Bài văn nghị luận xã hội về kĩ năng sống số 6
Trong những năm gần đây vấn đề kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống đang là vấn đề “nóng” được giới nghiên cứu và xã hội quan tâm, nhất là trước tình trạng báo động về nhân cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ đương đại. Thế nhưng tình hình chung ở các trường phổ thông hiện nay là phần lớn thời gian dạy học đều dành hết cho các môn học chính khóa còn kĩ năng sống ít được quan tâm, hoặc là lồng ghép với các hoạt động khác như ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Giáo dục cần phải hướng đến một chương trình toàn diện, dạy học là dạy cả tri thức, kỹ năng và thái độ sống để học sinh có thể hội nhập, thích nghi với cuộc sống tương lai. Chính vì vậy chúng ta phải suy nghĩ đến ý kiến sau: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”.
Kĩ năng sống là khả năng thích nghi, ứng phó và giải quyết các tình huống thực tiễn. Kiến thức là những hiểu biết có được từ sách vở và đời sống thông qua quá trình học tập và trải nghiệm. Ý kiến trên đã khẳng định việc rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức đều cần thiết.
Điều đầu tiên chúng ta cần khẳng định việc tích lũy kiến thức giúp con người tăng vốn hiểu biết để khám phá thế giới, khẳng định bản thân. Thế nhưng, chỉ tích lũy kiến thức là không đủ để chuẩn bị cho tương lai. Nhà tâm lí học Ba Lan Krytyna Skarzyska đã khẳng định: “Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kĩ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”. Xã hội hiện đại có những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống, một mặt sự phát triển của xã hội hiện đại làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn, những mặt khác làm nảy sinh những vấn đề mới mà trước đây con người chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa biết cách đương đầu, đồng thời mức độ phức tạp, khó khăn của những vấn đề cũ đã gặp trước đây cũng có xu hướng tăng lên. Như vậy trong xã hội hiện đại con người càng cần có kĩ năng sống để thích nghi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng và hòa nhập với môi trường một cách tốt nhất.
Tại Mĩ, từ những năm 1916, người ta đã nhận ra rằng tri thức nhân loại là rất lớn nhưng để thực hành thành thạo và áp dụng, ứng dụng vào cuộc sống thì thường không như mong muốn. Cho nên mỗi người dân lao động tại Mĩ phải đảm bảo thực hành và phải được các tổ chức công nhận là đã qua 13 kĩ năng bắt buộc. Kĩ năng sống góp phần thúc đẩy cá nhân và xã hội, ngăn ngừa được các vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội, bảo vệ sức khỏe và quyền con người. Các cá nhân thiếu kĩ năng sống là một nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề lệch chuẩn. Người có kĩ năng sống biết cách bảo vệ mình trước những yếu tố bất lợi của cuộc sống, biết xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, nhân văn và từ đó góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, làm cho xã hội phát triển, văn minh.
Rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại: tích lũy kiến thức làm nền tảng cho việc hình thành, rèn luyện kĩ năng sống; rèn luyện kĩ năng sống là điều kiện để vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế. Kĩ năng sống như một phản xạ, xuất phát từ chính vốn sống, tính cách của mỗi người. Kĩ năng sống không tự nhiên mà có. Đó là một quá trình học tập, tích lũy và rèn luyện của chính bản thân mỗi người. Mỗi người cũng có thể tự trang bị kĩ năng sống bằng cách quan sát, học hỏi những điều hay, điều tốt từ những người xung quanh mình, tự trải nghiệm cuộc sống với những hoạt động như đi du lịch, tham gia các chương trình, hoạt động đoàn thể, cộng đồng.
Do vậy chúng ta cần phê phán những lối suy nghĩ một chiều, chỉ chú trọng vào những kiến thức sách vở mà quên đi việc rèn luyện những kĩ năng sống, từ đó khi đối mặt với khó khăn sẽ không có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thực tiễn. Hơn thế, giáo dục kĩ năng sống cần cả một quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường và cả xã hội. Trong đó có thể nói giáo dục kĩ năng sống trong nhà trường theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong nhiều con đường hình thành kĩ năng sống ở mỗi người, nhưng giáo dục kĩ năng sống theo con đường giáo dục nhà trường sẽ đảm bảo vai trò chủ đạo của giáo dục và có thể đem lại hiệu quả cao hơn nhờ tính khoa học và tính chuyên nghiệp của nó.
Lewis L. Dunnington từng nói: “Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao, không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào”. Nhìn lại ý kiến trên, chúng ta có thể khẳng định việc cân bằng giữa kiến thức và kĩ năng sống giúp cuộc sống con người không chỉ thuận lợi hơn mà còn có thể tạo ra nhiều giá trị thực sự trong cuộc sống. Chính vì vậy mà việc nhận thức được tầm quan trọng và biết kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa rèn kĩ năng sống với tích lũy kiến thức sẽ giúp mỗi người hoàn thiện bản thân và giúp cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn.