Bài văn phân tích tác phẩm "Tràng giang" của Huy Cận số 6

Thời đại Thơ mới của Việt Nam ghi dấu sự thành danh của nhiều bậc thi nhân đại tài. Đó là một Xuân Diệu khao khát tình đến cháy bỏng, mãnh liệt. Một Chế Lan Viên trăn trở đi tìm cái tôi cá nhân. Một Hàn Mặc Tử chìm trong thực và mộng. Và có cả một nhà thơ – một con người mang tâm hồn của một kẻ ảo não, chênh vênh giữa cõi đời rộng lớn.


Thơ ông hàm súc nhưng lại ẩn chứa biết bao triết lý cùng những dòng suy tưởng miên man. Không ai khác ngoài Huy Cận – chàng thi sĩ đã để lại cho đời biết bao tác phẩm xuất sắc tuyệt thế mà đặc sắc nhất phải kể đến thi phẩm “Tràng giang”.


Hoàn cảnh sáng tác chính xác của Tràng giang là vào tháng 9 năm 1939, khi ấy Huy Cận mới chỉ vừa bước vào độ tuổi 20, đang theo học tại Trường cao đẳng Canh Nông. Bài thơ là một phút ngẫu hứng của thi sĩ trong buổi chiều đạp xe ra bến Chèm ngắm nhìn dòng sông Hồng đang cuộn chảy. Bao nỗi nhớ, bao cảnh sầu, sự cô đơn của một cái “tôi” trước thiên nhiên cứ thế tuôn trào để trở thành vần thơ còn lưu truyền hậu thế đến tận ngày nay.


Ban đầu, bài thơ có tên là “Chiều bên sông” sau đó tác giả đổi thành “Tràng giang”. So với nhan đề cũ, Tràng giang mang âm hưởng Hán – Việt trang trọng, cổ kính hơn. Sự lan tỏa của vần “ang” không chỉ vẽ ra cái mênh mông bát ngát rợn ngợp của không gian thiên nhiên sông nước mà còn ngầm gợi ra nỗi buồn trải dài không dứt.


Sau nhan đề là lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Chính lời đề từ này đã thâu tóm cả cảnh và tình của bài thơ. Ta thấy đâu thiên nhiên sao bao la chẳng thấy điểm cuối, còn nỗi buồn, nỗi bâng khuâng lại cứ rộng dài mãi không nguôi .


Trong bài thơ Tràng giang, có thể thấy 2 bức tranh tả cảnh và tả tâm trạng của người thi sĩ rất rõ nét. Về cảnh vật, tất cả đều nhuốm một màu hiu quạnh, vắng vẻ, cô liêu. Nhà thơ mở đầu bằng 4 câu:


“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng”


Từ láy “điệp điệp” kết hợp cùng trạng thái buồn đã mở tạo ra nốt trầm trong cung bậc cảm xúc khi vừa đọc những vần thơ đầu tiên. Ta không chỉ thấy sóng tràng giang đang cuồn cuộn mà còn thấy những đợt sóng lòng của người thi nhân dường như cũng đang mênh mang lan tỏa hòa cùng trời đất.


Con thuyền trên trên sóng nước cũng chẳng mảy may chèo lái để mặc “xuôi mái nước song song”. Rồi đến cuối cùng “Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả” nhuốm màu chia ly buồn bã. Những vần thơ cứ thế mà đậm chất cổ điển, ngỡ như một bậc thi nhân xứ Trung Hoa sáng tác, cho đến khi tác giả nhắc đến hình ảnh củi. Không phải bèo cũng chẳng phải hoa trôi trên sông, mà đây là cành củi lạc dòng vô định.


Thân phận củi khô héo, lênh đênh trên sông nước càng thêm phần lay động. Hai câu đầu của khổ thơ thứ hai của bài thơ tiếp nỗi buồn len lỏi vào từng không gian:


Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.


Nỗi buồn giăng mắc, mơ hồ hòa quyện với cái vẻ hiu hắt, quạnh quẽ đôi bờ sông. Nhà thơ muốn nghe lắm, muốn được thấy lắm tiếng người nói cười nhưng “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. “Đâu” ở đây là diễn tả “đâu đó” hay “đâu có” - tác giả cũng không nói rõ với người đọc.


Từ “vãn” càng tạo ra cảm giác xa xôi, tẻ nhạt, quạnh vắng. Vậy là muốn nghe âm thanh của cuộc sống nhưng cuối cùng đáp trả lại nỗi lòng người thi nhân chỉ là cảnh vật hoang vu, nỗi buồn man mác. Rồi bỗng nhiên, điểm nhìn từ dưới thấp đột ngột được đẩy lên cao.


“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Ngòi bút của Huy Cận vẽ lên “nắng”, “trời”, “sông”, “bến”. Những cảnh vật vốn quen thuộc trong thơ ca nay lại nằm trong một tâm thế khác bởi một lối dùng từ ngữ chắt lọc đến tinh tế. Tác giả miêu tả “trời lên sâu chót vót” thay vì “trời lên cao chót vót”. Bởi cái “sâu” ở đây không chỉ là chiều kích không gian cảnh vật mà nó còn gợi lên một nỗi buồn không đáy, nỗi buồn trải dài đến vô cùng tận của lòng người. Người buồn cảnh có vui bao giờ, để cuối cùng những gì đọng lại chỉ còn là “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.


Đến khổ thơ thứ ba, dường như tác giả đã hoàn toàn bất lực để kéo bản thân ra khỏi nỗi buồn rợn ngợp.


“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”


Huy Cận sử dụng hình ảnh “bèo” – sự vật nhỏ bé, tầm thường thay cho lời diễn tả đến những kiếp người mang số phận bấp bênh, trôi nổi, vô định giữa dòng đời. Cả khổ thơ 4 câu đều không thấy sự xuất hiện của bóng dáng con người. Tất cả chỉ có thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, nỗi buồn tiếp nối nỗi buồn.


Cấu trúc phủ định “không một chuyến đò ngang” – “không cầu gợi chút niềm thân mật” đã xóa sạch sự kết nối của con người. Thật khó để nhìn thấy trong “Tràng giang” một chút dấu vết của sự vội vã, ồn ào, bon chen đời thường. Thứ khiến độc giả đắm chìm chỉ là một nỗi buồn hiu hắt khó tả. Khổ cuối cùng, sự cô đơn đến đây được đẩy lên như một nốt thanh cao vút trong bản giao hưởng nỗi buồn:


“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”


Những câu thơ mang đầy màu sắc cổ điển. Huy Cận đã sử dụng bút pháp chấm phá để vẽ lên bức tranh thủy mặc có núi, có mây, có cánh chim nghiêng, bóng chiều, khói hoàng hôn. Trời đổ bóng hoàng hôn, nỗi cô đơn càng thêm phần thấm thía. Cánh chim cô đơn xuất hiện chơ vơ lẻ loi khiến người đọc đặt ra hai giả thiết.


Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bay liệng bóng chiều sa xuống tràng giang hay chính bóng chiều buông dần rồi đè nặng lên cánh chim đang nghiêng lệch. Nhưng dù thế nào thì cảnh vật lúc này cũng nặng trĩu nỗi tâm tình của kẻ thi nhân đa sầu đa cảm. Từ láy “dợn dợn” thể hiện nỗi bâng khuâng cô đơn trào dâng trong lòng. Tất cả cảm xúc dồn lại đem đến nỗi “nhớ nhà”. Câu cuối của “Tràng giang” khiến ta liên tưởng đến đôi ba câu thơ cũ của Thôi Hiệu:


"Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu."

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)


Nghìn năm trước, thi nhân Trung Quốc thấy khói sóng trên sông mà buồn, còn Huy Cận, nỗi buồn cứ thế đến một cách tự nhiên. Chẳng cần một ngoại cảnh nào tác động. Tất cả trào dâng trong lòng nỗi bơ vơ, khắc khoải, cô đơn, da diết với cuộc đời.


Bằng những từ ngữ giàu sức gợi tả, bút pháp cổ điển mang đậm nét Đường thi, Huy Cận đã tạo ra một Tràng Giang nhuốm màu nỗi buồn, nỗi cô đơn. Một cái “tôi” lẻ loi giữa vũ trụ vô thường bao la đã được bộc lộ rất rõ nét. Đồng thời, cho ta thấy rõ nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đến da diết sầu bi trong tâm hồn người thi sĩ đa cảm.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy