Bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách số 5

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ông cha ta đã ghi lên trang sử nước nhà những trận thuỷ chiến thành công vang dội. Trong số những dòng sông, cửa biển in đậm dấu ấn lịch sử, Bạch Đằng là con sông nổi tiếng nhất, oai hùng nhất. Ngợi ca con sông huyền thoại, Nguyễn Trãi viết Bạch Đằng hải khẩu, Nguyễn Sưởng sáng tác Bạch Đằng giang, và nổi bật hơn cả là Trương Hán Siêu với tuyệt tác Bạch Đằng giang phú. Xuyên suốt tác phẩm nổi bật lên hình tượng nhân vật khách đầy ấn tượng.


Nhà thơ Trinh Đường viết “Bạch Đằng, chói lọi vinh quang của đất nước Việt Nam anh hùng” bởi lẽ trên dòng sông thuộc tỉnh Quảng Ninh này đã diễn ra những trận đánh toàn thắng, để lại tiếng vang muôn đời. Năm 938, Ngô Quyền đuổi sạch quân Nam Hán. Năm 1288, vua Trần đánh tan giặc Mông – Nguyên. Để tái hiện lại những chiến tích này và bày tỏ lòng tự hào về một dân tộc tài trí, anh dũng, tráng sĩ họ Trương cho ra đời Bạch Đằng giang phú. Có lẽ bài phú được môn khách của Trần Hưng Đạo viết sau chiến thắng Mông - Nguyên khoảng 50 năm. Nổi bật trong bài phú là hình tượng nhân vật khách và nhân vật bô lão.


Cùng tạo nên tính khách quan cho tác phẩm nhưng trong khi nhân vật bô lão dẫn chuyện thì nhân vật khách lại đóng vai trò khẳng định tầm quan trọng của con người trong cuộc chiến và thể hiện cảm xúc của bài phú. Sự hoá thân tài tình của tác giả vào hình tượng khách góp phần không nhỏ tạo nên thành công của tác phẩm. Mở đầu Bạch Đằng giang phú, nhân vật khách hiện lên với tình yêu thiên nhiên, học vấn sâu rộng và tráng chí bốn phương:Khách có kẻ:


Giương buồm giong gió chơi vơi

Lướt bể chơi trăng mải miết.


Lời giới thiệu cho thấy tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn trong nhân vật khách. Là một người ưa thích ngao du đó đây, nhân vật khách “tham quan” nhiều địa danh nổi tiếng của nước bạn như sông Nguyên, sông Tương, đầm Vân Mộng,… qua sách vở mà vẫn thấy chưa đủ với “tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”. Điều này chứng tỏ vốn kiến thức uyên thâm, lòng ham hiểu biết, mong muốn tìm tòi ở nhân vật này. Trương Hán Siêu “học Tử Trường chừ thú tiêu dao” đi du ngoạn thiên nhiên để hoà mình vào thắng cảnh, nghiên cứu lịch sử, trau dồi học thức, giãi bày tâm sự. Đến đây, người đọc bắt gặp bóng dáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong


Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

hay Cao Bá Quát trong

Phía bắc núi Bắc, núi muôn lớp

Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt,…


Không bày tỏ đạo lý thanh cao như Trạng Trình, không bộc lộ sự chua xót, bất đắc trí như Cao Tử, tác giả đến với thiên nhiên với lòng mong mỏi hiểu biết nhiều hơn về phong cảnh đất nước mình, với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông. Không còn trong những chuyến viễn du tưởng tượng, sông Bạch Đằng, một địa danh thưc hiện lên trước mắt nhân vật trữ tình:


Quả cửa Đại Than,Ngược bến Đông Triều.

Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chiều.


Đứng trước di tích lịch sử, tâm trạng nhân vật trữ tình biến đổi từ tự hào, vui tươi đến u buồn ảm đạm.


Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời: một sắc,

Phong cảnh: ba thu.


Bạch Đằng đương ở tháng thứ ba của mùa thu, thấm đẫm sắc xanh của nước trời. Được ngắm con sông hùng vĩ, đẹp nên thơ, trong lòng tác giả không khỏi tấm tắc ca ngợi, phấn khởi và tự hào vì được sống trong cảnh thái bình. Đối lập với sự hùng tráng của thắng cảnh trong hiện tại là nét bi tráng của bãi chiến trường trong quá khứ. “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.” Những từ láy gợi hình, gợi cảm khoác lên con sông Bạch Đằng vẻ đượm buồn, sức mạnh ăn mòn vạn vật của thời gian làm phai mờ dấu tích oai hùng một thời. Không những buồn, nhân vật trữ tình còn hết sức chua xót và thương cảm bởi hậu quả kinh khủng mà chiến tranh để lại trên dòng sông lịch sử: “Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”. Con sông Bạch Đằng đã nhấn chìm bao xương máu, nuốt trôi bao sinh mạng của những nạn nhân trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tác giả chỉ có thể ngậm ngùi:


Buồn vì cảnh thảm,

Đứng lặng giờ lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.


Tâm trạng của Thăng Phủ bấy giờ cũng giống với tâm trạng của những thi sĩ đã từng tới đây. Nguyễn Trãi than:Việc trước quay đầu ôi đã vắngTới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.Sau khi lắng nghe những lời kể chân thực và sinh động của các bô lão về hai trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng, nhân vật khách ca rằng:


Anh minh hai vị thánh quân

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

Giặc tan muôn thuở thăng bình

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.


Lời bình cuối bài phú đã nêu ra chân lý bất biến về vai trò và tầm quan trọng của con người trong cuộc chiến. Khác với quan điểm của Nguyễn Sưởng trong Bạch Đằng giang:


Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết

Nửa do sông núi, nửa do người.


Trương Hán Siêu khẳng định yếu tố quyết định thắng lợi của quân ta trên sông Bạch Đằng là nhờ vào mưu lược, tài trí của hai vị vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và sự anh dũng, xả thân vì nghiệp lớn của những tướng sĩ, đặc biệt là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Khi giặc đến, vua hỏi Trần Hưng Đạo nên làm thế nào, ông tâu “Năm nay thế giặc nhàn”. Cái “nhàn” ấy là sự đúc kết kinh nghiệm từ hai cuộc kháng chiến trước, là đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, là biết khoan thư sức dân.


Qua đó ta thấy, người đứng đầu một nước không chỉ vận dụng cái tài để bài binh bố trận trên sa trường mà còn lấy chữ “đức” để trị dân: “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”. Đức độ của nhà vua không chỉ thể hiện chốn điện các mà còn bộc lộ trên sa trường, như Quốc tộ đã viết:Vô vi nơi điện cácXứ xứ tức đao binh. Xuyên suốt bài phú, trong việc xây dựng hình tượng nhân vật khách, Trương Hán Siêu vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật. Trong lời giới thiệu đầu bài, tác giả kết hợp phương pháp liệt kê với bút pháp ước lệ khi nhắc đến những địa danh mà nhân vật trữ tình “đi” qua trong tưởng tượng:


Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt

Nơi có người đi đâu mà chẳng biết.


Tiếp đến, khi miêu tả con sông huyền thoại trong quá khứ và hiện tại, ông sử dụng cả biện pháp tả thực và lối nói phóng đại cùng dùng những từ láy gợi hình như “bát ngát”, “thướt tha”, “san sát”, “đìu hiu”, qua từng câu câu chữ của Thăng Phủ, Bạch Đằng hiện lên đầy kiêu hùng, bi tráng. Chưa hết, góp phần tạo nên thành công cho Bạch Đằng giang phú là cách truyền tải cảm xúc theo từng khung cảnh, giọng điệu của nhân vật khách thay đổi từ vui tươi, hưng phấn, tự hào đến trầm buồn, bi thương và tiếc nuối. Bên cạnh đó, tác giả sử dụng những câu văn linh hoạt và cách ngắt nhịp bằng chữ “chừ” - từ đệm đặc trưng của thể phú giúp lời lẽ thêm uyển chuyền, nhịp nhàng.


Qua hình tượng nhân vật khách trong Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu bộc lộ đôi nét về bản thân: lòng ham học hỏi, tráng chí bốn phương, tình yêu tha thiết với thiên nhiên. Bên cạnh đó, tác giả bày tỏ tâm trạng của ông, cũng như bao người dân đất Việt trước những chiến công hiển hách, oanh liệt trên con sông Bạch Đằng. Đó là niềm tự hào về cha ông, về dân tộc, là lòng yêu nước yêu quê tha thiết, là sự thương xót và nuối tiếc cho chiến tranh thảm khốc. Không chỉ có vậy, tác giả còn khẳng định vai trò của con người trong cuộc chiến, ngợi ca tài đức của các vị thánh quân.

Bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách số 5
Bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách số 5
Bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách số 5
Bài văn phân tích hình tượng nhân vật khách số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy