Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 9

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng những giá trị chân thật nhất, đẹp đẽ nhất của nó thì còn mãi, không chỉ lưu truyền trong sử sách mà trong sâu thẳm tiềm thức người Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bởi làm nên kỳ tích chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ không chỉ là những người ra trận trực tiếp cầm súng mà còn là sự hy sinh, dâng hiến thầm lặng của biết bao bà mẹ Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, chính họ đã nuôi dưỡng tinh thần, tình yêu và hy vọng, tiếp sức cho những người lính tiền phương.


Và hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài hát “Lời ru trên nương” là một vẻ đẹp như thế, bình dị mà lớn lao, cao đẹp. “Lời ru trên nương” là một bài hát được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tôi còn nhớ một lần thật may mắn được nghe thi sĩ “Mặt đường khát vọng” nói chuyện về thơ, thi sĩ có nhắc lại bối cảnh ra đời của “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.


Bài thơ được sáng tác rất nhanh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: năm 1971, nhà thơ là người lính chiến trường. Vì đơn vị hết gạo, nhà thơ cùng một số anh em đồng đội đi gùi gạo ở cơ sở của ta. Nhìn những bà mẹ Tà Ôi vừa địu con vừa giã gạo, dành dụm những hạt gạo trắng ngần cho bộ đội, nhà thơ liên tưởng đến sự vất vả, nhọc nhằn và những hy sinh lớn lao của họ. Về đến đơn vị, chưa kịp đặt gùi gạo xuống, với chiếc khăn mặt lau mồ hôi, Nguyễn Khoa Điềm ngồi ngay vào bàn và viết “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Bài thơ mang tên là “Khúc hát ru”, khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn lưu giữ tứ chủ đạo của nó qua việc đặt tên cho bài hát là “Lời ru trên nương”. Âm chủ của bài thơ – bài hát được liền mạch từ đầu đến cuối, đó là lời ru - lời ru của người mẹ Tà Ôi. Điểm mới mẻ đầu tiên là có hai người ru em Cu Tai – tác giả và người mẹ. Hai người ru, hai lời ru - những lời ru cứ quấn quýt, vỗ về, vuốt ve qua giai điệu chậm, nhẹ nhàng, tha thiết, đậm chất dân gian dân tộc Tây Nguyên. Với điệu thức adur (La trưởng), nhạc sĩ đề cao kỹ thuật thanh nhạc khi luyến láy, khi mở ra âm vực rộng, qua lời ru hiện thực cuộc sống lao động phục vụ kháng chiến và ước mơ giản dị nhưng cao cả được mở ra:


Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều


Và cuối cùng là ước mơ được thăng hoa, trở thành khát vọng không chỉ của người mẹ Tà Ôi mà là niềm mong ước cháy bỏng của người dân Tây Nguyên, của nhân dân miền Nam đánh Mỹ: Mai sau con lớn làm người tự do. Cách kết cấu trùng lặp: hiện thực gắn với ước mơ, lời ru và ngợi ca đã làm cho khúc hát có một sự hòa thanh mới lạ.


Đi qua giai điệu tha thiết, mượt mà, sâu lắng của lời ru đến đoạn hai nốt nhạc trở nên hoạt bát, tiết tấu nhanh, trong sáng đưa ta về với người mẹ em Cu Tai - một người mẹ lao động cần mẫn, say sưa và rất giàu tâm hồn. Công việc mà chị làm vừa có nét truyền thống: giã gạo, phát rẫy lại vừa cò nét hiện đại: đạp rừng chuyển lán, giúp bộ đội nuôi quân đánh Mỹ. Đây không phải là những công việc bình thường của người mẹ trong gia đình. Công việc ấy mang một ý nghĩa khác thường, đó là việc nhà, việc nước, việc kháng chiến, việc cách mạng. Giã gạo, đạp rừng, phát rẫy - mẹ làm những công việc nhọc nhằn ấy để nuôi bộ đội, nuôi dân làng và góp sức mình đánh giặc. Vì vậy mẹ không chỉ là người mẹ riêng của em Cu Tai mà là người mẹ chiến sĩ, cao hơn là người mẹ Tổ quốc đẹp đẽ, lớn lao.


Những lời ru của mẹ - “tim hát thành lời”, đó là tình cảm của mẹ, là khát khao ước vọng của mẹ gửi gắm vào con trai mình. Điều mới ở đây là tình mẫu tử thiêng liêng không chỉ dành cho người con duy nhất của mẹ. Tình thương đó dành cho bộ đội, cho dân làng, và cho đất nước. Hiện tại, tương lai gần, tương lai xa của con trai đều gắn liền với dân làng, với cuộc kháng chiến của cả đất nước, dân tộc.


Một lời ru trên nương, một khúc hát ru nhưng là khúc hát ru hiện đại nên không có những “sung chát đào chua”, không có những “cánh cò đi đón cơn mưa” trong cơn giông tối tăm mù mịt. Cũng không có những hình ảnh tươi đẹp của cuộc sống thanh bình. Hiện ra trong khúc hát ru là nỗi gian khổ, vất vả, nhọc nhằn cùng với nhưng hy sinh lớn lao cao cả: mồ hôi mẹ rơi rơi, vai mẹ gầy nhấp nhô.


Thấp thoáng, ẩn hiện trong giai điệu lời ru còn là hình tượng nghệ thuật tấm lưng của mẹ. Lưng đưa nôi, và lưng chính là nôi. Tấm lưng trần của người mẹ Tà Ôi gắn chặt với con trai trong mọi công việc vất vả, nặng nhọc, tấm lưng ấy nhỏ, không to như lưng núi nhưng bền bỉ như lưng núi và kiêu hãnh hơn lưng núi vì con trai - mặt trời của mẹ nằm ở trên lưng. Và sau hết “Từ trên lưng mẹ em đến trường”, đến đây ta hiểu vì sao Nguyễn Khoa Điềm lại đặt tên cho bài thơ là “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.


Phải chăng mẹ đã dùng tấm lưng làm nôi nuôi dưỡng những dũng sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, và gánh chịu tất cả nỗi vất vả gian lao để giành chiến thắng. Người mẹ Tà Ôi, người mẹ Việt Nam mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ sáng tạo. “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Lời ru trên nương” là một bản nhạc đẹp trong bản giao hưởng lớn về người mẹ Việt Nam anh hùng.


Nhân ngày gia đình Việt Nam, bài ca "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" giúp ta hiểu thêm: cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và công cuộc đổi mới trong xây dựng đất nước hôm nay thu được những thành công bởi có một phần quan trọng sự hy sinh của những người mẹ anh hùng ấy.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy