học nước nhà đều sẽ biết đến “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) với hình ảnh nàng Kiều đã từ bỏ mối duyên đẹp với Kim Trọng để làm tròn đạo hiếu. Kiều sẵn sàng bán mình chuộc cha, đánh đổi cả cuộc đời để cứu cha trong cảnh hoạn nạn. Đó là lựa chọn đáng khâm phục và rất nhân văn của Kiều. Tác giả Nguyễn Du đã khẳng định chân lí về đạo hiếu trong suy nghĩ và tâm hồn người Việt.
Trong cuộc sống thực tế, hiếu thảo cũng không hề khó thực hiện, nó thể hiện ngay trong những hành động nhỏ nhất của mỗi người. Trước khi đi học phải thưa gửi, khi về nhà phải chào hỏi, ăn cơm phải mời bề trên, giúp mẹ làm những công việc lặt vặt vừa sức, cố gắng chăm chỉ học hành… đều là xuất phát điểm của lòng hiếu thảo. Trong chúng ta, bao nhiêu người làm được?
Lòng hiếu thảo khi nâng lên tầm vĩ mô, nó chính là lòng biết ơn tổ tiên, thế hệ đi trước đã gầy dựng lên cục diện xã hội tốt đẹp ngày hôm nay. Biết bao đời vua Hùng dựng nước, giữ nước. Các thế hệ cha anh thời chống Pháp, chống Mĩ giành lại độc lập. Ngày nay, có được hòa bình, tự do, chúng ta không quên khắc ghi lòng biết ơn đối với thế hệ trước.
Một số bạn trẻ ngày nay cho rằng, cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái là nghĩa vụ nên không cần thiết phải quá biết ơn, coi trọng công lao đó. Đây hoàn toàn là suy nghĩ sai lệch, báo hiệu sự tha hóa trong nhân cách con người. Nếu chỉ là một nghĩa vụ, liệu nỗi vất vả nuôi con ấy họ có thể vượt qua hay không? Nuôi một người con khôn lớn cực nhọc tới nhường nào. Chỉ có thể là tình yêu thương vô tận mới giúp họ vượt qua khó khăn. Đa phần các ông bố, bà mẹ đều là nông dân. Ngay cả ở thành thị, cha mẹ nào không vất vả mưu sinh. Thế nhưng, khi các bạn được ngồi học dưới mái trường khang trang, đầy đủ bàn ghế, bảng phấn, quạt tường… bao nhiêu người biết ba mẹ mình đang đổ những giọt mồ hôi nơi đồng ruộng hay buôn ba khắp nơi chắt chiu từng đồng tiền nuôi con cái ăn học?
Có lẽ, nỗi lòng của cha mẹ con cái chỉ có thể thấu hiểu hết khi họ trường thành và trở thành những ông bố, bà mẹ. Khi có những đứa con riêng cho mình, họ mới thực sự thấu hiểu được công ơn cha mẹ to lớn tới đâu. Những cảnh tượng như con cái bỏ rơi mẹ già lao mà tìm kiếm vật chất ở những nơi xa xôi nào đó, con cái để mặc cha mẹ trong viện dưỡng lão, ngày Tết cũng chẳng có mấy đứa chịu về tụ họp với ông bà già… thật đáng buồn biết mấy! Đúng là xã hội hiện đại khiến con người bị cuốn theo cơn lốc kinh tế thị trường, nhưng ứng xử thiếu văn minh như vậy thì không thể chấp nhận được.
Tóm lại, lòng hiếu thảo là đức tính quý báu của con người, đặc biệt là với người Việt Nam. Chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay hãy giữ gìn, phát huy và thực hiện nghiêm túc đạo lí ấy để con cháu chúng ta nhiều thế hệ sau được tự hào hơn nữa về truyền thống đạo đức dân tộc.