Bài văn phân tích bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên số 4
Mỗi người đều có một quê hương và một cảm thức khác nhau về quê hương. Trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Vũ Đình Liên khắc khoải với nỗi lo về sự tàn phai mai một của bản sắc văn hóa. Và với "Ông đồ", nhà thơ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người hiện đại về ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, về những vẻ đẹp, giá trị của một thời vang bóng, để ta cần một phút lắng lại lòng mình mà suy nghĩ về quê hương, về nguồn cội, về trách nhiệm của chính mình.
Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây. Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Đó là khi mà chữ Nho được trọng vọng. Những nét chữ Nho đẹp, vuông vắn, tươi tắn, mang chứa trong nó những giá trị sâu rễ bền gốc của một thời kì văn hóa, và ông Đồ bằng tài hoa của mình được ngợi khen. Với một người nghệ sĩ còn gì trân quý hơn tấm lòng mến mộ của khách tứ phương.
Nhưng thời thế đổi thay,bởi chẳng có gì là vĩnh viễn. Và trong dòng chảy ấy của thời gian, rất dễ cuốn đi những chân giá trị. Trong dòng chảy ấy, ông đồ cũng không nằm ngoài số phận:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu..
.Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.
Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kể đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Ông Đồ giữa dòng đời vội vã của những con người hiện đại chỉ như một ốc đảo trơ trọi, cô đơn lạnh giá.
Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi. biện pháp nhân hóa được sử dụng rất đắt đã khiến những vật dụng vô tri như mang nặng một linh hồn, như càng thêm ám ảnh trong tâm trí người đọc. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc.
Là mưa của đất trời giăng giăng hay là nỗi giá rét và buốt lặng trong tâm hồn con người. Không biết nữa, chỉ biết rằng có một di tích tiều tụy đáng thương ngồi đấy, trong dáng ngồi bất động, giữa làn mưa bụi bay. Mùa xuân lại có lá vàng, quả là một sự đối nghịch, nhưng cái nghịch lí để lí giải sự có lí của tình cảm. Bởi giờ đây, ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, bởi vậy mà:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?"
Người xưa có câu "thi trung hữu họa", và ở đây với bài thơ này quả là xác đáng.Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay.
Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. để rồi một thoáng bâng khuâng, ta cũng phải cúi đầu soi lại mình trong câu hỏi đầy da diết và nao lòng của người nghệ sĩ:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ đã bị hất tung ra khỏi ngoài rìa xã hội, một mình ôm bút nghiên giấy mực lặng lẽ về với mảnh đất của mình. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ.
Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi. Hỏi trời, hỏi đất, hỏi người, hỏi cả một xã hội. rằng thế hệ chúng ta đã làm gì với một nét đẹp văn hóa của dân tộc, đã cuốn phăng đi có lẽ nào là cả chính mình trong xã hội nhân tiền.
Hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại, thảng thốt bỗng nhớ cái gọi là "ngày xưa". Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. đó đâu chỉ là câu hỏi, mà là lời day dứt, là tiếng nấc nghẹn của nhà thơ khi chứng kiến cảnh tượng ấy của văn hóa dân tộc. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đây số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ.
Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ.
Bằng một nỗi niềm rất riêng, một lòng yêu văn hóa xứ sở. Vũ Đình Liên đã gọi dậy trong tâm thức bạn đọc một nét đẹp văn hóa của một thời vang bóng. Để một thoáng nhìn lại mình, ta tự vấn lòng, ta đã làm chi cuộc đời ta, ta đã làm gì với sự ơ hờ, vô tâm. Ta vô tư tung thả mình, ta hồn nhiên góp phần chạy đua, đánh mất bản sắc dân tộc để đến với những thú vui thời thượng, trong khi đó mới chính là những chân giá trị vĩnh hằng cho nguồn cội mỗi cá nhân.