Bài văn phân tích nhân vật viên quản ngục số 5

Với hành trình suốt đời đi tìm cái đẹp của mình, Nguyễn Tuân được người ta biết đến là một gương mặt tiêu biểu của nền văn học hiện đại. Vốn tri thức vô cùng uyên bác cùng tài năng nghệ thuật bậc thầy đã giúp ông để lại rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị cho nền văn học Việt Nam và “Chữ người tử tù” là một tác phẩm như thế. Trong tác phẩm, bên cạnh sự xuất hiện của Huấn Cao – một con người tài hoa, uyên bác thì viên quản ngục với những phẩm chất đáng quý cũng là một nhân vật rất đáng được quan tâm.


Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được trích từ tập “Vang bóng một thời”. Ban đầu, truyện có tên là “Dòng chữ cuối cùng” và đã được in trên tạp chí Tao Đàn vào năm 1938. Đến khi được in trong tập “Vang bóng một thời” tác phẩm đã được đổi tên thành “Chữ người tử tù”. Truyện kể về cuộc gặp gỡ éo le giữa hai con người với hai thân phận hoàn toàn đối lập nhau, một bên là người tử tù Huấn Cao còn một bên là viên quản ngục. Trước sự đối đãi tử tế cùng tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý trước lời xin chữ của quản ngục. Câu chuyện đã tái hiện lại một khung cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có trong buồng giam chật hẹp, bẩn thỉu để rồi kết lại với những dư vị thấm thía trong lòng độc giả.


Để nói về nhân vật quản ngục, trước hết đó là một người trung niên “đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu”. Khuôn mặt ông được Nguyễn Tuân miêu tả vô cùng điềm đạm, bình tĩnh, phúc hậu với “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Có thể thấy rõ ông đã được miêu tả với một ngoại hình vô cùng ưa nhìn. Cái vẻ nền nã của ông còn được thể hiện ở vẻ mặt đăm chiêu “nghĩ ngợi” sau khi biết tin về sáu tên tử tù trong đó “người đứng đầu bọn phản nghịch” là Huấn Cao lại “có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Với tất cả sự từng trải cùng “tính cách dịu dàng” quản ngục đã biến trở thành một nhân vật đặc biệt giữa trốn lao tù, khác hẳn với những bọn “sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc” nơi đây.


Bên cạnh là một người có “tính cách dịu dàng”, viên quản ngục còn có đời sống nội tâm vô cùng sâu sắc. Khi biết Huấn Cao không chỉ nổi tiếng với tài cho chữ mà còn là một bậc trượng phu đầy nghĩa khí nhưng lại là một trong những trọng phạm triều đình ông đã vô cùng đau khổ. Nguyễn Tuân đã có một so sánh hết sức thú vị rằng nếu xã hội lao tù là “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục được ví như một thanh âm trong trẻo “chen vào giữa bản đàn ấy”.


Và cái đáng quý nhất ở viên quản ngục là tình yêu dành cho cái đẹp và tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Sự xuất hiện của Huấn Cao dù là trong trại giam nhưng vẫn khơi lên khao khát muốn “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do ông Huấn viết. Yêu quý cái đẹp cũng là yêu quý, kính trọng người tạo ra cái đẹp bởi vậy “hằng ngày vẫn cho thầy thơ lại mang rượu thịt vào khoản đãi ông Huấn… càng ngày càng hậu hĩnh”. Vì yêu cái đẹp, kính trọng người tạo ra cái đẹp, ông đã “biệt đãi” đối với một tử tù – hành động có thể làm nguy hại đến địa vị, thậm chí là tính mạng của ông. Ông “biệt đãi” với Huấn Cao ngày cả khi bị người ta xua đuổi “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Bị xua đuổi ông không hề than trách, cũng không gắt phạt Huấn Cao, thậm chí đồ ăn được mang đến còn hậu hĩnh hơn trước.


Viên quản ngục luôn mong muốn có được chữ ông Huấn, chỉ mong ông Huấn dịu bớt tính cách để ông có thể trình bày sở nguyện của mình. Mặc dù đã chọn sai nghề, nhưng trên đời này làm gì còn viên coi ngục nào lại có một tâm hồn trong sáng, có một tình yêu với cái đẹp đến thế? Tình yêu cái đẹp càng được thể hiện ở sự “khổ tâm” của ông trước khi Huấn Cao sắp bị đưa ra pháp trường mà ông không kịp xin chữ thì ông sẽ “ân hận suốt đời”. Nhưng thật may rằng, qua lời kể của thầy thơ lại, ông Huấn đã hiểu ra tấm lòng của viên quản ngục và đồng ý cho chữ. Chính nhân cách cao quý ấy đã làm cho Huấn Cao cảm động: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người.


Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ tấm lòng của viên quản ngục, từ sự cảm động của ông Huấn mà cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có đã xuất hiện. Đó là nơi trại giam bẩn thỉu, tăm tối nhưng người ta đã ví nó như cuộc gặp gỡ giữa người khách anh hùng tài tử với một tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tình yêu, sự say mê cái đẹp đã kết nối hai phía đối lập lại với nhau. Cảnh tượng xưa nay chưa từng có này chính là chìa khóa làm nổi bật chủ đề của truyện rằng cái đẹp, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, cái xấu dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.


Việc khắc họa thành công vẻ đẹp khác thường, mới lạ của viên quản ngục giữa chốn ngục tù tăm tối đã cho thấy tâm hồn “suốt đời đi tìm cái đẹp” của Nguyễn Tuân. Xuyên suốt tác phẩm ta không chỉ bắt gặp thủ pháp tương phản đối lập mà còn thấy cả nghệ thuật hội họa, điêu khắc được Nguyễn Tuân sử dụng vô cùng khéo léo và chính điều này đã làm nên sức hút cho tác phẩm. Chỉ bằng một vài nét phác họa độc đáo, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc khắc họa một nhân vật với tấm lòng biệt nhỡn liên tài cùng sở nguyện cao quý trong mắt người đọc.


Có thể nói, cùng với nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục cũng góp phần thể hiện chủ đề của truyện cũng như điều mà Nguyễn Tuân luôn muốn hướng đến đó là cái đẹp và cái đẹp luôn đủ sức đánh bại mọi sự xấu xa, bẩn thỉu trong cuộc sống này.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy