Bài văn phân tích bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê" số 9
Người ta thường hay nói “Sinh ra ở đâu thì mãi thuộc về nơi ấy”, ai cũng có cho mình một quê hương để thuộc về nhưng đôi khi vì sự xa cách, không biết tự lúc nào mà bản thân đã không còn được mảnh đất mình sinh ra công nhận. Đó là một nỗi đâu đớn ngậm ngùi không nói lên lời mà Hạ Tri Chương đã cảm nhận khi sau nhiều năm quay trở về quê của mình, ông trở thành khách lạ ngay trên quê hương mình. Và bao nhiêu đó đã gửi gắm qua những dòng thơ: “Hồi hương ngẫu thư”.Bài thơ thất ngôn tư tuyệt cô đọng mà để lại bao nhiêu dư vang;
Thiếu tiểu li gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Dịch thơ:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Câu thơ chia làm hai vế đó là về thời gian cũng như hành động của con người, khi xa quê, tác giả còn thanh niên, như cánh chim bằng muốn dang rộng đôi cánh bay lên bầu trời cao rộng, đến khi nhìn lại muốn quay trở lại quê hương thì đã già. Có lẽ sau bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường, đã đến lúc, ông muốn về quê hương nơi mình sinh ra an dưỡng những năm tháng tuổi già trong thanh bình.
Xa quê lâu như thế nhưng “Hương âm vô cải” thật là một điều đáng quý. Giọng nói quê là một cái gì đó vô cùng đặc trưng mà dường như mỗi vùng miền đều có những chất giọng khác nhau và chỉ có người ở nơi đó mới có giọng ấy. Nhưng giọng quê cũng không phải là một đặc điểm dễ giữ nguyên vẹn nhất là khi người ta đi xa, đến và sinh sống lâu dài ở một nơi khác, tiếp xúc với giọng nói, nền văn hóa khác, nhiều người bị biến đổi giọng nói.
Thế nhưng tác giả còn rất tự tin mình vẫn giữ được giọng nói quê hương, giữ nguyên cái bản sắc quê hương và là sự thể hiện của một tấm lòng không bao giờ quên quê hương mình. Làm sao ông có thể quên quê hương khi mà mỗi ngày ông đều nói giọng quê mình, mỗi âm thanh phát ra hẳn còn hằn lại một nỗi nhớ quê da diết, một quê hương luôn trong trái tim tác giả. Nhưng hình ảnh đối lập ngay sau đó: “mấn mao tồi” cho thấy dấu hiệu của thời gian đã làm cho con người đổi khác, mái đầu bạc là biểu thị cho tuổi tác cao, tuổi già đã bao phủ.
Thế nhưng cũng vì thế mà nổi bật lên một tình cảm thủy chung từ ngày đi lúc còn trẻ cho đến ngày trở về tuy ã già bao nhiêu thì quê hương vãn thường trực trong trái tim tác giả. Quê hương ấy hiện lên trong giọng nói không thể đổi khác mà ông tự hào. Thế nhưng, nhà thơ không khỏi ngạc nhiên xen lẫn ngậm ngùi khi mà:Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai
Dịch thơ:Trẻ con thấy lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi
Dân gian ta có câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Trẻ con thì ngây thơ, thật thà, cũng chính vì vậy mà câu hỏi của chúng khiến cho nhà thơ không khỏi đau lòng. Chúng vì lần đầu nhìn thấy ông bởi đã nhiều năm ông không về quê hương, bạn bè cũ hẳn còn nhớ nữa là trẻ con chưa bao giờ gặp mặt. Ông trở thành người “lạ” với những đứa trẻ, cũng chính là với thế hệ sau của dân làng, với chính mảnh đất quê hương mình. Còn nỗi đau nào lại xót xa hơn nỗi đau quay trở lại quê hương của mình mà lại bị coi là “khách”? Ông ở đất khách bao nhiêu năm luôn mong về quê hương, tức là chưa khi nào ông coi nơi mình đang sống là quê cả, ấy vậy mà khi trở về quê lại bị coi là khách, vậy rốt cuộc quê hương ông là ở đâu?
Bài thơ là niềm ngậm ngùi xót xa của một người khát khao về với quê hương mà lại hụt hẫng ngày trở về. Qua đó ta thấy rằng thời gian trôi đi, mọi thứ đều có thể đổi khác, không ai khống chế được, nên khi có thể, đừng trì hoãn lần về với quê hương để mà hối hận xót xa khi không còn được tha thiết như ngày nào.