Bài văn nghị luận xã hội về lối sống giản dị số 10
Giản dị là một nét đẹp phẩm chất cao quý, là truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam ta. Đức tính giản dị luôn được trân trọng, đề cao, được ông cha ta đúc kết và truyền đạt lại cho con cháu từ xưa đến nay. Vì thế, những bài học đạo đức đầu tiên của con người là lối sống giản dị, lối sống ấy góp phần hình thành nên nhân cách tốt đẹp của con người.
Đức tính giản dị là một phẩm chất của con người, là một thái độ sống bình dị, không xa hoa, lãng phí. Giản dị phải từ lối sống, cách ăn mặc, cũng như cách ứng xử với mọi người xung quanh. Đức tính giản dị từ xưa đến nay luôn được coi trọng bởi nó đem lại cho con người rất nhiều lợi ích. Xưa kia khi đất nước vẫn chưa phát triển, giản dị giúp cho con người tiết kiệm được tiền bạc, tránh chi tiêu vào những thứ không cần thiết để lo cho cuộc sống của gia đình. Ngày nay, xã hội phát triển, nhu cầu và điều kiện sống của con người ở mức cao hơn nhưng đức tính đó vẫn không hề bị mất đi mà thay vào đó, nó luôn luôn được đề cao, trở thành chuẩn mực sống cho tất cả mọi người trong xã hội.
Sống giản dị không phải là sống ki bo bủn xỉn, tiết kiệm quá mức. Giản dị ở đây được hiểu là không phô trương khoe mẽ, không xa hoa, ăn chơi, lãng phí mà ăn tiêu sử dụng sao cho phù hợp. Ăn uống giản dị là ăn uống đa dạng, đủ chất mà không hề tốn kém. Mặc giản dị là mặc đủ ấm, đủ lịch sự, không phô trương, không lôi thôi lếch thếch. Sống giản dị để phù hợp với hoàn cảnh cũng như con người của mình. Giản dị cũng là một đức tính giúp chúng ta rèn luyện và hoàn thiện bản thân hơn. Đức tính giản dị là mục tiêu hướng tới của tất cả mọi người, từ người giàu sang đến những người nghèo khổ, không phân biệt già trẻ gái trai.
Lối sống giản dị từ xưa đến nay đã trở thành một nền tảng để bắt đầu những lối sống tốt khác: sống khỏe, sống đẹp và sống có ích. Sống giản dị không phải là hưởng thụ mà là làm cho mọi thứ, từ cách ăn uống, ăn mặc, sinh hoạt, hay cách cư xử trở nên đơn giản và bình dị hơn. Giản dị là không quá phức tạp hóa vấn đề lên nhiều, không khoe mẽ. Sống giản dị mang lại cho ta nhiều lợi ích bởi nó đem lại cho chúng ta rất nhiều những bài học, qua cách ứng xử với con người và cách coi trọng tiền bạc mà mình đã kiếm được.
Người sống giản dị luôn luôn được quý trọng bởi cách sống của họ gần gũi, hòa đồng và thân thiện với mọi người. Cách sống của họ đơn giản không phô trương khoe khoang dù cho họ có giàu sang đến đâu. Thế nhưng họ vẫn sống một cách đơn giản, họ suy nghĩ về lối sống của mình nhanh gọn, không quá cầu kì rắc rối nhưng vẫn giữ được sự chu đáo toàn vẹn chứ không hề qua loa mặc kệ.
Bác Hồ là bậc vĩ nhân luôn được tôn vinh trên toàn thế giới thế nhưng Người lúc nào cũng có một cuộc sống giản dị. Mặc dù là một vị lãnh tụ thiên tài của đất nước Việt Nam, nhưng cả cuộc đời Bác vẫn luôn luôn sống giản dị, từ việc bác sinh hoạt ăn uống đến những bộ trang phục đơn sơ giản dị, với đôi dép xốp, và bộ quần áo ka ki, tất cả chỉ là những bộ trang phục đơn giản. Đó là một phẩm chất rất cao quý trong con người của Bác, vì thế mà Bác lại được tất cả mọi người quý mến, ngay cả kẻ thù của dân tộc cũng phải ngả mũ kính phục.
Dù địa vị cao nhưng trong cách sinh hoạt và ứng xử, Bác vẫn là người rất bình dị, và lỗi lạc, cách sống của Bác chẳng khác bao nhiêu so với dân ta thời bấy giờ. Đức tính giản dị được thể hiện ngay cả trong cách Bác ứng xử với mọi người xung quanh, Bác luôn làm việc và cống hiến hết mình cho dân tộc, hòa nhập với nhân dân, Bác còn sống chung với cả những chú bộ đội, yêu thương tất cả con dân, tự mình chia sẻ và động viên đồng đội đồng bào trước tình hình đất nước còn đang chiến loạn.
Đức tính giản dị được thể hiện qua cách ứng xử, lối sống của một con người. Nhiều người có danh vọng và địa vị rất cao trong xã hội nhưng trong cách ăn mặc, họ giản dị, gọn gàng; trong cách ứng xử họ vẫn nhã nhặn, điều đó không làm mất đi giá trị của họ mà còn làm tăng thêm phẩm chất quý giá của họ. Thế nhưng bên cạnh những người luôn luôn biết sống giản dị và đơn giản đến bình dị lại có những người luôn thích khoe khoang. Ta thường thấy những người như thế ở giới trẻ khi mà hiểu biết của họ vẫn còn nông cạn, không hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống, của đồng tiền, của đức tính giản dị. Họ hàng ngày sống xa hoa đua đòi dù điều kiện vật chất có hay không. Họ muốn thể hiện mình là con người sành điệu, muốn mọi người ngưỡng mộ nhưng thực chất họ lại bị người đời khinh thường vì thói xa hoa kệch cỡm vô nghĩa ấy. Những trường hợp ấy rất đáng bị lên án, phê phán.
Mỗi chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mình ngay từ bây giờ. Việc chúng ta cần làm trước tiên là thực hiện lời dạy của Bác, sống giản dị, khiêm nhường, luôn luôn biết đâu là ưu nhược điểm để thay đổi bản thân theo hướng tốt hơn. Ta cần phải sống sao cho đức tính giản dị trở thành một phẩm chất của ta, mang lại ý nghĩa to lớn trong việc hình thành phẩm chất cao cả và đáng khen ngợi của mỗi con người.