Bài văn phân tích bài thơ "Nhớ đồng" của Tố Hữu số 8

Tố Hữu được biết đến và nhắc nhớ trong thi ca Việt Nam là một nhà thơ có hồn thơ da diết đậm chất trữ tình. Và quan trọng hơn là thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Có lẽ Tố Hữu đã chứng kiến, tham dự và đóng góp vào quá trình lâu dài ấy với tư cách của một chiến sĩ cách mạng kiên cường và một nhà thơ mang hồn thơ của thời đại.


Thơ Tố Hữu như đã quy tụ và kết tinh truyền thống nhân văn cùng sức mạnh tinh thần của dòng giống Lạc Hồng bất khuất. Ông xứng đáng là “Lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam”. Tố Hữu có rất nhiều thi phẩm nổi trội độc đáo và một trong số đó phải kể đến tác phẩm “Nhớ đồng”.

Ta đã biết đến bài "Tâm tư trong tù” được khơi nguồn từ những âm thanh quen thuộc của cuộc sống bên ngoài, bài” Khi con tu hú” được hình thành từ tiếng chim tu Hú báo hiệu hè về thì ở bài “Nhớ đồng" thì có thể nói cảm hứng thơ lại được gợi lên từ tiếng hò quen thuộc của quê hương làm xao động tâm hồn thi sĩ.

Là người con của xứ Huế mộng mơ. Nên từ nhỏ, tâm hồn nhà thơ như đã được nuôi dưỡng bằng mạch nguồn trong trẻo, ngọt ngào của những điệu ca, điệu hò nổi tiếng như câu Nam ai, Nam bình, mái nhì, mái đẩy… Có lẽ chính vì thế mà tiếng hò có rất nhiều ý nghĩa đối với người tù trẻ tuổi mang trái tim thi sĩ. Giọng hò như đã thôi thúc, đã khơi dậy trong tâm tưởng nhà thơ bao hình ảnh của cuộc sống mến thương trên quê hương yêu dấu

Thi phẩm “Nhớ đồng” đã phản ánh tâm trạng cô đơn, buồn nhớ của người tù trẻ tuổi bị tách biệt khỏi môi trường hoạt động sôi nổi, phải xa đồng bào, đồng chí thân thương. Nếu như người đọc nhận ra rất dễ trong “Tâm tư trong tù’ thì tâm trạng ấy được thể hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ.


Thì dường như ngược lại còn ở Nhớ đồng thì lại thâm trầm, da diết. Nhớ đồng là cách nói để cụ thể hóa đối tượng của nỗi nhớ. Tuy trong nỗi nhớ có hiện lên những hình ảnh quen thuộc của đồng ruộng, xóm làng, nhưng mở rộng ra đó chính là nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ những ngày được sống trong tình cảm yêu thương, nồng ấm.


Bài thơ “Nhớ đồng” có thể chia làm bốn đoạn. Chia ra ở ba đoạn đầu là ba nỗi nhớ được thể hiện sau câu hỏi tu từ lặp đi lặp lại: Gì sâu bằng… Đoạn cuối gồm bốn khổ và hai câu đúc kết tâm sự của nhà thơ trong hiện tại.

Nỗi nhớ dường như cứ trải dài suốt bài thơ được tác giả thể hiện bằng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau. Trước hết, những câu hỏi tu từ được sử dụng làm điệp khúc: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ, Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh. Đây là những câu thơ mang sắc thái nghệ thuật hiện đại của Thơ mới đã thể hiện nỗi nhớ da diết, khắc khoải và tâm trạng cô đơn tột cùng của người thanh niên giữa chốn ngục tù đế quốc.

Các câu thơ mở đầu mỗi khổ thơ được lặp lại nhiều lần nhấn mạnh mức độ mãnh liệt và da diết của nỗi nhớ thương. “Gì sâu bằng” chính là cấu trúc có ý khẳng định không gì sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn; những trưa thương nhớ là những ngày nhà thơ phải sống trong xà lim biệt giam.


Từ nghi vấn Gì kết hợp với tính từ sâu khiến câu thơ như một câu hỏi nhức nhối tâm can. Tác nhân gợi nhớ là tiếng hò quen thuộc của quê hương xứ Huế; giống như âm thanh của tiếng guốc đi về ờ bài Tâm tư trong tù. Đó là những âm thanh của đời thường luôn luôn vang vọng trong kí ức nhà thơ.

Những ngày bị giam hãm trong tù, tâm hồn nhà thơ luôn hướng ra cuộc sống bên ngoài với tất cả nỗi nhớ thương và tình yêu mến. Tiếng hò ngân dài trên sông nước, văng vẳng lúc gần lúc xa đã làm sống dậy bao hình ảnh của cuộc sống mến thương trong tâm tưởng nhà thơ. Nhiều nhất là hình ảnh của mảnh đất cắt rốn chôn nhau cùng với những người dân quê lao động lam lũ, vất vả trên đồng ruộng:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

Đâu ruộng tre mát thở yên vui

Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?

Đâu những đường con bước vạn đời

Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi

Giữa dòng ngày tháng âm u đó

Không đổi, nhưng mà trôi cứ trôi…

Đây là bức tranh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt của quê ngoại nhà thơ, một làng nhỏ với những cồn bãi mướt xanh cây trái, có chiếc cầu An Cựu lặng lẽ soi bóng xuống dòng Hương Giang lững lờ trôi. Khung cảnh thật đẹp và tình người ấm áp xiết bao! Vậy mà giờ đây, quê hương thân yêu chỉ cách có bức tường nhà lao mà sao xa vời vợi?! Những câu hỏi đầy trăn trở cứ lặp đi lặp lại phản ánh nỗi nhớ thương, khắc khoải và hoài vọng đau đáu khôn nguôi:

Đâu gió cồn thơm…,

Đâu ruộng tre mát…,

Đâu từng ô mạ…,

Đâu những nương khoai…,

Đâu những đường con…,

Đâu nhà tranh thấp…?


Tất cả những gì gần gũi, thân quen của đời sống đều được Tố Hữu trân trọng miêu tả trong thơ. Tác giả cố gắng bắt lấy những hình ảnh, âm thanh của đời thường nhưng xiết bao gợi cảm đối với bản thân trong chốn lao tù. Giờ đây, nhà thơ chi có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy khung cảnh quê hương trong tưởng tượng bằng trái tim chất chứa nhớ thương.

Có thể nói giọng điệu thơ mở trong bài như da diết, thổn thức thể hiện nỗi nhớ khôn cùng đang cuộn xoáy, trào dâng trong lòng thi sĩ. cảm xúc dâng trào thốt lên thành lời thơ chân thành, xúc động:

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh,

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

Những người nông dân hiền như đất, học hăm chỉ lao động quanh năm dãi nắng dầm sương, vất vả sớm trưa được nhà thơ nhắc đến với tình thương mến dạt dào. Cuộc sống cơ cực, nghèo túng vẫn không thể làm mất đi vẻ đẹp khỏe khoắn, đáng yêu trong hình dáng và tâm hồn họ. Những hình dáng thân thương, bình dị với vẻ lam lũ cực nhọc lần lượt hiện về trong nỗi nhớ của nhà thơ:

Đâu những lưng cong xuống luống cày

Mà bùn hi vọng nức hương ngây

Và đâu hết những bàn tay ấy

Vãi giống tung trời những sớm mai ?

Đâu những chiều sương phủ bãi đồng

Lúa mềm xao xác ở ven sông

Vẳng lên trong tiếng xe lúa nước

Một giọng hò đưa hố não nùng.

Hình ảnh mẹ già và những người thân đã khuất là những hình ảnh đầy nghẹn lời, những hình ảnh đó đườn như cũng từ từ hiện lên trong dòng hồi ức khiến nỗi nhớ càng thêm da diết và trái tim thổn thức vô hạn, vô hồi:

Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi

Sao mà cách biệt, quá xa xôi

Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ

Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!

Đâu những hồn thân tự thuở xưa

Những hồn quen dãi gió dầm mưa

Những hồn chất phác hiền như đất

Khoai sắn tình quê rất thiệt thà!

Điệp từ nghi vấn Đâu đặt ở đầu câu cùng với một loạt từ cảm thán đã diễn tả một cách tự nhiên và chân thực tình cảm gắn bó máu thịt của nhà thơ đối với cuộc sống và con người quê hương. Dường như người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đang chìm đắm trong nỗi nhớ nhung, trong dòng hồi ức miên man không dứt. Người đọc cảm nhận rất rõ tâm trạng cô đơn, đau khổ của người tù lúc này.

Sau nỗi nhớ đồng không thể nguôi ngoai mà nó dương như cứ cắt cứa không nguôi. Tố Hữu luôn luôn nhớ về những ngày đầu tiên được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Mạch cảm xúc trong câu thơ trên như đã phát triển rất đúng với lôgíc tâm lí. Hai giai đoạn trong chặng đường tìm kiếm chân lí đã được nhà thơ khái quát trong hai khổ thơ:

Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi

Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn

Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời.

Đó là những ngày người thanh niên học sinh yêu nước đang băn khoăn trước bao ngã rẽ của cuộc đời, muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng, ngột ngạt mà chưa tìm được lối ra bởi chưa được ánh sáng lí tưởng cộng sản soi đường. Nhớ lại những ngày tăm tối ấy là để cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc lớn lao khi Mặt trời chân lí chói qua tim.


Nhớ lại những ngày đầu hăng say bước đi trên con đường cách mạng với bao nhiêu hi vọng, lạc quan, tin tưởng là để nhận thức rõ hơn cảnh ngộ đáng buồn của mình hiện tại. Nhà thơ như chợt bừng tỉnh sau những ngày dài đắm chìm trong nỗi nhớ thương dằng dặc, trở về với niềm say mê lí tưởng, với khao khát tự do và hành động. Âm điệu thơ đang buồn bã đột nhiên chuyển sang vui vẻ, phấn chấn:

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi

Say đồng hương nắng vui ca hát

Trên chín tầng cao bát ngát trời…

Mạch cảm xúc trong bài thơ được triển khai từ nỗi nhớ đồng, nhớ những bóng hình quen thuộc của quê hương, gia đình, nhớ mẹ già, nhớ những người đã khuất, nhớ những ngày đã qua và cuối cùng được cô đúc lại trong từ tất cả có ý nghĩa khái quát:

Cho tới chừ đây, tới chừ đây

Tôi mơ qua cửa khám bao ngày

Tôi thu tất cả trong thầm lặng

Như cánh chim buồn nhớ gió mây.

Hình ảnh so sánh thật độc đáo có sức gợi hình “Như cánh chim buồn nhớ gió mây’ như đã thể hiện thần tình được nỗi nhớ đồng da diết. Và thực chất là nỗi nhớ quê hương, đồng bào, đồng chí, đồng thời là khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng đang chịu cảnh tù đày.

Hai câu kết của bài còn là sự lặp lại của hai câu thơ đầu. Chính lối kếu cấu đặc sắc này đã tạo nên kết cấu vòng tròn. Bài thơ như khép lại nhưng cảm xúc thơ vẫn tiếp tục mở rộng như nhiều vòng sóng đồng tâm vậy, vòng sóng ấy mỗi lúc một lan xa, tỏa rộng không giới hạn;

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

Bài thơ “Nhớ đồng” thì Tố Hữu đã diễn tả thành công tâm trạng của người tù cộng sản. Những nỗi nhớ thương da diết đến cháy bỏng cứ thế, cứ lặp đi lặp lại thể hiện khao khát tự do cháy bỏng và tình yêu quê hương sâu sắc của người thanh niên yêu nước đang sục sôi nhiệt huyết. Đó cũng chính là nguồn động lực thúc đẩy người chiến sĩ - thi sĩ dấn thân vì sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương đất nước này.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy