Bài văn phân tích cái tôi độc đáo của Tản Đà trong bài "Hầu trời" số 6

Tản Đà - nhà thơ “gạch nối giữa hai thế kỷ”, nhắc đến thi nhân là nhắc đến “sầu và mộng”, “ngông và đa tình”. Bốn mặt của một thi sĩ đủ để làm nên một cái tôi riêng trong làng thơ Việt Nam. Nhưng có lẽ, nhắc đến cái tôi độc đáo của nhà thơ núi Tản sông Đà ta vẫn thường trầm trồ cái ngông hơn cả. Trong “Hầu trời”, thi nhân đã thể hiện một cái tôi ngông rất lạ (lạ so với những nhà thơ “ngông có tiếng” thời trước), lạ đủ để làm nên nét riêng độc đáo.


Trong sáng tác văn học, không phải ai cũng thể hiện được cái tôi của mình trên trang viết. Cái tồi gắn với cá tính sáng tạo của mỗi người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mỹ cao có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung. Nhắc đến cái “ngông”, thuật ngữ này được dùng để chỉ định một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác với thói thường của các nhà văn, nhà thơ có ý thức cá nhân cao độ.


Trước Tản Đà đã có một “dòng” thơ “ngông” mà những nhà thơ như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... truyền nhau tiếp nôi. Tản Đà kế thừa cái “ngông” ấy nhưng lại có thêm những nét riêng do thời đại tác động, ảnh hưởng. Và cái “ngông” ấy trong “Hầu trời” đã tạo ra cho nhà thơ một cái tôi độc đáo. Nhà thơ ý thức sâu sắc về tài năng của mình. Nhưng không phải tự nói về mình, tự khen mình như Nguyễn Công Trứ: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Giả định một tình huống kỳ lạ, nhà thơ “lập lờ đánh lận con đen” để “người khác” khen mình cho có vẻ khách quan:


“Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải thảng thốt không mơ màng

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể

Thật được lên tiên sướng lạ lùng!”


Nói như Xuân Diệu, chỉ câu đầu “có vẻ khách quan”, ba câu sau “ăn hiếp người ta” buộc người đọc phải tin chuyện thi nhân lên tiên là có thực. Lên tiên để làm gì? Để “thế gian” thấy rằng tài năng của nhà thơ chẳng những chư tiên khen nức nở mà đến Trời còn say mê ngây ngất! Chà! Tài năng đến độ trần gian ít có đã đành, còn đến mức Trời lại vời lên đàm đạo, sai đọc quả là hiếm hoi. Tài năng vang đến trời thì con người ấ'y khác nào một vị tiên sánh cùng trời đất? Không chỉ vậy, chư tiên và cả Trời đều say mê, yêu thích thơ của thi sĩ. Chư tiên đến đông đúc, đầy đủ như đến chiêm ngưỡng “thần tượng”!:


“Bỗng thấy chư tiên đến thật đông

Chung quanh bày ghế ngồi la liệt

Tiên bà, tiên cô, cùng tiên ông”.

Và thơ ca của nhà thơ có một tác động sâu sắc đến người nghe.

“Trời nghe, trời cũng lấy làm hay”

“Trời lại phê cho “văn thật tuyệt!”

Trời đã vậy, tiên càng xúc động mạnh mẽ hơn:

“Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày”.

Điều đó cũng chẳng có gì là lạ, bởi thơ thi nhân hay lắm kia mà:

“Văn dài hơi tốt ran cung mây”

“Văn trần được thế chắc có ít

Nhài văn chuốt dẹp như sao băng

Khí văn hùng mạnh như mây chuyển”


Được trời nức nở khen, Tản Đà “tranh thủ khoe”: “Bẩm: Con không dám man của trời” và liệt kê ra những tuyệt phẩm: Khối tình con, khối tình lớn... đủ mọi loại thể văn vần, văn xuôi... Thật đa dạng, phong phú! Bịa ra chuyện lên hầu Trời, Tản Đà mượn lời khen của Trời để tự khen mình. Nhà thơ xưng tên đầy kiêu hãnh “Con tên Nguyễn Khắc Hiếu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt/ ở phía Á châu của địa cầu". Đầy đủ họ tên, địa chỉ một cách quá đáng như thế chỉ nhằm khẳng định sự cá biệt về tài năng: một tài năng có một không hai trên thế gian. Chưa hết, tài năng được khẳng định chốn thiên cung đã chứa một hàm ý: nhà thơ cũng như tiên. Mặt khác, bằng những ngôn ngữ rất nôm na, đời thường, thi nhân coi những đấng siêu nhiên như những đối tượng rất đỗi bình dân, thậm chí ngang hàng với mình. Điều này thực trước đến nay chưa hề có! Trời có tư thế, cách thức dáng điệu thật buồn cười: “Trời cũng bật buồn cười”, chư tiên như đám đông huyên náo thậm chí lộn xộn “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn” rồi họ cũng bình dân hết mức “lè lưỡi” “chau mày” “vỗ tay”... “Ngông” như Nguyễn Công Trứ còn cúi mình trước vua chúa, nói chi đến Trời? Nhưng Tản Đà cái chi chi cũng là vung hết!


Không chỉ vậy, trước Tản Đà không ít người khoe tài nhưng họ đều khoe tài “kinh bang tế thế”. Nguyễn Công Trứ “Vũ trụ nội mạc phi phận sự... Khi Thủ khoa khi Tham tán khi Tổng đốc Đông”. Nhưng ở Tản Đà, thi nhân “chuyên” về khoe tài thơ văn, nghệ thuật “Nhời văn” “khí văn”... tịnh không khoe thêm tài nào khác. Điều này chứng tỏ Tản Đà đã ý thức sáng tác thơ vãn cũng là một cái “nghề” chuyên biệt, có giá trị và cao quý như mọi chức danh khác trong xã hội. (Nhà thơ còn hiểu văn chương cũng là nghề kiếm sống mới “Văn con còn bán được” “Vốn liếng còn một bụng văn đó”).


Khoe tài, phải lên tận trời để đọc văn thậm chí tính chuyện lên trời bán văn “gánh văn lên bán chợ Trời”, Tản Đà còn khẳng định một điều: Trần gian chẳng có ai đáng là kẻ tri âm, tri kỷ của mình ngoài Trời và Chư tiên đâu còn ai? Sự thích thú, niềm sung sướng của nhà thơ khi thấy “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn”. Dặn gì? Dặn để “đặt hàng” thi phẩm của Tản Đà! Điều đó chứng tỏ có lẽ đây là những người đầu tiên (và duy nhất!) cảm được cái hay cái đẹp của văn thơ Tản Đà. Nơi trần gian, văn chương ế ẩm “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” bởi chẳng kẻ nào trân trọng hiểu được giá trị văn chương nhưng chốn trời mây này ai ai cũng yêu cũng quý. Thậm chí Trời còn sốt sắng bảo nhà thơ gánh văn lên “bán chợ Trời!”.


Tiến lên một bước, nhà thơ khẳng định mình là một vị “trích tiên” bị “đày xuống hạ giới vì tội ngông”! Hình như ông sợ không ai hiểu hết làm ý của mình ở những ý thơ trước nên phải để Trời nói thẳng ra ý ấy. Văn học thế giới mới chỉ có một vị “trích tiên”, ấy là Lý Bạch. Nay Tản Đà nhận thêm có mình, điều đó không có ý sánh mình với Lý Bạch. Mà nếu có sánh thì thậm chí hơn Lý Bạch bởi Lý Bạch do giới văn chương phong tặng người trần ngợi ca, còn Tản Đà, đích thân Trời thừa nhận thì khác đi thế nào được! Ớ đây, nhà thơ “chỉ” muốn khẳng định tài năng và thân phận “khác thường” của mình mà thôi.


Sự khác thường đặc biệt này còn nằm ở việc thi sĩ được thừa nhận là người nhà Trời, được sai xuống hạ giới thực hiện sứ mệnh cao cả: “việc thiên lương của thiên hạ”. Trách nhiệm nặng nề ấy được chuyển tải qua ý thơ, lời thơ thi sĩ. Quay đi quay lại, cuối cùng nhà thơ vẫn muốn khẳng định, tự khen thơ mình! Thơ thi nhân chẳng những đẹp đẽ, êm ái mà còn ẩn chứa những ý niệm cao siêu về cuộc đời, về thiên lương, nhân sinh quan, thế giới quan... Tóm lại là tất cả những gì nhân loại cần có để vươn tới cái Đẹp, cái Thiện, cái Mỹ. Đó giống như một cuốn kinh thánh, nhà nhà người người cần tụng niệm!


Rõ ràng, khoe cái tài văn chương của mình, nhà thơ đã rũ bỏ được quan niệm nặng nề: tài phải gắn với chức danh kinh bang tế thế “có danh gì với núi sông”. Rũ bỏ được điều ấy, Tản Đà thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật, tung tẩy hơn với cái tự do cá nhân mới mẻ của riêng mình. Kế thừa nét “ngông” của “truyền thống” nhưng ở Tản Đà có cái tôi riêng trong thể hiện và quan niệm. Điều đó càng khẳng định tài năng và vị trí của thi nhân trong nền văn học nước nhà; một gạch nối không thể thiếu giữa hai thế kỷ, hai thời đại thi ca.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy