Bài văn phân tích nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên số 7

“Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng). Quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh đó đã chi phối sáng tác cả đời của nhà văn Nam Cao.


Những trang văn của ông được viết lên bởi tấm lòng nhân đạo cao cả, bởi trái tim không thôi trăn trở về số kiếp khổ đau của con người. Những Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, những Thứ, Điền, Hộ,… đang ngụp lặn trong dòng đời nhiều cay đắng. Họ ám ảnh ta bằng chính cuộc đời của họ. Trong đó hình ảnh Lão Hạc cứ mãi chập chờn.


Cũng giống như biết bao nhân vật của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, lão Hạc là một cố nông nghèo khổ. Cùng với nhân vật người trí thức, người nông dân là đối tượng mà tác giả dành nhiều sự ưu tâm nhất. Trong sáng tác của Nam Cao, môi trường, hoàn cảnh sống thường hiện hình qua cái đói, cái nghèo, miếng ăn và các định kiến xã hội. Lão Hạc sống suốt đời trong sự bủa vây của cái nghèo, cái đói.


Đã nghèo, lại goá vợ, lão sống một mình trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cũng như bao nhiêu cố nông nghèo khổ ở nông thôn, lão Hạc không có ruộng cày. Toàn bộ gia tài của lão chỉ có vẻn vẹn một con chó và một mảnh vườn. Mảnh vườn ấy có được là do vợ lão “cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu”.


Đó là mảnh vườn còm cõi, hoa màu của nó cũng chỉ đủ để lão bòn mót. Cho nên, lão phải đi làm thuê, làm mướn, đem sức mình đổi lấy miếng ăn. Miếng ăn, cái đói, cái nghèo đã tạo nên gia cảnh, tạo nên cái số kiếp của lão. Lão rất thấm thìa cái cảnh tủi nhục của mình. Có lần lão chua xót nói với ông giáo kiếp người như lão chỉ nhỉnh hơn kiếp của một con chó.


Cũng vì nghèo đói, lão Hạc trở thành người cha phải bó tay trước hạnh phúc của người con trai độc nhất. Vì không có tiền cưới vợ nên con trai lão không lấy được người mình yêu. Anh tính bán mảnh vườn lo cưới vợ nhưng nghe lời bố lại thôi. “Lão thương con lắm. Nhưng biết làm sao được.


Đó là tình thương đầy bất lực của người cha. Rồi cũng chính cái đói, cái nghèo đã cướp đi mất đứa con trai duy nhất. Không chịu nổi cái nhục của kiếp nghèo, anh con trai lão phẫn chí bỏ làng, bỏ cha, “kí giấy xin đi làm đồn điền cao su…”. Ta không cầm nổi nước mắt khi nghe lão kể lại việc con đi : “Tôi chỉ còn biết khóc chứ còn biết làm sao được nữa ? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi.


Câu chuyện lão kể lại như đang xảy ra. Lão đã khóc, lão đang khóc, đang đau nỗi đau xé ruột của một người cha hoàn toàn bất lực trước cuộc sống của người con. Vì nghèo đói, lão cũng phải bán nốt cậu Vàng – người bạn duy nhất, điểm tựa tinh thần, sợi dây duy nhất gắn lão với thằng con trai. Và cũng vì nghèo đói, vì biết bao gánh nặng ở đời, lão đã phải lựa chọn, một sự lựa chọn đầy nghiệt ngã, bi đát: cách chết của một con chó.


Cả cuộc đời của lão không có lấy một bữa no. Nghèo khổ cứ dần dần lấy đi của lão tất cả, đẩy lão vào bước đường cùng không có lấy một lối thoát. Số phận, cuộc đời của lão cũng là một điển hình cho số phận bi đát của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.


Nếu chỉ dừng lại ở đây, Nam Cao cũng chỉ là một nhà văn tả thực bình thường. Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao luôn làm ấm nóng trái tim người đọc, luôn làm cho người ta tin vào cuộc đời dù cuộc đời còn nhiều cay đắng, bất hạnh. Ở Lão Hạc là một niềm tin bất diệt vào con người. Dù trong hoàn cảnh nào thì các nhân vật của Nam Cao đều cố gắng vươn lên ánh sáng, đều khao khát được sống đúng là con người. Lão Hạc dù nghèo khổ, bất hạnh nhưng ta nhận ra ở người cha già ấy những nét nhân cách thật đáng trọng.


Trước hết, đó là một người cha giàu tự trọng, ở đời, nhiều khi nghèo đi với hèn. Cái nghèo đôi lúc làm méo mó nhân cách con người, làm họ bị tha hoá, biến chất. Những ngày tháng gần cuối cuộc đời, khi đã “có đồng nào, cụ nhặt nhạnh” đưa cả cho ông giáo, lão chỉ bòn củ khoai, củ chuối cho qua ngày. Ông giáo “giấu giếm vợ thỉnh thoảng giúp đỡ ngấm ngầm lão”. Nhưng lão từ chối sự giúp đỡ đó “một cách hách dịch”.


Cũng vì tự trọng, vì thương con lão quyết không ăn vào một đồng của con. Cũng vì tự trọng mà trước khi chết, lão nhịn ăn để lại tiền làm ma vì không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng. Sự tự trọng đó là nét nhân cách đẹp, đáng trân trọng của một lão bần cố nông. “Đói cho sạch, rách cho thơm” thật đúng với trường hợp của lão Hạc.


Nhưng điều quan trọng nhất làm cho nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao để lại niềm cảm động và cảm phục khôn nguôi nơi bạn đọc chính là tấm lòng yêu thương con hết mực của lão. Cả cuộc đời đói khổ chính là sự thử thách tình phụ tử của lão và cũng chính là cả cuộc đời lão dành trọn tình yêu thương cho con. Vì thương con, yêu con nên lão luôn bòn mót, dành dụm tất cả cho con.


Trong từng nếp nghĩ của lão Hạc bao giờ cũng thấm đẫm đức hi sinh cao cả. Trước khi đi phu, anh con trai biếu lão ba đồng bạc, để lại cho lão con chó, dặn lão “bòn vườn đất với làm thuê làm mướn cho người ta thế nào cũng đủ ăn”. Nhưng lão đã tự xoá đi cái quyền sở hữu của mình đối với mảnh vườn ấy. Sau khi con đi, lão tự nhủ không động đến những gì là của con. Lão dành dụm tất cả với hi vọng gom góp để con lão khi trở về sẽ đủ tiền cưới vợ.


Vì không đủ tiền cưới vợ, nên con lão phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su. Vì vậy, lão Hạc rất thương con. Nhưng lão không thể làm gì cho con nên lão chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt của một người đàn ông đau khổ, của một người bố giàu lòng thương yêu con nhưng bất lực trước đói nghèo khiến người đọc thấy xót xa, quặn thắt.


Tinh yêu thương con lão gửi cả vào cậu Vàng hay yêu thương, chăm sóc cậu Vàng cũng chính là biểu hiện của tình yêu thương con vô hạn. “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một người giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn…, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó”.


Với lão Hạc, cậu Vàng không những là một người bạn chia sẻ những vui buồn của cuộc sống mà quan trọng hơn, cậu Vàng chính là sợi dây duy nhất nối cha con lão gần nhau, nuôi dưỡng hình ảnh người con trai trong trái tim của lão. Tình cảm với cậu Vàng không chỉ là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, yêu thương loài vật mà còn là biểu hiện xúc động của tình phụ tử cao đẹp.


Vì thế ta càng thấu hiểu hơn nỗi đau khổ và những giọt nước mắt ân hận của lão sau khi bán cậu Vàng : “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Lão nhận mình là kẻ bất nhân, tên lừa đảo đối với một con chó vốn tin yêu mình. Nếu không phải là người yêu thương cậu Vàng hết mực thì lão Hạc không thể có những tâm trạng dằn vặt như thế sau khi bán con chó.


Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con của lão Hạc là cái chết bi phẫn ở cuối thiên truyện. Đó là một cái chết không hề bình thường. Lão chọn cái chết tức tưởi, quằn quại trong đau đớn như cái chết của một con chó: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên,… Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội”. Phải chăng, lão Hạc chọn cách chết đó như muốn trừng phạt chính bản thân mình khi đã bán cậu Vàng ?

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy