Bài văn phân tích truyện ngắn "Những đứa trẻ" của M. Go-rơ-ki số 1

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những kỉ niệm về tuổi thơ của mình. Đó có thể là những ngày tháng đầy ắp niềm vui, tiếng cười nhưng cũng có thể đó là một tuổi thơ đong đầy nước mắt. Nhưng cho dù là kỉ niệm vui hay buồn thì mỗi khi nhớ lại, nó gợi cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Và nhà văn Mác-xim Go-rơ-ki đã tái hiện thời thơ ấu của mình trong đoạn trích “Những đứa trẻ”.


Mác-xim Go-rơ-ki (1868 - 1936) có tên thật là A-lếch-xây Pê-scốp. Theo tiếng Nga, bút danh này có nghĩa là “cay đắng”, qua đó bạn đọc thế giới có thể hình dung được những khó khăn, bất hạnh, khổ cực mà ông phải trải qua trong cuộc đời. Đoạn trích “Những đứa trẻ” thuộc chương IX của cuốn tiểu thuyết tự thuật “Thời thơ ấu” được sáng tác năm 1913 - 1914.


Nội dung đoạn trích này kể về việc A-li-ô-sa không thấy ba anh em con của đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp ra sân chơi sau một tuần xảy ra sự kiện thằng em nhỏ nhảy vào gàu rơi xuống giếng. Chúng bị cấm không được chơi với A-li-ô-sa nhưng sau đó “chúng xuất hiện và ồn ào hơn trước”. Dù bị cấm đoán nhưng những đứa trẻ vẫn tiếp tục tình bạn với nhau. Chúng gặp nhau bằng nhiều cách và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích của bà hay câu chuyện về những con chim.


Những đứa trẻ ấy đều là những đứa trẻ sống thiếu tình thương từ gia đình. Cậu bé A-li-ô-sa sống với ông bà ngoại do bố cậu đã mất còn mẹ thì đi lấy chồng khác. Bà ngoại cậu hết mực thương yêu, chăm sóc cháu nhưng ông ngoại lại là một người nóng tính, dữ tợn. A-li-ô-sa không nhận được tình thương của bố mẹ và cả ông ngoại của mình. Còn những đứa trẻ con nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp sống với bố và mẹ mới vì mẹ đẻ của chúng đã mất nên đại tá lấy vợ khác.


Ông ấy đã đánh và cấm không cho chúng chơi với A-li-ô-sa. Hành động cấm đoán ấy có lẽ xuất phát từ sự đối ngược nhau về hoàn cảnh sống. Ba đứa trẻ sống trong một gia đình quan chức có kinh tế khá giả, sung túc còn A-li-ô-sa sống trong một gia đình thường dân, kinh tế sa sút.


Tuy có sự cách biệt về địa vị xã hội nhưng chúng đều giống nhau ở hoàn cảnh sống thiếu tình thương của cha mẹ. Chính điều ấy đã khiến những đứa trẻ gắn bó thân thiết với nhau bằng sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ. Tình bạn trong trắng giữa chúng được bắt nguồn từ sự mất mát, thiếu thốn đời sống tình cảm từ những người sinh ra chúng.


Tình bạn chân chính sẽ không vì bất cứ lí do gì mà tan vỡ. Dù bị cấm đoán nhưng chúng vẫn tìm mọi cách để duy trì tình bạn. Phải là một tình bạn thắm thiết thì chúng mới vượt qua rào cản, sự ngăn cấm để tiếp tục chơi với nhau như vậy. Chúng trèo lên cái xe trượt tuyết cũ ở dưới mái hiên nhà kho để “ngắm nghía” và trò chuyện cùng nhau. Đó cũng là nơi ba đứa trẻ nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp tâm sự về cuộc sống của mình, về người mẹ đẻ đã mất, về người mẹ mới mà trong các câu chuyện cổ tích thường gọi là dì ghẻ.


Với suy nghĩ của một cậu bé, A-li-ô-sa tin rằng mẹ của ba đứa trẻ kia sẽ trở về, sẽ sống lại nhờ nước phép. Cậu kể cho những đứa trẻ về các câu chuyện cổ tích của bà ngoại khiến chúng lặng yên, chăm chú nghe. Bỗng “một ông già với bộ ria trắng, mình vận chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt như của thầy tu, đầu đội chiếc mũ xù lông” đến và dọa A-li-ô-sa: “Cấm không được đế nhà tao”. Đó là đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp. Ông nắm chặt vai cậu bé A-li-ô-sa khiến cậu “sợ đến phát khóc” nhưng chưa kịp khóc òa lên thì cậu “đã ở ngoài đường rồi”.


Ngỡ tưởng bọn trẻ vì sự dọa nạt của người lớn mà trở nên cách biệt nhưng chúng vẫn chơi với nhau và cảm thấy rất vui thích. A-li-ô-sa đã “khoét một lỗ hổng hình bán nguyệt” ở hàng rào để nói chuyện với lũ trẻ. Chúng “ngồi xổm hoặc quỳ xuống nói chuyện khe khẽ với nhau” và một trong ba đứa trẻ kia phải đứng canh để đề phòng sự xuất hiện của người bố. Câu chuyện của những đứa trẻ xoay quanh cuộc sống buồn tẻ của chúng, chuyện về những con chim đang sống như thế nào và “nhiều chuyện trẻ con khác”.


A-li-ô-sa kể cho chúng nghe những truyện cổ tích của bà, khi nào quên cậu lại chạy về hỏi bà kiến ba đứa trẻ rất thích thú. Chúng “ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con”. Thằng anh lớn thì mỉm cười, thằng bé nhất thì “mím chặt môi và phồng má lên, còn thằng kia thì chống khuỷu tay lên đầu gối, tay kia quàng lên vai em nó ấn em nó cúi xuống” để tránh sự bắt gặp của người bố. Khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo không thể ngăn cách tình bạn keo sơn, sâu sắc của những đứa trẻ. Chúng gắn bó với nhau bằng những gì hồn nhiên, trong sáng nhất. Tình bạn chân thành ấy không có sự hà khắc nào chia rẽ được.


Không chỉ làm nổi bật tình bạn của những đứa trẻ, đoạn trích này còn khắc họa hình ảnh người bà ngoại hiền từ của A-li-ô-sa. Những truyện cổ tích bà kể là nền tảng vững chắc để Go-rơ-ki có được sự nghiệp văn học đồ sộ, trở thành nhà văn nổi tiếng được nhiều thế hệ bạn đọc thế giới biết đến. Tuy không được nhà văn miêu tả chi tiết nhưng chúng ta có thể cảm nhận được bà là một người nhân hậu và rất yêu thương cháu.


Câu nói của thằng lớn nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp nói cũng là lời khẳng định của tác giả: “Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt”. Bà luôn là người yêu thương, gần gũi, chăm sóc các cháu một cách chu đáo nhất. Chính bà cũng là người đưa cháu đến với thế giới cổ tích, những câu chuyện thấm đượm tính nhân văn và tình người cao đẹp. Câu nói của thằng lớn khiến A-li-ô-sa thấy “dường như nó đã sống trên trái đất này một trăm năm chứ không phải mười một năm”.


Đoạn trích này nằm trong cuốn tiểu thuyết tự thuật được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” khiến câu chuyện trở nên chân thật và vô cùng hấp dẫn. Những gì xảy ra trong tác phẩm cũng là những gì mà tác giả Go-rơ-ki trải qua vì đặc trưng của thể loại này là nhà văn tự kể chuyện về cuộc đời của mình.


“Những đứa trẻ” có sự kết hợp của các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận và các yếu tố li kì tạo được hứng thú nơi bạn đọc. Sự đan xen giữa những câu chuyện đời thường và những câu chuyện cổ tích về người mẹ, người bà đã tạo nên một không gian truyện đầy chất thơ và thấm đẫm tình người.


Bằng lối kể chuyện giàu hình ảnh, nhà văn đã tái hiện lại sinh động tình bạn thân thiết thời thơ ấu của ông với những đứa trẻ nhà hàng xóm vượt qua những khoảng cách xã hội, sự ngăn cấm của gia đình để gắn bó với nhau. Mác-xim Go-rơ-ki đã mang đến cho bạn đọc những trang văn tuyệt vời. Qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm phần nào về cuộc đời, bản thân con người của nhà văn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy