Bài văn phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác số 9

Bác Hồ là người đã tìm ra con đường cứu nước, là niềm tự hào của dân tộc. Hình ảnh về Người vẫn còn sống mãi trong lòng tất cả người dân Việt Nam. Có rất nhiều tác phẩm hay và xúc động viết về Bác. Trong đó, bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là bài thơ nổi bật. Tác phẩm đã diễn tả dòng cảm xúc của thi nhân khi ra thăm lăng Chủ tịch. Ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã thể hiện tâm trạng của mình khi xếp hàng vào lăng viếng Bác.


“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”


Ngay từ câu đầu tiên, ta thấy xuất hiện từ láy “ngày ngày” chỉ thời gian tuần hoàn. Nếu “mặt trời đi qua trên lăng” là mặt trời của tự nhiên mọc rồi lại lặn, tỏa ra hơi ấm cho muôn loài thì “mặt trời trong lăng” lại là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Người chính là mặt trời tìm ra chân lí cho con đường cách mạng, đưa dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than. Hình ảnh trên khiến chúng ta nhớ đến những vần thơ trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ em thì nằm trên lưng”. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng mượn hình ảnh mặt trời của tự nhiên để nhấn mạnh em bé chính là duy nhất trong trái tim người mẹ. Nhà thơ Viễn Phương cũng vậy, đặt hình ảnh mặt trời ẩn dụ cho Bác, từ đó ca ngợi lí tưởng, công lao của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước. Đồng thời, tác giả muốn khẳng định rằng Bác chính là mặt trời trường tồn bất diệt cùng thời gian.

Hai câu thơ tiếp theo thể hiện tình cảm kính yêu của người dân Việt Nam dâng lên Bác:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Điệp từ “Ngày ngày” gợi ra cho chúng ta cảm nhận rõ nét sự vận động của thời gian tuần hoàn. Mỗi ngày dòng người vẫn nối tiếp nhau “đi trong thương nhớ”. Họ không phải đi trong vô thức mà vừa đi, vừa thể hiện niềm tôn kính, biết ơn vô hạn dành cho Bác. Đó là bước chân của muôn triệu người dân, từ mọi miền Tổ Quốc. Họ đều có chung một niềm thương nỗi nhớ với vị cha già kính yêu. Tất cả mọi người “kết thành tràng hoa” to lớn để dâng lên Người. Hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh tả thực những lẵng hoa của dòng người mang vào lăng viếng Bác. Nhưng đó còn ẩn dụ để nhấn mạnh rằng mỗi người đi vào trong lăng là một bông hoa, dòng người kết thành tràng hoa tiếc thương dành cho Bác. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” là gợi nhắc đến bảy mươi chín năm cống hiến, hi sinh của Bác. Đồng thời khẳng định người sẽ mãi mãi vĩnh hằng, bất tử như mùa xuân. Câu thơ cuối kéo dài thành chín chữ, nhịp thơ chậm, dấu chấm lửng như kéo dài mạch cảm xúc, từ đó tạo nên giọng điệu trầm lắng, thiết tha và cảm xúc chân thành của nhà thơ.

Bằng việc sử dụng những biện pháp ẩn dụ đặc sắc, Viễn Phương đã cho người đọc cảm nhận được tình yêu dành cho Bác. Khổ thơ thứ hai nói riêng, cả bài thơ nói chung đều chất chứa nỗi niềm yêu thương, thiết tha nhất dành cho Người cha đáng kính. Và chắc chắn rằng, hình ảnh về Bác vẫn sẽ còn sống mãi trong trái tim của muôn triệu nhân dân Việt Nam.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy