Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" số 9

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm nổi bật nhất của Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm này được đông đảo bà con yêu mến vì những đạo lý, những tư tưởng giáo huấn trong tác phẩm này. Ngay từ những câu mở đầu tác phẩm ngày Nguyễn Đình Chiều đã viết: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Và chỉ trong đoạn trích ngắn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” ông đã thể hiện đầy đủ, rõ ràng quan điểm đó của mình.


Trong tác phẩm gồm hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Hai nhân vật gặp nhau trong hoàn cảnh, Kiều Nguyệt Nga gặp phải bọn cướp giữa đường, Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình đã ra tay cứu giúp. Hoàn cảnh gặp gỡ đặc biệt này đã giúp các nhân vật bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của mình.


Trước hết về nhân vật Lục Vân Tiên, anh là một người có tinh thần trượng nghĩa. Ngay khi gặp người bị nạn, anh không trần trừ, suy nghĩ mà lập tức, sẵn sàng xả thân đánh cướp: “Vân Tiên ghé lại bên đàng/ Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”. Chàng chỉ có một mình, còn lũ cướp lại hết sức đông đảo, nhưng không vì thế mà Vân Tiên nhụt ý chí. Ở đoạn thơ này, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng hàng loạt từ Hán Việt, tạo không khí hào hùng áp đảo kẻ thù.


Các từ ngữ rất giàu giá trị tạo hình “tả đột hữu xông” cho thấy dáng vẻ oai phong, động tác nhanh nhẹn, chính xác của Vân Tiên khi chiến đấu với bọn cướp. Bằng sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm và võ nghệ cao cường Vân tiên đã phá tan bọn lâu la, làm cho chúng chạy toán loạn tứ phía.


Sau khi phá tan lũ cướp, Vân Tiên rất cẩn thận và chu đáo, đến hỏi han người bị nạn bằng những lời lẽ khiêm nhường. Qua những lời hỏi han, hành động sau đó của Lục Vân Tiên còn thấy chàng là người biết trọng lễ nghĩa:


Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai


Theo lễ giáo phong kiến con trai và con gái thường không được trực tiếp gặp nhau, hơn nữa đây là một người lạ, thì việc ấy càng phải thận trọng hơn. Thái độ đó của Vân Tiên cho thấy chàng là người hết sức giữ gìn lễ nghĩa, và cũng là vì nghĩ cho người con gái xa lạ. Đó là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của một đấng quân tử.


Không chỉ vậy, Vân Tiên còn mang trong mình tinh thần hào hiệp của một bậc anh hùng. Nghe những lời giãi bày của Kiều Nguyệt Nga, mong muốn của nàng muốn báo đáp mình, Vân Tiên chỉ cười lớn, đó là tiếng cười vô tư, trong sáng. Sự vô tư, không tính toán ấy được thể hiện rõ nhất trong câu:


Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.


Đó là quan niệm về người anh hùng, làm việc nghĩa cứu giúp mọi người không màng bổng lổng, nếu chỉ suy nghĩ về những lợi ích mình được hưởng thì không còn là một người anh hùng thực thụ nữa. Quan niệm này cũng trở đi trở lại rất nhiều lần trong tác phẩm của ông như: Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn. Đây là một truyền thống đạo lí tốt đẹp, mà tác giả muốn truyền tải đến bạn đọc.


Lục Vân Tiên là hình tượng hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của người anh dùng, vừa quả cảm, hào hiệp vừa nhân hậu. Đồng thời với nhân vật này, tác giả cũng thể hiện quan điểm về một người anh hùng phải là người có tài trí, sức mạnh và sẵn sàng hạnh động vì nghĩa lớn.


Ngoài nhân vật Lục Vân Tiên ta cũng không thể không nhắc đến Kiều Nguyệt Nga. Nàng là một người con gái nề nếp, có học thức. Nguyệt Nga vốn là khuê môn, lệnh các, xuất thân từ con nhà quyền quý. Nhưng không vì thế mà nàng tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh.


Đứng trước ân nhân của mình nàng hết sức khiêm nhường, cách nói năng kiêm xưng, gọi Vân Tiên là “quân tử”, tự gọi mình là “tiện thiếp”, hành động nhún mình “lạy, thưa”. Qua đó cho thấy nàng là người con gái có học thức, thông minh, mực thước trong lời ăn tiếng nói. Không chỉ vậy nàng còn sống hết sức khuôn phép theo lễ nghĩa phong kiến. Theo lời cha mẹ, nàng đến tận miền Hà Khê để định bề nghi gia nghi thất không quản đường sá xa xôi, gặp biết bao hiểm nguy, vất vả. Nàng quả là người con có hiếu.


Là một người có học, nên Nguyệt Nga hiểu những quy tắc lễ nghĩa phong kiến, nhưng nàng vẫn muốn ra khỏi xe để đa tạ ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên. Cho thấy tấm lòng biết ơn sâu sắc của nàng. Đáng quý hơn cả là nàng ý thức sâu sắc rằng không bạc vàng nào có thể xứng với ân nghĩa kia, qua đó cho nàng là người rất coi trọng tình nghĩa. Kiều Nguyệt Nga là kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống. Nàng không chỉ gia giáo, nết na, có học thức mà còn rất đằm thắm, nghĩa tình.


Tác giả sử dụng thể thơ lục bát thuần dân tộc, với ngôn ngữ giản dị mộc mạc, dễ đi vào lòng người nhưng vẫn hết sức sâu sắc, truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Xây dựng tuyến nhân vật thiện ác rõ ràng, qua đó cũng thể hiện quan niệm của ông về con người.


Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga xây dựng thành công hai nhân vật đại diện cho những vẻ đẹp chuẩn mực của xã hội. Tác phẩm còn thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của ông. Tất cả vẻ đẹp nhân vật, những khát vọng ông gửi gắm đều phù hợp với phong cách sống, với mơ ước giản dị mà đẹp đẽ của nhân dân ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy