Bài văn phân tích đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" của Nguyễn Du số 8
Chị em Thúy Kiều nằm trong phần đầu của tác phẩm Truyện Kiều. Với bút pháp tả người bậc thầy Nguyễn Du không chỉ làm bật lên vẻ đẹp riêng biệt của hai nàng Kiều mà qua đó còn cho người đọc thấy số phận của hai nàng trong tương lai. Quả là một đại thi hào của dân tộc.
Với bút pháp ước lệ, mượn thiên nhiên Nguyễn Du cho thấy vẻ đẹp thanh khiết của Thúy Kiều và Thúy Vân:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị,em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Giới thiệu hai chị em, Tố Như sử dụng thủ pháp ước lệ, để làm bật lên vẻ đẹp của hai cô gái: họ có dáng người thu tú, mảnh mai, có cốt cách trong sáng như tuyết. Lấy hai hình ảnh mai, tuyết truyền thống đã tôn lên vẻ đẹp của hai chị em đạt đến độ toàn bích. Bốn câu thơ mở đầu đã tạo nên bước đà, nền cảnh để rồi sau đó chân dung hai chị em lần lượt xuất hiện.
Thúy Vân dưới ngòi bút Nguyễn Du là người con gái có vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang: “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Chỉ với bốn câu thơ kết hợp với các biện pháp, so sánh, ẩn dụ, ước lệ, Nguyễn Du đã khắc họa tinh tế vẻ đẹp của Thúy Vân.
Nàng có khuôn mặt tròn đầy như ánh trăng rằm, đôi lông mày đầy đặn, nở nang. Kết hợp với một số tính từ chỉ phong thái: đoan trang, trang trọng và nghệ thuật tiểu đối đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của Thúy Vân. Những đặc điểm về vẻ bề ngoài ấy đã báo hiệu một tiền đồ tươi sáng, tương lai tốt đẹp, hạnh phúc viên mãn đang đợi Thúy Vân ở phía trước.
Còn Thúy Kiều lại là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Đoạn miêu tả Thúy Vân, Nguyễn Du đã tỏ ra tài giỏi, khéo léo bao nhiêu, vận dụng chủ yếu bút pháp tả khách hình chủ thì đến đoạn thơ miêu tả Thúy Kiều nghệ thuật miêu tả chân dung càng sắc nét hơn:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Nếu như Thúy Vân đi vào miêu tả chi tiết thì khi tả Thúy Kiều Nguyễn Du chỉ tập trung tả đôi mắt. Ông đã sử dụng nhiều hình ảnh mĩ lệ, trong trẻo của thiên nhiên để miêu tả nàng: làn thu thủy, nét xuân sơn. Những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất đã được đặc tả qua đôi mắt có hồn, đầy cảm xúc của Thúy Kiều.
Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, ông còn nhấn mạnh đến tài năng của Thúy Kiều. Ông đã dùng đến tám câu thơ để khẳng định vẻ đẹp tài năng của nàng. Không giống như những người con gái khác, nhấn mạnh vẻ đẹp nhan sắc và phẩm hạnh, ở đây Nguyễn Du còn nhấn mạnh một vẻ đẹp khác chính là vẻ đẹp tài năng của người con gái vốn ít được coi trọng:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
Thúy Kiều tài năng ở tất cả các mặt: cầm, kì, thi, họa, đặc biệt là tài đàn của nàng đã đạt đến độ không ai có thể sánh nổi. Khúc Bạc mệnh nàng viết vừa chứng tỏ cái tài, vừa như là một dự báo về tương lai bất hạnh, ảm đạm của chính cuộc đời nàng. Quả là tài mệnh tương đố, chữ tài đi liền với chữ tai một vần.
Không chỉ đến khi miêu tả tài mới bộc lộ số phận bất hạnh của Thúy Kiều, mà ngay khi tả nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã dần hé lộ cho người đọc thấy những điều đó qua các từ: ghen, hờn, nghiêng nước, nghiêng thành, đã tô đậm sự bất an về nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều. Và quả thực cuộc đời mười lăm năm trôi nổi, bèo dạt sau này của nàng chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Đoạn trích Chị em Thúy Kiều có thể coi là một mẫu mực về nghệ thuật tả người trong văn học trung đại. Từ bức tranh chung, bằng những nét vẽ tài hoa Nguyễn Du đã đặc tả vẻ đẹp cũng như số phận của hai nàng. Bên cạnh đó ông còn sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ ước lệ, hàm súc đã tạo nên thành công cho tác phẩm.