Bài văn phân tích tác phẩm "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" số 4
Người xưa có câu: “cây ngay không sợ chết đứng”, “ở hiền thì sẽ gặp lành”. Thật đúng vậy, những người chính trực, ngay thẳng thì sẽ gặp được những điều tốt đẹp, gặp dữ hóa lành. Tiếp thu tinh thần ấy, với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, Nguyễn Dữ đã xây dựng thành công nhân vật Ngô Tử Văn khẳng khái, cương nghị trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”, qua đó thể hiện nhiều tư tưởng sâu sắc.
“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một trong những truyện hay, truyện tiêu biểu của Truyền kì mạn lục – một tác phẩm nối tiếng và để đời của Nguyễn Dữ. Cũng giống như những truyện khác trong “Truyền kì mạn lục”, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” cũng chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo. Hồn ma tên tướng giặc ngoại xâm tử trận tác oai tác quái, làm hại dân lành. Khi bị Tử Văn đốt đền thì hắn hiện lên báo mộng, dọa dẫm và đòi đi kiện Diêm Vương. Tử Văn ốm rồi chết, xuống địa phủ chầu Diêm Vương. Quang cảnh thế giới âm phủ là một thế giới kì ảo và cảnh Diêm Vương vừa thật vừa không thật. Được Diêm Vương xử án xong, Ngô Tử Văn trở về dương thế, hai ngày sau lại mất, hồn đi nhận chức phán sự đền Tản Viên.
Bên cạnh những yếu tố hiện thực, những yếu tố hoang đường đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên đặc sắc và hấp dẫn. Chính vì thế mà mặc dù biết là hư cấu nhưng người đọc vẫn không thể ngừng theo dõi diễn biến của câu chuyện được. Qua việc sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo, Nguyễn Dữ cũng nhằm thể hiện một ý tưởng nghệ thuật của mình, đó là: thế giới cõi âm cũng chính là sự phản chiếu bóng dáng cuộc đời thực. “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” vì thế đã trở thành một bức tranh hiện thực về một xã hội đen tối, ở đó những kẻ đại diện cho công lý lại chính là những kẻ bất lương, vô nhân đạo nhất. Truyện cũng còn ca ngợi con người dám đấu tranh đến cùng cho chính nghĩa qua hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn.
Tử Văn được giới thiệu là người “khẳng khái nóng nẩy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương phương”. Chính tính cách này của Tử Văn đã dẫn tới hành động đốt đền khi thấy bởi hồn ma tên tướng giặc trong đền đã “làm yêu làm quái trong dân gian”, bao phen làm hại dân lành. Hành động đốt đền đã khơi dậy một cuộc chiến quyết liệt giữa Tử Văn và hồn ma tướng giặc, mà thực chất đó chính là cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, giữa cái thiện và cái ác, giữa công bằng dân chủ và áp bức bất công. Hành động của Ngô Tử Văn cũng khẳng định tính tình cương trực, quyết đoán của chàng. Để trừ hại cho dân, chàng đã dám đốt đền – việc mà xưa nay chưa ai dám làm vì động chạm đến thần linh. Nhưng Tử Văn là người đọc sách thánh hiền, chàng hiểu rõ việc mình làm, cho nên trước khi đốt đền “tắm gội chay sạch, khấn trời” rồi mới “châm lửa đốt đền”.
Sự khẳng khái, cương trực của Tử Văn còn thể hiện qua thái độ của chàng với hồn ma tên tướng giặc. Khi sống hắn là kẻ xâm lược nước ta, đến khi bỏ mạng ở nước Nam thì lại tranh miếu Thổ địa, vậy mà còn láo xược dám đến mắng mỏ, đe dọa Tử Văn. Trước sự ngang ngược trắng trợn của hồn ma tướng giặc, chàng không hề khiếp sợ mà vẫn “ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Điều đó càng chứng tỏ một khí phách cứng cỏi, một niềm tin vào chính nghĩa, sự đúng đắn trong hành động của Ngô Tử Văn. Vì cảm kích hành động chính nghĩa của chàng mà Thổ thần đã đến dặn dò chàng, đồng thời nhận lời giúp đỡ nếu Tử Văn cần đến người làm chứng.
Bản lĩnh kiên định, chính nghĩa của Tử Văn được thể hiện rõ nhất trong khi chàng lôi xuống âm phủ và hầu kiện với Diêm Vương. Bị lũ quỷ sai nha lôi xuống địa phủ, đi qua những cảnh âm tào rùng rợn, nào quỷ dạ xoa, nào qua sông “gió tanh sóng xám”, hơi lạnh đến thấu xương nhưng Tử Văn không hề run sợ, không vì thế mà trở nên chùn nhụt, khúm núm. Ngay cả khi bị quy kết “tội ác sâu nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”, Tử Văn không tâm phục, một mực kêu oan, đòi phải xét xử minh bạch. Khi đối diện với Diêm Vương uy quyền và trước những lèo lá tráo trợn của hồn ma tướng giặc, Tử Văn cũng không hề nao núng, ngược lại còn đanh thép vạch trần những tội ác của tên tướng giặc với những bằng chứng mà hắn không thể nào chối cãi. Vì sự chính nghĩa, chàng đã hết lòng đấu tranh và cuối cùng cũng đã chiến thắng được tên giặc hung ác, trả lại chức vị cho Thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân. Không những thế, vì có nhân cách cao đẹp mà Tử Văn còn được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, chịu trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn công lí.
Ngược lại với sự cương trực, ngay thẳng của Tử Văn là sự gian trá, giảo hoạt của viên Bách hộ họ Thôi. Vốn là một tên tướng giặc bại trận bỏ thân nơi đất khách, hắn trở thành một hồn ma lưu vong, không người cúng tế. Nhưng ngay cả khi chết đi rồi thì bản chất xâm lược của hắn vẫn không hề mất đi. Hắn cướp ngôi đền của Thổ thần, tác oai tắc quái làm hại dân lành nếu không cúng tế cho hắn. Khi bị Tử Văn đốt đền, hắn còn trịnh thượng đến dọa nạt, dùng lời lẽ đạo Nho kẻ sĩ để buộc tội. Thấy Tử Văn không hề run sợ, hắn có tìm đến tận Diêm Vương để nhờ trừng trị. Đây đích xác là một kẻ vừa ăn cướp vừa la làng. Khi có nguy cơ bị bại lộ thì hắn lấp liếm, ra vẻ từ bi độ lượng nhưng nhờ có Diêm Vương phán xét, kẻ gian trá như hắn đã bị trừng trị thích đáng. Nếu như Tử Văn là một hàn sĩ áo vải đại diện cho chính nghĩa và tinh thần đấu tranh vì lẽ phải thì hồn ma tên tướng giặc chính là đại diện cho kẻ xâm lược gian ác, xảo quyệt. Xây dựng hai nhân vật này, tác giả đã thể hiện tinh thần chính nghĩa của con người Việt Nam, đồng thời vạch trần và tố cáo bản chất xấu xa, bất lương của bọn cướp nước. Người chính trực dù chết vẫn chính trực, kẻ tiểu nhân thì về cõi tào địa phủ cũng vẫn xảo trá, đê tiện.
Qua cuộc đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ chính nghĩa, trừ hại cho dân, hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong người đọc. Đó là một con người khẳng khái, chính trực, bản lĩnh vững vàng để bảo vệ công lý, chống lại cái xấu cái ác. Qua đây, tác giả cũng thể hiện niềm tin về sự chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh với cái xấu, cái ác đến cùng. Truyện cũng ngầm phản ánh xã hội thực tại với đầy rẫy những bất công, những quan tham thì nhận của đút, cái ác thì hoành hành, công lý thì bị che mắt. Tất cả những ý nghĩa nhân đạo, nhân văn này đã góp phần làm nên đặc sắc cũng như thành công cho tác phẩm.