Bài văn phân tích bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh số 3

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị quân sự tài ba, một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX. Bài thơ "Tức cảnh Pác Pó" được Bác sáng tác vào tháng 2 năm 1941, tại Pác Pó (Cao Bằng). Qua bài thơ, chúng ta thấy được tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Người trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ. Có thể nói, tác phẩm là một bức chân dung tự họa của người chiến sĩ cộng sản.


Bài thơ được viết trong hoàn cảnh sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đến đầu năm 1941, Bác trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã sống và làm việc tại hang Pác Pó (Cao Bằng) trong một điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian khổ.


Thế nhưng, khi phải đối diện với hoàn cảnh đó, Bác Hồ vẫn vui vẻ, lạc quan, tràn đầy tinh thần làm việc cách mạng hăng say bởi Bác đang được sống và làm việc ngay trên mảnh đất quê hương, đang trực tiếp dẫn dắt cả dân tộc ta tiến lên giành lấy ngọn cờ độc lập, hòa bình của đất nước. Trước hết hai câu thơ mở đầu là lời giới thiệu về cuộc sống của Bác ở Pác Pó – một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn:


Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.


Chỉ hai câu thơ rất ngắn gọn, gồm có mười bốn chữ cái nhưng nhà thơ đã gợi mở ra một không gian – thời gian sống, làm việc rất cụ thể, rõ ràng: nơi ở trong hang núi, nơi làm việc thì bên bờ suối và thức ăn là cháo bẹ, rau măng. Cách ngắt nhịp 4/3 thường thấy của thể thơ tứ tuyệt, kết hợp với lời thơ cân đối ( sáng – tối, ra – vào, ra suối – vào hang) đã cho thấy một nếp sống sinh hoạt và làm việc rất đều đặn, trở thành một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt của Bác:


"Cháo bẹ" (cháo ngô), rau măng (măng nứa, măng tre, măng rừng) thật đạm bạc, đều là những thức ăn đơn sơ có sẵn của thiên nhiên núi rừng. Nhưng Bác không hề cảm thấy khắc khổ mà ngược lại thấy rất thoải mái, ung dung: "vẫn sẵn sàng". Từ "vẫn" đã cho thấy sự tương phản hoàn toàn giữa một bên là sự thiếu thốn về vật chất với một bên là tinh thần thanh thản, lạc quan trước hoàn cảnh đó.


Ta đọc ở đây một nụ cười kín đáo hồn nhiên rất giản dị, chân thành, khiến người đọc có cảm giác như Bác đang bằng lòng, thích thú và vui sướng với cuộc sống như vậy. Đó là một cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, với chốn lâm tuyền của núi rừng bí ẩn. Chẳng thế mà chúng ta luôn thấy, thiên nhiên từ lâu đã trở người bạn "tri kỉ" trong thơ của Người:


Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày...

Hay:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa...


Cảm xúc, tâm trạng đó của Bác đã làm toát lên ở Người vẻ đẹp thanh cao trong sáng của một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, coi thường vật chất bên ngoài, rất gần với cách sống của những bậc hiền nhân xưa:


Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)


Tuy nhiên, nếu người xưa tìm đến thiên nhiên, đến núi non lâm tuyền là để lánh đục tìm trong, thể hiện tâm thế "an bần lạc đạo", là cách để họ di dưỡng tinh thần mà trốn tránh sự đời thì ở Bác dù có hòa mình với vũ trụ, với thiên nhiên hoa lá cỏ cây, trăng gió vẫn hiện lên tư thế của một người chiến sĩ cộng sản yêu nước, thương dân đang trực tiếp tham gia cách mạng cùng với nhân dân:


Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.


"Bàn đá chông chênh" vừa là chiếc bàn của thiên nhiên rừng núi, lại vừa là chiếc bàn của lòng người. Bác đã biến phiến đá thông thường của tự nhiên làm thành chiếc bàn kê thật giản dị, đơn sơ cạnh một công việc lớn lao cao cả: "dịch sử Đảng". Với việc sử dụng ba thanh trắc liền kề liên tiếp ở ba tiếng cuối câu thơ thứ ba tạo nên âm hưởng chắc khỏe cho lời thơ, đồng thời thể hiện một tư thế, một tâm hồn, một bản lĩnh cứng cỏi, vững vàng, chắc chắn.


Vì thế, chiếc bàn đá chông chênh kia thực chất là hình ảnh ẩn dụ để chỉ "tấm lòng vững như bàn thạch của người cách mạng đã nhìn đá ra bàn..." (Chế Lan Viên). Câu thơ đã dựng lên hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong một tư thế uy nghi, sừng sững, thật lớn lao trong một không gian rừng núi yên tĩnh. Và Bác hiện lên như một ông tiên giáng trần đang đọc sách và thưởng ngoạn cảnh núi non lâm tuyền ở Pác Pó.


Khép lại bài thơ, lời thơ thẳng thắn, nhẹ nhàng, chất chứa một nụ cười lạc quan: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Chỉ cần nhắc tới hai tiếng "cách mạng" thôi là chúng ta đã cảm thấy sự hiểm nguy, vất vả và gian khó như thế nào. Vậy mà Bác lại cảm thấy việc làm đó "thật là sang".


Phải chăng cái "sang" mà Bác nói tới ở đây là vì giờ đây Bác đang được sống với thiên nhiên núi rừng Pác Pó, nơi quê hương Việt Nam yêu dấu mà suốt cả cuộc đời Người muốn đấu tranh để bảo vệ nó, và cao hơn, cái "sang" của công việc làm cách mạng đó là ý nghĩa, mục đích tôn chỉ cao đẹp mà Bác làm là: cứu dân, cứu nước, đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.


Bởi cả cuộc đời Bác đều dành trọn cho cách mạng vì nước, vì non. Ta đọc trong câu thơ là một tấm lòng rộng mở, một nhân cách vĩ đại, lớn lao ở Người:


Bác ơi! tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người.


Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt, có sự kết hợp giữa chất cổ điển và tinh thần hiện đại, giọng điệu dí dỏm, vui tươi, ngôn từ dễ hiểu, giản dị, hình ảnh đời thường mộc mạc... tất cả đã làm nên thành công của tác phẩm. Khép lại trang thơ, người đọc thấy được một tinh thần lạc quan, một phong thái ung dung thanh thản, một bản lĩnh thép cứng cỏi, phi thường vượt lên trên gian khó và luôn mang trong mình trái tim nhân hậu, bao dung: yêu thiên nhiên, yêu đất nước sâu sắc ở Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy