Bài văn phân tích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi số 10

Nguyễn Đình Thi ra đi, đất nước mất đi một người con ưu tú, làng văn mất đi một cây bút tài hoa. Con người bằng xương bằng thịt đã trở về với đất mẹ nhưng linh hồn dường như còn phảng phất ở trần gian. Linh hồn ấy vẫn đi về trong những sáng tác thơ văn, và mỗi khi nhớ tới người quá cố, lời thơ Đất nước năm nào lại vọng về như an ủi, xẻ chia người đang sống.

Nguyễn Đình Thi đã sông trọn một đời gắn bó thiết tha với đất nước vất vả và đau thương, cũng sống một đời để chứng kiến những đổi thay đẹp đẽ, sáng tươi đáng tự hào của đất nước. Những cảm xúc ấy được thể hiện một cách rõ nét trong Đất Nước. Bài thơ được mở đầu bằng một hình ảnh trong trẻo.

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.


Cảm hứng về đất nước được cất lên bằng một tâm trạng xao xuyến bâng khuâng, pha chút hứng khởi mà dịu ngọt trước vẻ đẹp của mùa thu. Đứng giữa khung cảnh mùa thu hiện tại, nhà thơ bồi hồi xúc động nhớ tới mùa thu đã xa. Người ta thường nói Hà Nội không có mùa nào đẹp hơn mùa thu, mùa thu chính là màu dễ gợi cảm xúc nhớ thương, hoài niệm. Và những cảm xúc ấy cũng đến với Nguyễn Đình Thi khi ông đứng giữa đất trời tươi đẹp với những nỗi niềm tưởng nhớ khôn nguôi về một mùa thu cũ.


“Sáng mát trong như sáng năm xưa”, nhà thơ thực sự cảm thấy xôn xao, xúc động trước sắc thu của Hà Nội. Đó là một buổi sáng trong xanh có gió mang theo cái lạnh dịu nhẹ tạo nên cảm giác mát mẻ. Thoảng trong gió sớm là mùi hương cốm nồng nàn ấm áp. “Hương cốm mới” là hương vị đặc biệt của mùa thu xứ Bắc. Cái trong trẻo, thanh khiết của khí thu, cái mùi vị của cốm mới là kết tinh hương hoa của đất trời cỏ cây tạo nên một mùa thu mang đầy bản sắc. Cảnh của mùa thu chiến khu đã làm cho tác giả nhớ đến “những ngày thu đã xa” của phố phường Hà Nội.

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.


Ngày ấy chia tay Hà Nội cũng vào mùa thu, cũng có gió lạnh, nhưng cái lạnh của mùa thu nay gợi lên sự ấm áp của một buổi sáng mát trong tràn lên cảnh vật, còn cái lạnh của mùa thu xưa không chỉ là cái lạnh của đất trời mà còn là của cả lòng người: sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Hà Nội vào thu mang theo cả những ngọn gió hanh khô, luồn vào từng ngõ phô' vắng vẻ dài lạnh hun hút gợi nỗi buồn xa vắng.


Cả phố phường dường như lặng im cuối đầu, chỉ nghe tiếng xào xạc của lá rơi, gió thổi. Cái “xao xác” của cảnh vật nhuốm lên lòng người những nỗi niềm khó diễn đạt thành lời. Hà Nội với ba mươi sáu phố phường nhộn nhịp tưng bừng giờ đây trở nên vắng vẻ đên kinh ngạc. Và đấy chính là Hà Nội của những năm tháng chiến tranh. Trên nền cảnh thu Hà Nội ấy, tác giả tái hiện hình ảnh tâm trạng của những người ra đi.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Câu thơ gợi cho ta nhớ tới hình ảnh “li khách” trong bài thơ Tống Biệt hành.


Li khách li khách con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Người li khách trong thơ Thâm Tâm ra đi với một quyết tâm cao, dứt khoát đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn nên giọng thơ trở nên rắn rỏi, gân guốc. ở đây, người ra đi có một sức chịu đựng ghê gớm, sự bịn rịn, lưu luyến được nén lại, được che giấu. Với Nguyễn Đình Thi, người ra đi cũng rất dứt khoát nhưng không tức tưởi. Dù “đầu không ngoảnh lại”, song đó không phải là thái độ ơ hờ mà thực chất người ra đi đã không giấu nỗi tâm trạng buồn, luyến nhớ.


Tác giả tả người ra đi từ phía sau. Đứng ở vị trí ấy để miêu tả đã gợi lên cho người đọc hình ảnh những đoàn người cứ cuối đầu lầm lũi ra đi trong lặng lẽ, nhưng cái lầm lũi, im lặng ấy lại còn dồn chứa biết bao nỗi niềm tâm trạng. “Đầu không ngoảnh lại”, hay nói đúng hơn là không dám quay đầu lại vì sợ nhìn thây cảnh Hà Nội buồn, vắng vẻ phía sau lưng mà không đi nổi?


Nhưng Hà Nội đã quá quen thuộc nên dù không quay đầu lại để ngắm nhìn phố phường song vẫn cảm nhận được rất đầy đủ hình ảnh cả Hà Nội đang vào thu, cảm nhận được những gì đang diễn ra sau lưng. Người ra đi lòng vẫn xiết bao lưu luyến với phố phường Hà Nội, có như vậy mới cảm nhận được cả Hà Nội buồn vắng phía sau lưng: chỉ có nắng lá rơi, không có một bóng người.


“Đầu không ngoảnh lại” mà vẫn hiểu được, thấy được phía sau bước chân mình có nắng, có lá rơi, tứ thơ tưởng như là mâu thuẫn nhưng lại không mâu thuẫn chút nào, bởi lẽ cảm nhận ấy được xuất phát, được bắt nguồn từ một tình yêu thiết tha đôi với Hà Nội, từ những tấm lòng nặng nghĩa với quê hương.thu xưa đượm một nỗi buồn man mác lan tỏa trong trời đất, mùa thu nay lại chở đầy niềm vui về một tương lai phơi phới.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trông biếc nói cười thiết tha.


Mùa thu năm 1948 tin vui chiến thắng dội về từ mọi miền làm náo nức lòng người. Đoạn thơ bật lên tiếng reo ca hân hoa của con người làm chủ đất nước. “Mùa thu nay khác rồi” câu thơ tạo nên thế đối lập giữa mùa thu nay và mùa thu xưa. Thu xưa buồn vắng vẻ thì thu nay vui, rộn ràng. Thu xưa gắn liền với màu vàng của nắng của lá thì thu nay chỉ toàn một màu xanh: xanh của rừng tre, xanh của đồi núi và bao trùm lên tất cả là cái trong biếc của bầu trời bao la vời vợi. Đây là cách cảm nhận độc đáo về mùa thu của tác giả.


Cách cảm nhận ấy bắt nguồn từ một tâm hồn háo hức, tưng bừng trước những đổi thay của đất nước. Những đổi thay ấy tác động đến lòng người làm cho lòng người cũng nô nức hát ca, trào dâng xúc động. “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”, câu thơ xác định chỗ đứng và tâm thế lắng nghe của cái tôi trữ tình. Cái tôi trữ tình đứng giữa lòng cuộc sông để lắng nghe những âm thanh vang vọng của mùa thu, một mùa thu mới, một mùa thu hoàn toàn đổi khác.


Niềm vui giao hòa giữa lòng người và cuộc sống. Nhà thơ đứng giữa cuộc đời, đứng giữa lòng dân tộc để đón nhận niềm vui hòa vào với niềm vui. Và ở đây không chỉ là vui từ bên ngoài mà còn là vui ở trong lòng tác giả vui ra, có như thế thì ông mới viết là “vui” rồi mới đến “nghe”. Không gian mùa thu như đang ngân lên những nốt nhạc, những âm thanh rộn ràng trong trẻo. Sau tâm trạng nô nức của tác giả là hình ảnh rừng tre. Không phải giản đơn mà Nguyễn Đình Thi lại chọn cây tre trong bạt ngàn những loại cây cối khác giữa núi đồi.


Cây tre chính là biểu tượng, là tâm hồn, là sức sống, thế đứng của dân tộc. Cả một rừng tre xôn xao, hiên ngang đứng giữa đất nước hay chính là dáng hình của đất nước đang ngẩng cao đầu để đón lấy ngọn gió lồng lộng từ bốn phương thổi tới? vẫn là hình ảnh của cây tre trong những bản làng quen thuộc nhưng đã không còn có lá vàng rơi buồn bã như những hồn thu trước nữa.


Mùa thu nay không gợi một chút buồn, không có những nỗi niềm trắc ẩn mà chỉ thấy trải dài bằng một niềm vui rộn rã, tươi sáng, đầy niềm tin. Mùa thu nay không chỉ là của cá nhân một người mà là mùa thu của đâ’t nước, của con người, của cuộc sông. Cái tôi riêng tư của nhà thơ đã hòa vào niềm vui của cả dân tộc. Mùa thu mới đã làm cho cảnh vật hoàn toàn khởi sắc “trời thu thay áo mới trong biếc nói cười thiết tha”. Đây đâu chỉ là áo mới của mùa thu cây cỏ, đất trời mà còn là áo mới của cuộc sống.


Kể thừ mùa thu nay cuộc sống của con người sẽ tràn ngập tiếng cười nói, trời thu sẽ xanh biếc một màu. Đoạn thơ với những hình ảnh có sức gợi: phấp phới, áo mới, trong biếc, thiết tha cùng với sự kết hợp, xen kẽ câu thơ ngắn - dài đã diễn tả được niềm hăm hở, rạo rực của một trái tim biết đập những nhịp tin yêu trước sự thay đổi của thiên nhiên, đất nước, sự thay đổi của thời đại.

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.


Hai câu thơ đầu là một lời khẳng định về ý thức chủ quyền dân tộc, ý thức đó được hứng từ niềm tự hào về quê hương, đất nước. Điệp ngữ “ của chúng ta” vang lên đầy kêu hãnh. Sau cảm xúc ấy hiện lên một đất nước đẹp đẽ, giàu có, đầy tiềm năng qua những sự vật cụ thể. Đất nước không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng mà cụ thể, gần gũi, gắn bó máu thịt với mỗi con người, mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng. Đất nước đó là trời xanh, là núi rừng, là cánh đồng, ngả đường, dòng sông...

Với cách sử dụng các định ngữ nghệ thuật: thơm mát, bát ngát, đỏ nặng phù sa, cùng với điệp từ “những”, “những”, “những” đã tạo nên một không gian rộng lớn, bao la, trùng điệp. Đọc những câu thơ này của Nguyễn Đình Thi, người đọc lại nhờ tới ý thơ của Tố Hữu trong “Ta đi tới” cũng với mạch cảm xúc như vậy.

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt.
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà rào rạt bến nước bình ca.


Từ cảm xúc hướng vào niềm tự hào của đất nước, tác giả chuyển sang những suy tưởng về mạch sông bền bỉ, vĩnh hằng của Tổ quốc. Giọng thơ đang hào hứng, bất chợt trầm lắng hẳn xuống.

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.


Những dòng thơ trôi đi không dấu nổi niềm tự hào kiêu hãnh. Ba chữ “Nước chúng ta” đứng riêng thành một câu đàng hoàng đĩnh đạc. Đất nước được cảm nhận bằng chiều sâu của lịch sử, của truyền thống cha anh. Một đất nước mà Chế Lan Viên đã từng viết những câu thơ trào dâng cảm.

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Truyện Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi ra cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằn
g
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)

Truyền thông dân tộc được nhà thơ khẳng định như một chân lí. Lời thơ “Nước chúng ta. Nước chúng ta chưa hao giờ khuất” như một định nghĩa chắc nịch. Đất nước ấy đã bao đời rồi vẫn vững chãi, sừng sững, hiên ngang. Một đất nước với bao thế hệ trong tay chỉ có ngọn tầm vông đã đứng lên để bảo vệ, giữ gìn mảnh đất thiêng liêng.


Thế hệ này ngã xuống thì thế hệ khác đứng lên. Đất nước đã thấm máu của bao người anh hùng, họ đã anh dũng hi sinh cho những mùa thu ngàn sau đẹp mãi. Chính vì thế mà hình ảnh của họ vẫn hiện trong mỗi dáng hình đất nước, họ là những người “chưa hao giờ khuất”.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.


Tiếng nói từ sâu thẳm trong lòng đất của quá khứ đem đêm vẫn vọng về như nhắc nhở, như nhắn gửi bao điều thiêng liêng. Truyền thông của dân tộc được Nguyễn Đình Thi cảm nhận như một mạch sông ngầm luân chuyển vĩnh hằng, bất diệt trong lòng đất. Tiếng nói ấy sâu lắng trong không gian, thời gian và được gợi lên bằng một âm thanh nhỏ nhẹ, “rì rầm”, liên tục như không bao giờ dứt.

Tiếng nói rì rầm là tiếng nói không ồn ào, nó tựa như một nốt nhạc trầm hùng đem cả quá khứ mấy nghìn năm lịch sử của đất nước trở về với hiện tại, với con người hôm nay. Tiếng nói thấm sâu vào lòng đất, đọng lại ở lòng người. Tiếng nói của “những ngày xưa ấy” đã dệt bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả chí khí yêng hùng của tổ tiên. Tiếng nói ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay, cho đất hôm nay - một đất nước có lịch sử bốn ngàn năm sừng sững, một đất nước gắn liền với biết bao con người giản dị, chân chất,

Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và đã chết
Giản dị bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
(Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)

Đất nước đã được Nguyễn Đình Thi cảm nhận bằng mùa thu trong quá khứ đượm buồn bởi giây phút chia li, bầng mùa thu trong hiện tại bao la giàu đẹp, bằng truyền thông lịch sử cha ông. Cuối cùng là sự cảm nhận về đất nước đau thương và quật khởi.

Ơi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.


Thán từ được đặt ở đầu câu thơ mà không phải là một tiếng thở dài tuyệt vọng mà chính là sự xót xa, đau đớn, uất hận trước tội ác tày trời của giặc. Câu thơ được viết bằng những hình ảnh có thực mà ông đã tận mắt chứng kiến trong một lần hành quân qua vùng Bắc Giang, hình ảnh ấy đi vào thơ mang đầy tính biểu tượng.


Cánh đồng quê trong những ngày thành bình luôn tràn trề màu xanh của sự sống thì nay trong ánh chiều tà của chiến tranh bỗng đỏ lên như màu nhuộm đỏ cả trời chiều. Những hàng rào dây thép gai như đang chọc lên cào xé làm rách nát cả bầu trời, khiến cho bầu trời đau đớn, lòng người quặn quại, nhức nhối. Trong đau thương, người lính thường về với những người thân nơi quê nhà, nơi hậu phương để tiếp thêm dũng khí cho bước chân hành quân ra tiền tuyến.

Những đêm dài hành quân núng nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Người lính ra đi mang theo trong mình một lí tưởng cách mạng đẹp đẽ, đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ đất nước giàu đẹp, thiêng liêng nhưng cũng không quên ước mơ, nung nấu về một tình yêu, một hạnh phúc lứa đôi. Ra đi là để giữ lấy những mảnh đất thân yêu, giữ lấy giang sơn gấm vóc song cũng chính là để giữ lấy hạnh phúc cho mỗi gia đình, mỗi con người, mỗi lứa đôi, trong ấy có cả hạnh phúc của chính mình.


Hình ảnh “mắt người yêu” gợi nhớ gợi thương bao kỷ niệm êm đềm trong những tháng ngày được sống yên ả giữa lòng quê hương, và giờ đây dường như hình bóng của cả quê hương hiện lên trong đôi mắt ấy. Đôi. mắt chứa chan rực cháy bao hi vọng cho một ngày sum họp, cho một đất nước thống nhất khải hoàn. Trong ước mơ giản dị ấy, cái riêng và cái chung đã được hòa làm một. Những câu thơ tiếp theo là một đúc rút có được từ hiện thực của cuộc chiến đấu.

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.


Trải qua bao năm gian khổ, mất mát, hi sinh, gương mặt của quê hương đã ngời lên rạng rỡ. Cái rạng rỡ ấy chính là kết quả của những con người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của niềm tin son sắt vào một ngày mai chiến thắng. Bọn giặc đã gây nên bao tội ác, những tội ác đó không chỉ làm uất hận lòng người mà còn gây “tiếng căm hờn” đến tận từng gốc lúa, từng bờ tre.


“Gốc lúa bờ tre” là một hình ảnh ẩn dụ, độc đáo. Cuộc kháng chiến đã huy dộng được lực lượng của toàn dân, khơi gợi lòng yêu nước, sự căm thù tới cả những người dân chân lấm tay bùn, những người mà cả cuộc đời chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Và đó chính là cuộc kháng chiến của nhân dân.

Tội ác của giặc len vào từng hang cùng ngõ hẻm.

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bây còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da.


Để có được miếng cơm, người dân đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt. Họ đã nhọc nhằn bỏ công sức tạo ra thành quả lao động duy trì sự sống nhưng bỗng dưng bị cướp trắng tay. Họ không thể không đứng lên để giành lại sự sống. Sự dã man của chúng được thể hiện qua một loạt hình ảnh có sức gợi lớn: “giằng khỏi miệng ta, đè cổ, lột da”. Chúng là một lũ chó săn mồi khát máu chỉ đáng được gọi bằng “đứa”, bàng “thằng”. Nghệ thuật đối lập được sử dụng triệt để trong những câu thơ tiếp theo.

Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà.


Đoạn thơ nhắc tới câu nói của nhà văn nổi tiếng Markximgorky “Không thể lấy máu dìm chân lí”. Sự hung bạo, tàn ác của kẻ thù không thể giết chết lòng yêu nước ngày đêm đang cuồn cuộn chảy trong mỗi trái tim của người dân đất nước Việt. Xiềng xích, súng đạn tượng trưng cho thế lực bạo tàn, cho đau thương, chết chóc. Chim, hoa, lòng yêu nước là biểu tượng của sự sống, cho hòa bình.


Dân tộc ta đã lấy hòa bình để áp đảo chiến tranh, lấy tình yêu sự sống để phá bỏ xiềng xích và đáy chính là hình ảnh của một đất nước" “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”. Đất nước sáng ngời những giá trị nhân văn lấp lánh.

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.


Dù trong đau thương, khói lửa vẫn vương mình để giành lại sự sông, các nhà máy vẫn không ngừng hoạt động, từng lớp quân vẫn ào ạt đi ra chiến trường. “Đất nước đứng lèn” bằng bàn tay của những người anh hùng “áo vải”, chân đất, giản dị nhưng lại mang một sức mạnh phi thường. Những con người mà trong cuộc sông ngày thường lại quá đỗi hiền lành, chất phác song khi vào trận đánh họ lại hùng dũng vô cùng. Những con người ấy được Nguyễn Đình Thi phát hiện ra từ những mãnh đất nghèo.

Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

(Việt Nam đất nước ta ơi)

Đất nước ở đây được bảo vệ, giữ gìn, nâng niu tựa như hình ảnh người mẹ nâng niu, đùm bọc đứa con yêu dấu của mình. Từ “ôm” gợi tình yêu nồng nàn, thắm thiết, gắn bó máu thịt với đất nước. Đất nước vất vả đau thương mà cũng tràn đầy hi vọng.

Ngày nắng đốt đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.


Tác giả nghĩ đến những đau thương, gian khổ, hi sinh nhưng không hề bi lụy, bởi ông hiểu những mất mát ấy sẽ được đền bù trong một tương lai đất nước không xa. “Trán cháy rực” là một hình ảnh thậm xưng có ý nghĩa biểu tượng: nghĩ về trời đất mới cháy rực những niềm tin, những ước mơ nên tác giả cảm thấy lòng mình tràn ngập như bao cảm xúc vui sướng, cảm thấy lòng mình bát ngát như ánh bình minh.

Từ cảm hứng lạc quan, từ lòng tin vững vàng vào tương lai của đất nước, tác giả đã khái quát lên sức quật cường của cả dân tộc.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa


Đoạn thơ mang âm hưởng sử thi, vừa hào hùng dữ dội, vừa ào ạt thăng hoa. Từ trong những chiến trận ác liệt, những con người áo vải vẫn bất chấp bao dữ dội của đạn bom ào lên như một dòng thác vỡ bờ cuồn cuộn. Từ trong khói lửa, từ kiếp sông tối tăm nô lệ, đọa đày, nước Việt Nam đã vụt đứng lên chói ngời, kiêu hãnh. Cái kiêu hãnh rạng ngời vẻ đẹp của những con người anh hùng trong thời đại mới. Bốn câu thơ vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ về tinh thần, sức sông quật khởi của một dân tộc gan góc, anh hùng - dân tộc Việt nam.

Nguyễn Đình Thi đã kết thúc bài thơ bằng những hình ảnh “sáng lòa” chan chứa niềm tin yêu vào một đất nước ngày mai tươi đẹp. Đất nước ấy sẽ tồn tại vĩnh hằng, bât diệt trong không gian và thời gian.

Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi số 10
Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy