Bài văn nghị luận xã hội về tính tự lập của giới trẻ ngày nay số 2
Không ai yêu thương mình hơn chính mình. Không ai cứu giúp mình tốt hơn là chính mình. Tự lập là phẩm chất tốt đẹp mà mỗi con người cần phải có. Nó Chính là động lực tạo nên mọi nguồn sức mạnh đưa con người đến thành công.
Thế nào là tự lập? Tự là tự mình làm một công việc gì đó mà không cần đến sự trợ giúp từ người khác. Lập là độc lập không dựa dẫm vào ai để được lợi lộc cho bản thân. Vì vậy, tự lập mang ý nghĩa của sự độc lập, không ỷ lại vào người khác. Những người tự lập, họ luôn tự giác làm những công việc của mình, không ỷ lại hoặc phụ thuộc vào ai đó.
Tại sao phải rèn luyện tính tự lập? Trong một xã hội ngày càng phát triển như ngày nay, đạo đức của con người luôn được đề cao và trở thành một khía cạnh quan trọng luôn được mọi người quan tâm. Trong đó, tự lập là một yếu tố cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Khi mỗi người lớn dần lên, đều phải tập tềnh bước đi trên đôi chân của mình, không thể luôn luôn dựa dẫm vào cha mẹ, người thân của mình. Bởi lẽ, cuộc đời này có rất nhiều biến cố, không ai sẽ mãi mãi ở bên cạnh dìu dắt, giúp đỡ chúng ta những lúc khó khăn, vấp ngã. Vậy sao chúng ta không tự lập, tự nỗ lực vào chính bản thân mình để sau này có thể bước đi một mình vững vàng, khi cha mẹ vẫn còn bên cạnh để làm chỗ dựa tin thần cho ta. Để mỗi lúc chùn bước hay vấp ngã, chúng ta vẫn mạnh mẽ đứng lên và vững tin bước tiếp.
Người tự lập luôn sẵn sàng thử sức, dấn thân trên mọi nẻo đường. Họ sống rất nhiệt huyết và luôn có khát khao tự trải nghiệm. Bởi thế, người tự lập sẽ đạt được thành công trong cuộc sống và được mọi người quý mến, kính trọng. Trong cuộc sống, không thiếu những tấm gương tự lập để chúng ta noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương sáng về tính tự lập mà mỗi người Việt Nam đều tự hào mỗi khi nhớ đến. Người đã can đảm dấn thân vào con đường cứu nước khi bôn ba khắp xứ lạ quê người, vì nung nấu trong trái tim một tình yêu bao la cho con người, dân tộc Việt Nam. Tấm gương tự lập trong cuộc sống này luôn được tôn vinh và trân trọng.
Trong cuộc sống vật chất phát triển như ngày nay, đời sống tin thần ngày càng được nâng cao. Đôi lúc, chính sự quan tâm và bảo bọc quá mức của cha mẹ và nhà trường đã làm tính tự lập của con trẻ ngày một mất dần. Những đứa trẻ ấy chỉ biết ỷ lại, luôn dựa dẫm vào cha mẹ, gia đình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Họ mắc chứng bệnh mang tên “lười hành động”, họ không muốn nghĩ suy và luôn thích nói không với mọi thứ. Họ học gì, làm gì, mang gì cho đến yêu ai, làm gì và sống như thế nào đều cần có người quyết định thay.
Cuộc đời của những con người ấy là một trang sách đã được viết sẵn mà tác giả là một ai khác ở thế giới ngoài kia, bạn sẽ không biết. Rồi một ngày kia, khi tác giả không còn nâng niu trang sách ấy, những con người ấy sẽ đi vào ngõ cụt của cuộc đời, họ xoay quanh với cuộc sống hỗn độn như những con rối không có cảm xúc. Cuộc sống họ trở nên vô nghĩa, nhàm chán. Nhiều bậc phụ huynh đã và đang hiểu sai về tự lập.
Tự lập không có nghĩa là không quan tâm, không che chở cho con trẻ. Tự lập là để họ tự bước đi chập chững bằng đôi chân của mình, và gia đình là nguồn động viên tinh thần để mỗi người vững tin bước đi, là nơi giang tay nâng đỡ mỗi khi chúng ta vấp ngã.
Tuy vậy, tự lập không có nghĩa là chúng ta phải tách biệt mình ra khỏi cộng đồng. Tự lập là phải đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi thứ mà chúng ta có thể làm và phải làm một mình. Tự lập là mỗi người có thể tự hào rằng mình đủ sức và có khả nâng đóng góp sức lực bản thân vào công việc chung của cộng đồng, xã hội để tạo thành sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong tập thể, dân tộc.
Học sinh cần rèn luyện tính tự lập như thế nào? Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện tính tự lập ngày từ khi còn nhỏ. Muốn vậy, bản thân mỗi người luôn phải nỗ lực và cố gắng vươn lên, cần rèn luyện cho mình ý chí mạnh mẽ mỗi khi đối mặt với thử thách mới. Vậy rèn luyện tính tự lập ở đâu ? khi nào ? Chúng ta có thể rèn luyện tính tự lập trong học tập. Mỗi người cần tự suy nghĩ và tự làm bài khi gặp bài khó, có thể dựa vào gợi ý của thầy cô, bạn bè nhưng sau đó ta phải tự rèn luyện và nắm vững kiến thức.
Tự lập có thể rèn luyện trong công việc hàng ngày. Mỗi chúng ta cần học dần cách chăm sóc cho chính mình, từ ăn, mặc, ngủ đến việc giải trí ngay khi còn nhỏ. Lúc nhỏ 3 tuổi có thể học tự đánh răng, tắm rửa, tự ăn cơm,… sau này lớn lên ta học tự nấu ăn, tự sắp xếp thời gian biểu hàng ngày.
Tự lập là phẩm chất mà mỗi người chúng ta cần phải có. Nhưng tự lập cũng phải kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Có như thế, cuộc sống này mới ngày càng tốt đẹp và mỗi người đều nhận được hạnh phúc trọn vẹn hơn.