Bài văn phân tích đoạn trích "Con chó Bấc" số 8
Trong văn học nghệ thuật, mỗi nhà văn lại tìm cho mình một hướng đi riêng. Ngay cả khi khai thác cùng một đề tài, họ cũng sẽ tìm cho mình một lối viết khác biệt để tạo nên cái tôi riêng. Phần lớn các sáng tác mà chúng ta đã đọc, các nhà văn đều tập trung vào miêu tả tâm lí nhân vật. Để khai thác tâm lí nhân vật không dễ một chút nào. Còn việc khắc họa tâm lí loài vật thì sao? Chắc chắn là khó hơn rất nhiều. Tác giả Jack London không ngại khó, ông đã viết về loài chó, một loài động vật vốn rất gần gũi với con người và khai thác cảm xúc của chúng như chúng ta thấy trong tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã. Con chó Bấc là một đoạn trích thuộc chương 6. Đoạn trích này cho chúng ta hiểu một cách rõ nét nhất về con vật này.
Không đi sâu vào việc tạo kịch tích cũng không đưa ra quá nhiều chi tiết nhưng Jack London lại tập trung khai thác khía cạnh tình cảm giữa con người và loài chó. Đây có lẽ chính là điểm hấp dẫn tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Nói về tình cảm của con người dành cho loài chó, chúng ta không thể không nhắc đến tình cảm của Thooc-tơn dành cho con chó Bấc. Có lẽ đối với bất kì loài vật nào Thooc-tơn cũng là một ông chủ lí tưởng. Từ sau khi mua lại Bấc, Thooc-tơn đã đối xử với nó một cách chân thành như đối với một người bạn nhỏ. Anh chăm sóc cho con Bấc tới khi nó trút hơi thở cuối cùng. Đối với những con chó kéo xe khác của anh, anh cũng đối xử với chúng như thể chúng là con cái của anh vậy. Với nhiều người, chó là một loài vật trung thành, thông minh và luôn nghe lời chủ nhưng trong mắt của Jack London thì không như vậy.
Chó không chỉ là loài vật giúp đỡ anh trong công việc mà còn là người bạn tri kỉ, người thân cùng anh làm việc và cùng anh vượt qua biết bao nhiêu gian khổ. Đặt Thooc-tơn bên cạnh những ông chủ cũ của Bấc, ta càng thấy hình ảnh của anh đẹp hơn, nổi bật hơn. Nếu như thẩm phán Mi-lơ chăm sóc Bấc xuất phát từ nghĩa vụ và trách nhiệm, những người tìm vàng xem Bấc là công cụ để họ kiếm lời thì Thooc-tơn chăm sóc Bấc như người cha chăm sóc con. Tình cảm anh dành cho Bấc xuất phát từ sự chân thành, có bình dị nhưng lại làm nên sức hấp dẫn.
Sự thông minh của Bấc giúp nó hiểu tất cả những cử chỉ âu yếm và tình yêu thương của Thooc-tơn dành cho nó. Chính vì vậy nó cũng dành cho anh thứ tình cảm vô cùng cuồng nhiệt. Con chó Bấc cũng biết phân biệt và nó đối xử với mỗi người chủ theo một cách khác nhau. Chẳng hạn như với gia đình thẩm phán Mi-lơ, nó đối xử theo một cách trịnh trọng và đường hoàng. Còn với Thooc-tơn thì khác. Nó yêu Thooc-tơn bằng một tình yêu nồng cháy, cuồng nhiệt và tôn thờ. Chưa bao giờ nó dành tình cảm như thế với ai. Cái cách mà Bấc thể hiện tình yêu của mình cũng thật đặc biệt, nó ép 2 hàm răng vào tay chủ.
Nếu những con chó khác luôn vồ vập và săn đón chủ thì Bấc chỉ lặng lẽ quan sát và tôn thờ chủ theo cái cách riêng của nó. Nhìn vào trong đôi mắt của Bấc, ta biết nó dành tất cả tinh yêu thương, sự tôn trọng, biết ơn và một sự thuần phục tuyệt đối đối với chủ của mình. Cũng chính tình yêu dành cho chủ đã khiến nó sợ phải xa chủ của mình. Nỗi sợ hãi bị mất Thooc-tơn cứ ám ảnh nó. Điều này thể hiện rõ trong chi tiết nó trườn qua giá lạnh đến tận mép lều, đứng đấy, lắng nghe tiếng thở đều đều của chủ. Có thể khẳng định một điều, tâm hồn của Bấc khác hoàn toàn so với những con chó khác. Và có lẽ cũng chỉ có Thooc-tơn mới có thể khơi gợi được tâm hồn ấy.
Jack London với tất cả tình cảm của mình dành cho loài vật nhỏ bé này, kết hợp thêm tài năng văn chương, ông đã xây dựng lên một hình ảnh con chó Bấc đầy chân thực, sinh động và hấp dẫn. Tình yêu của Thooc-tơn dành cho Bấc có lẽ cũng chính là tình yêu Jack London dành cho những chú chó, những người bạn thân thiết của con người. Hình ảnh con cho Bấc có lẽ sẽ còn sống mãi trong lòng độc giả.