Bài văn phân tích tác phẩm "Lầu Hoàng Hạc" số 2
"Trước mắt có cảnh nói không được,
Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu”
Đó là hai câu thơ của Lý Bạch nói vì sao mình không làm thơ để vịnh lầu Hoàng Hạc. Lý Bạch là một trong những nhà thơ cự phách đời Đường. Hai câu thơ trên cho thấy “thi tiên” Lý Bạch là một con người cực kì khiêm nhường, đồng thời khẳng định “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu là một áng thơ kiệt tác.
Nguyên tác là thơ thất ngôn bát cú. Thi sĩ Tản Đà sáng tạo dịch thành thơ lục bát. Nhiều nhà thơ Việt Nam đã thử bút dịch bài thơ này, nhưng theo ý kiến của Xuân Diệu thì bản dịch của Tản Đà là xuất sắc hơn cả.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Tản Đà dịch)
Lầu Hoàng Hạc là một thắng cảnh ở Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Lầu đẹp, cảnh nên thơ, lại được bao phủ bằng một lớp sương mờ huyền thoại, nên càng trở nên hấp dẫn. Tương truyền Phí Văn Vi, tu tiên đắc đạo, thường cưỡi hạc vàng đến đây chơi. Có biết bao tao nhân mặc khách đã đến thăm lầu, ngoạn cảnh và đề thơ. Thôi Hiệu chỉ để lại gần 40 bài thơ, nhưng chỉ có “Hoàng Hạc lâu” là được truyền tụng hơn cả.
Dào dạt qua những vần thơ là cảm hứng hoài cổ của một thi nhân, du khách. Hai câu đầu, thi hứng khơi nguồn từ chuyện “Hạc vàng” trong huyền thoại, từ đó nói lên sự xúc động đến ngạc nhiên khi nhà thơ nhìn thấy lầu xưa. Lầu đứng chơ vơ. Mái lầu như chìm trong tĩnh mịch, hoang sơ. Bao hoài niệm về "tích nhân” về Hoàng Hạc dâng lên dạt dào, man mác:
"Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ”.
Niềm thương nhớ cảm hoài một lúc một dâng cao. Hạc vàng cùng tiên đã bay đi, chẳng bao giờ trở lại nữa "nhất khứ bất phục phản". Như ngẩn ngơ! Như chìm đi trong mộng tưởng. Như man mác một mối sầu thương. Nhìn mây trắng phủ trên mái lầu vàng, lơ lửng bay trên bầu trời xanh (bạch vân... du du), nhà thơ như sực tỉnh:
"Hạc vàng đi mất từ xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”
“Hạc vàng” với “mây trắng”, quá khứ với hiện tại, cái mất đi từ nghìn xưa với cái hữu hình “còn bay”... hô ứng nhau, đối ứng nhau, tạo nên những vần thơ đẹp vô cùng gợi cảm. Trong phần "đề” và “thực” của bài thơ, ba từ “Hoàng Hạc” ba lần xuất hiện trên cái nền “mây trắng ngàn năm bay chơi vơi” (câu thơ dịch của Khương Hữu Dụng); màu sắc hài hòa tuyệt đẹp làm gợi lên một cảnh quan mỹ lệ nên thơ.
Đặc biệt câu thơ thứ 4 “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản” gồm 6 thanh trắc xuất hiện liên tiếp, luật bằng trắc của thơ Đường bị phá cách. Âm hưởng câu thơ như bị “thắt” lại nhằm biểu hiện cái cảm giác ngẩn ngơ, bâng khuâng, tiếc nuối của du khách khi ngắm lầu vàng. Ngòi bút của Thôi Hiệu rất điêu luyện trong phối thanh hòa sắc để tạo nên những vần thơ đẹp “thi trung hữu họa, thi trung hữu cầm” cho ta nhiều rung cảm.
Ngắm trời xanh, mây trắng, lầu vàng, mỗi bước chân của thi nhân như dẫn hồn mình phiêu du vào thế giới thần tiên, mộng ảo. Rồi nhà thơ bâng khuâng đưa mắt ra bốn phía, ra chân trời xa. Mặt sông lúc trời tạnh, sáng trong như tấm gương phản chiếu cây cối vùng Hán Dương rõ mồn một, cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Cảnh vật sông nước, cỏ cây như chan chứa xuân sắc, xuân tình. Hai câu luận được cấu trúc đăng đối hài hòa, cặp từ láy "lịch lịch - thê thê” là hai nét vẽ tinh tế khắc họa cái "hồn” của cảnh trí non sông. Ngòi bút của Thôi Hiệu đã làm sống dậy cỏ cây thiên nhiên bằng đường nét và gam màu tươi sáng nhiều ấn tượng:
"Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”
Trải qua trên 1200 năm, không biết đích xác Thôi Hiệu đã đến chơi lầu Hoàng Hạc vào thời gian cụ thể nào, nhưng qua hình ảnh “tình xuyên lịch lịch... ” và “phương thảo thê thê”, người đọc cảm nhận được đó là một mùa xuân đẹp, thanh bình. Câu thơ như một bức tranh thủy mặc, đường nét xa - gần, đậm - nhạt, màu sắc trong và dịu, tinh tế và biểu cảm. Câu thơ dịch của Tản Đà thật vô cùng linh diệu, nó làm tái hiện lại “điệu Đường”, “hồn Đường” trong nguyên tác:
"Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non”
Thi nhân đứng một mình trên lầu cao. Trời đã về chiều. Lầu Hoàng Hạc mờ dần trong bóng hoàng hôn. Lòng man mác sầu thương. Du khách nhìn mãi... nhìn mãi... khắp bốn phía chân trời, vẫn chẳng thấy quê hương mình ở đâu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?”. Câu hỏi tu từ khơi gợi bao nỗi niềm nao nao, bâng khuâng. Người đọc như hòa điệu, đồng cảm với nỗi u hoài, thương nhớ quê hương của nhà thơ:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”
“Trên sông khói sóng” (Yên ba giang thượng) là một hình ảnh đầy thi vị, huyền ảo, gợi tả cảnh sông nước phủ mờ sương khói lúc hoàng hôn. Câu thơ tả ít mà gợi nhiều. Một nỗi buồn thương thấm thía. Một tình quê vơi đầy lâng lâng. Hình ảnh ấy, thi liệu ấy đã được tái tạo, được nhập thân vào hồn thơ dân tộc ta, làm nên vẻ đẹp phong vị Đường thi cổ kính, hoa lệ:
- “Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
("Tràng Giang" - Huy Cận)
- “Yên ba thâm xứ đàm quân sự...”
("Nguyên tiêu" - Hồ Chí Minh)
Thơ Đường rất gần gũi và quen thuộc với nhân dân ta. Nó là món ăn tinh thần của các nhà nho, các nhà thơ Việt Nam. Phần lớn các bài thơ kiệt tác của văn học trung đại dân tộc ta đều được sáng tạo theo thi pháp Đường thi - dân tộc hóa, tạo nên bản sắc Việt Nam.
Bài thơ “Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu xứng đáng là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học phương Đông. Cảnh lầu đẹp nên thơ được khơi gợi dưới một lớp sương mờ huyền thoại. Cảm hứng hoài cổ man mác, tình quê bâng khuâng vơi đầy... Tất cả làm nên vẻ đẹp nhân văn của thi phẩm này, và hồn thơ dào dạt của li khách đã in dấu đậm đà trong lòng mỗi chúng ta.