Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" số 4

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài tính đến nay đã ngót 80 năm cầm bút. Ông đã để lại 1 sự nghiệp văn chương đồ sộ bao gồm hơn 200 đầu sách, hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại phong phú, đa dạng. Mỗi người yêu văn Tô Hoài từ trong tiềm thức của mình, nhắc đến Tô Hoài trước Cách mạng tháng tám, ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”. Sau Cách mạng, ông lại nổi lên với tập “truyện Tây Bắc” với 3 truyện tiêu biểu đó là “Vợ chồng A Phủ”, “Cứu đất cứu Mường” và “Mường giải phóng”.


Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là linh hồn của cả tập truyện. Những năm gần đây người ta lại xôn xao nhắc đến ông với tác phẩm “Cát bụi chân ai” và tiểu thuyết “Ba người khác”. Đến nay “Vợ chồng A Phủ” vẫn là mốc thách thức với chính nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm được giải thưởng văn nghệ năm 1954 – 1955 và được đưa vào trong chương trình giảng dạy như là 1 trong những kiệt tác của Tô Hoài.


Linh hồn của tác phẩm là nhân vật Mị – biểu tượng của người nông dân sau cách mạng tháng tám, được Tô Hoài xây dựng vô cùng chân thực sống động. Toàn bộ bức chân dung ấy được Tô Hoài vẽ lên bằng ngòi bút giàu lòng nhân ái của 1 nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy. Văn hào Nga Chekhov đã từng nói: “1 người nghệ sĩ chân chính phải là 1 nhà nhân đạo từ trong cốt tủy.” Tô Hoài là 1 nhà văn như vậy.


Điều đầu tiên ta cần phải tìm hiểu đó là khái niệm “nhân đạo”. Trong tiếng Hán Việt, “nhân” có nghĩa là người còn “đạo” là đạo lí. Như vậy hiểu nôm na, nhân đạo là đạo lí làm người. Sâu xa hơn, tình nhân đạo ở đây là tình yêu thương con người của 1 nhà văn. Đối với 1 t/p văn học chân chính, giá trị nhân đạo chính là giá trị nhân tâm của t/p. Nói như Nam Cao, đó phải là một cái gì đó “vừa đau đớn vừa phấn khởi.


Nó ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình, nó làm người gần người hơn.” Còn theo như Thạch Lam trong “Gió lạnh đầu mùa”, văn chương phải là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực; nó làm trong sạch lòng người, làm thay đổi một cái thế giới tàn ác và giả tạo. Để có được những áng văn như vậy, nhà văn phải đứng trong lao khổ mở lòng mình ra đón lấy tiếng vang động của cuộc đời hay nói như Tố Hữu: Nhà thơ phải là những con ong hút nhụy từ những bông hoa của cuộc sống. Không có sự cần mẫn của con ong, nhụy hoa không thể trở thành mật ngọt.


Điều này được thể hiện rõ trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, 1 tác phẩm chứa chan tình nhân văn, nhân đạo. Vợ chồng A Phủ được xem như 1 bản cáo trạng đanh thép để kết tội, tố cáo tội ác của gia đình nhà thống lí, của cái xã hội thổ ti lang tạo ở miền núi mà tương ứng với nó là Xã hội phong kiến ở miền xuôi. Đó là 1 xã hội vô cùng ngột ngạt nơi người nông dân phải sống kiếp trâu ngựa, nô lệ đến mất cả quyền làm người.


Xã hội ấy là Xã hội tiền quyền và thần quyền. Chỉ vì 10 đồng bạc trắng mà mỗi năm phải trả lãi 1 nương ngô. Đây là món nợ truyền kiếp bởi ngày xưa bố mẹ Mị lấy nhau không có tiền nên phải vay của nhà thống lí Pá Tra – ông A Sử. Đến tận ngày hôm nay mẹ Mị đã chết, bố Mị đã già mà nợ vẫn chưa trả hết. Chính 10 đồng bạc trắng ấy đã khiến cho Mị bị bắt cóc mang về nhà thống lí để sống kiếp trâu ngựa, nô lệ.


Bản chất của cái xã hội nơi quyền con người không được coi trọng còn được bộc lộ qua số phận của nhân vật A Phủ. Chỉ vì đánh lại kẻ phá đám hội xuân mà A Phủ đã bị bắt về xét xử. Phiên tòa xét xử A Phủ mở ra vào lúc không ai lại đi xét xử. Các quan tòa ngồi ngất ngay trong khói thuốc phiện; vừa hút, vừa đánh, vừa chửi A Phủ. Kết cục, A Phủ đã phải trở thành 1 kẻ nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra. Sau này, chỉ vì để hổ vồ mất 1 con bò, A Phủ đã bị trói vào cột nhà và bỏ đói giữa những đêm sương giá vùng cao.


Bên cạnh đó, ta còn thấy xuất hiện hình ảnh người chị dâu với cái lưng còng rạp vì đeo hồ nặng nhọc dù cho tuổi đời không hơn Mị là bao… Tất cả những con người đó chính là hiện thân cho người nông dân nơi rẻo cao Tây Bắc, những con người đang hàng ngày, hàng giờ bị bóc lột đến cùng cực.


Ở nơi địa ngục trần gian này, con người ta nhiều lúc nghĩ đến cái chết. Nó cũng khiến cho lòng thương người bị chai sạn, chai lì. Ta có thể thấy rõ điều này thông qua chi tiết hàng đêm khi dậy thổi lửa hơ tay, Mị vẫn nhìn thấy A Phủ bị bỏ đói, bị trói vào cột nhà nhưng Mị vẫn không hề bận tâm Như vậy rõ ràng, cái ác nơi đây diễn ra nhiều hơn cơm bữa đã làm xói mòn tình người.


Không chỉ tố cáo, Tô Hoài còn có sự đồng cảm, thương xót cho số phận của con người trong Xã hội. Điều này được thể hiện trước hết ở tình thương nhà văn dành cho cha con Mị. Thêm vào đó, Tô Hoài còn dành tình thương của mình cho nhân vật A Phủ. A Phủ vốn là 1 đứa trẻ mồ côi lưu lạc đến nơi Hồng Ngài.


Tuy chăm chỉ làm lụng nhưng vì nghèo nên A Phủ không lấy được vợ. Vì bản tính cương trực của mình, A Phủ đã đánh lại A Sử trong 1 lần hắn phá đám chơi xuân và bị bắt làm nô lệ cho nhà thống lí. Cần phải khẳng định, viết lên những trang văn này, ngòi bút của Tô Hoài ứa biết bao nhiêu máu và nước mắt.


Khi viết t/p này, Tô Hoài đã lách sâu ngòi bút của mình để phát hiện ra ở trong tâm hồn của người nông dân rẻo cao vẫn còn tình người, phát hiện ra bản tính tốt đẹp không hề bị mai một. Điều này được thể hiện thứ nhất là ở tình phụ tử. Đó là sự giằng xé trong tâm can của người cha già. Cả đời ông làm lụng vất vả trên nương rẫy đẻ mong thoát khỏi cảnh nghèo nhưng lâm vào bước đường cùng phải gả con gái cho nhà giàu.


Người yêu văn có thể thấy rõ sự túng quẫn của cha Mị thông qua những lời nói đầy nước mắt “Mày về chào lạy tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!” Về phía Mị, tuy đang sống trong hạnh phúc của mối tình đầu nhưng vì thương cha, Mị đành chấp nhận đào sâu chôn chặt mọi ước mơ của một thời con gái. Nhiều lúc những tưởng Mị sẽ tìm đến cái hết nhưng cuối cùng chữ “Hiếu” đã giúp Mị chiến thắng tất cả.


Bản tính tốt đẹp của con người vùng cao cũng đã được thể hiện thông qua tình thương của Mị với người cùng cảnh ngộ đó là A Phủ. Lúc ban đầu, người yêu văn tưởng như tình thương người của Mị sau bao nhiêu năm sống trong nhà thống lí ở Hồng Ngài đã biến mất.


Thế nhưng nghe thấy tiếng thở phì phì của A Phủ, quay đầu lại nhìn thấy chàng trai khỏe mạnh nhất bản ngày nào đã bị hành hạ đến tiều tụy, đặc biệt là sau khi thấy 2 hàng nước mắt chảy vào hõm má của A Phủ, lòng thương người tưởng như đã chai sạn của Mị bùng lên 1 cách mãnh liệt. Chính tình thương ấy đã thúc đẩy Mị cầm dao cắt dây trói cho A Phủ. Như vậy, ngay trong địa ngục trần gian, cái đẹp vẫn thăng hoa, cái đẹp vẫn nổi loạn, lòng tốt con người vẫn chiến thắng.


Như ta đã biết, cái đích của văn chương như Nam Cao đã tuyên ngôn trong t/p “Đời thừa” đó là: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có.” Có lẽ Tô Hoài thực sự là 1 nhà văn như vậy. Viết “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã dựng lên trước mắt chúng ta 1 bức chân dung của người nông dân trong xã hội.


Thế nhưng đây không còn là bức chân dung của những người nông dân trước Cách mạng mà ta bắt gặp đâu đó như ở Chí phèo, lão Hạc, anh Pha, chị Dậu,… tất cả đều bị dồn vào bước đường cùng. Những bức chân dung kia hoàn toàn thiếu ánh sáng của Đảng.


Nếu lão Hạc ở cuối tác phẩm ăn bả chó để chết; nếu cả đời chỉ khao khát làm người lương thiện nhưng kết thúc truyện chết quằn quại trên vũng máu; nếu chị Dậu hai mươi bốn tuổi đời với vẻ đẹp của người con gái “cầu Lim đình Cẩm” đã phải bán con, bán chó rồi bán nốt cả đôi dòng sữa của mình để rồi kết cục phải mở cửa chạy ra ngoài trong bầu trời tối như mực như cái tiền đồ của chị thì nhà văn Tô Hoài khi viết tác phẩm này đã giác ngộ ánh sáng của cách mạng, ý thức của thời đại đã đến với Tô Hoài.


Tô Hoài đã không thể để cho Mị chết rũ xương ở Hồng Ngài. Nhà văn đã bước qua được những giới hạn của dòng VH hiện thực phê phán và để Mị gặp A Phủ. Chính điều ấy đã tiếp cho Mị sức mạnh để giải thoát người cùng cảnh ngộ, giải thoát chính bản thân minh.


Như vậy, Tô Hoài bằng tài năng của mình đã tìm ra tinh thần đoàn kết của người dân Tây Bắc. Việc Mị cởi trói cho A Phủ có thể coi như 1 chiếc bản lề khép mở 2 thế giới. Nó khép lại thế giới tăm tối của cuộc sống trâu ngựa, nô lệ ở Hồng Ngài. Nó mở ra một cuộc sống tươi sáng ở Phiềng Sa bởi đến Phiềng Sa, Mị và A Phủ gặp được cán bộ cách mạng là A Châu và được giác ngộ cách mạng. Cái hành động Mị cởi trói cho A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài đến với tiếng gọi của Cách mạng là 1 mốc thách thức với chính Tô Hoài.


Có thể khẳng định với chi tiết này, Tô Hoài đã vượt qua được Chí Phèo của Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” được trao giải thưởng. Nhờ có sự kiện này mà “Vợ chồng A Phủ” trở thành 1 tác phẩm bản lề trên diễn đàn. Nó khép lại những hạn chế của dòng văn học hiện thực phê phán 1 thời. Nó mở ra hướng đi mới của văn học thời kì kháng chiến: những người nông dân giác ngộ Cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Tô Hoài thực sự là người chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn chương.


Đọc xong t/p “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân có lần đã nhận định: “Tôi nhớ như đã lần nào gặp chị Dậu trong một đám đông đi phá kho thóc Nhật. Trong những ngày huyện kì khởi nghĩa địch hậu o ép, chị tải lương vào đậy nắp hầm cho cán bộ bộ đội cơ sở…” Cần phải khẳng định, trong truyện chị Dậu không hề đi phá kho thóc Nhật nhưng chị lại là 1 tiền thân khỏe mạnh, 1 tiền thân không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh, luôn đấu tranh để đứng cao hoàn hoàn cảnh.


1 tiền thân như vậy ắt phải có 1 hậu thân đi trong tập đoàn người để phá kho thóc Nhật. Hậu thân ấy là ai, người mà Ng Tuân nhầm là ai nếu không phải đó là vợ chồng A Phủ. Người yêu văn có thể tin tưởng rằng chính Mị và A Phủ mới là những người chiến sĩ CM trung kiên bởi nói như nhà thơ Tố Hữu:


“Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề cận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa”


Rõ ràng “Vợ chồng A Phủ” mãi mãi là hành trang để chúng ta bước vào cuộc sống. Mỗi 1 tác phẩm văn học chân chính là 1 lời đề nghị về cách sống, có khả năng nhân đạo hóa con người. “Vợ chồng A Phủ” là 1 t/p như vậy. Nó là 1 minh chứng cho lời nhận định của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy