Bài văn phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Chiều tối" số 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc, Người không con mà có triệu con. Bác là người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người mở ra con đường cứu nước cho dân tộc không chỉ vậy Bác còn là một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn chương. Tiêu biểu là tập thơ “Nhật kí trong tù”, “tập thơ đã tỏa ra ánh sáng của bậc đại nhân, đại trí, đại dung” được sáng tác trong khoảng thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Nổi bật trong 134 bài thơ ấy là bài thơ số 31 “Mộ” (Chiều tối) mang đậm vẻ đẹp cổ điển và hiện đại được kết hợp hài hòa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt của tác phẩm.


“Chiều tối” được sáng tác khi Bác bị thiên chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo vào cuối năm 1942. Vẻ đẹp khung cảnh thiên nhiên miền sơn cước cùng với tâm hồn, tâm trạng thi nhân là tiền đề để Bác sáng tác bài thơ mang nhiều giá trị sâu sắc và đặc trưng nghệ thuật vừa cổ điển vừa hiện đại.


Vậy thế nào là vẻ đẹp cổ điển? Đó là sự tuân thủ các đặc trưng của thi pháp văn học trung đại nó mang tính quy phạm, tuân theo một quy luật, một khuôn mẫu có sẵn, sử dụng các điển tích, điển cố, bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình…nói chung với sự tuân thủ đó nó hạn chế sáng tạo cá nhân nhưng lại mang nét đẹp cổ kính, trang nhã. Còn vẻ đẹp hiện đại là sự phá vỡ tính quy phạm, cách tân nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo và cái tôi cá nhân của tác giả, mang xu hướng bình dị trả văn học về với hiện thực cuộc đời, gần gũi trong cuộc sống.


Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ trước hết được thể hiện ở ngôn ngữ và thể thơ. Tác giả sáng tác bằng Hán, sử dụng thể thất ngôn tứ tuyệt chỉ với bốn câu thơ bảy chữ, ý thơ bị dồn nén trong câu từ nhưng đã thực sự vẽ lên được bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người nơi đây. Nét cổ điển trong cảm hứng sáng tác. Chiều về là khoảng thời gian đượm buồn đối với những người xa quê, nó khiến cho con người ta khắc khoải nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Ta đã từng bắt gặp nỗi nhớ ấy trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” của bà Huyện Thanh Quan, hay nhà thơ Thôi Hiệu nhìn thấy khói sóng trên sông lúc hoàng hôn mà bâng khuâng: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Ở đây nhà thơ cũng vậy, Hồ Chí Minh lấy cảm hứng chiều hoàng hôn nơi đất khách quê người mà thể hiện tình cảm của mình.


Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại được quyện vào nhau thể hiện xuyên suốt trong toàn bài ở từng hình ảnh thơ. Trước hết là ở hai hình ảnh nổi bật của thiên nhiên với bút pháp chấm phá điểm nhãn, ước lệ tượng trưng. Đó là cánh chim mỏi và chòm mây cô đơn:


“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)


Hai hình ảnh đặc tả thời gian, không gian lúc chiều tà rất quen thuộc. Cánh chim ấy, đám mây ấy đã từng xuất hiện trong thơ của Lí Bạch: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ hàn”. Tuy nhiên cánh chim của Hồ Chí Minh không bay vút vào trong trời xanh mà nó vận động trong khoảnh khắc mỏi mệt sau một ngày vất vả muốn tìm chốn nghỉ. Với bút pháp đường thi nhà thơ đã dùng cái hữu hạn của cánh chim để nói cái vô hạn mênh mông, bao la của bầu trời. Cánh chim ở đây cũng mang nét hiện đại đó là cánh chim bay có phương hướng, có mục đích và điểm dừng rõ ràng, cánh chim không chỉ được tả ở bên ngoài mà còn được cảm nhận từ bên trong là chim mỏi mệt tạo nên nét riêng của Hồ Chí Minh. Hình ảnh thứ hai là chòm mây cô đơn nhưng trong bản dịch chưa thể hiện được từ “cô” chỉ tâm thế tồn tại cô đơn, cô độc.


Ta đã từng bắt gặp đám mây trong thơ Thôi Hiệu: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” hay đám mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến. Chỉ với hai hình ảnh là linh hồn của thiên nhiên tác giả không hề sử dụng một từ nào nhắc đến buổi chiều nhưng đã gợi ra được không gian, thời gian với nét đẹp bình dị, yên ả lúc chiều tà. Nhà thơ sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình trong thơ ca trung đại. Nói về cảnh vật bên ngoài nhưng thực chất là thể hiện tâm trạng bên trong con người ẩn sau lớp ngôn từ cần được giải mã. Hồ Chí Minh tả cánh chim mỏi phải chăng sau một ngày tù lê bước chân đi Bác cũng đã thấm mệt, cũng mong muốn được dừng chân nghỉ ngơi, muốn được tự do như cánh chim ấy. Tả chòm mây cô đơn, trôi chầm chậm trên bầu trời cũng là để gợi thân phận, hoàn cảnh của bản thân đang cô độc, băn khoăn không biết đi đâu về đâu. Dù chân dung người tù không được nhắc đến nhưng ta vẫn thấy hiện lên tư thế ung dung, phong thái tĩnh tại không hề có chút mệt mỏi, buồn bã, bất lực. Phải là một con người yêu thiên nhiên vô cùng dù ở trong lúc chân xiềng xích vẫn có thể bình thản ngắm nhìn từng khoảnh khắc vận động của cảnh vật. Người cũng phải có một nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh cá nhân mới có thể ung dung trong tư thế, tự do trong tâm hồn đến vậy. Xiềng xích, gông cùm có thể giam cầm thể xác nhưng không thể trói buộc được thế giới tinh thần của Người.


Nét cổ điển và hiện đại còn được thể hiện ở hai câu thơ cuối miêu tả cuộc sống và con người miền sơn cước. Ở đây tập trung chủ yếu là nét đẹp hiện đại khi ngòi bút của Bác hướng đến sự vận động trong cuộc sống đời thường của con người:


Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.


“Cô em” trong bản dịch dường như nó làm mất đi sự trân trọng mà Bác dành cho người lao động và chưa thể hiện được đúng nghĩa của từ “thiếu nữ” trong nguyên tác. Nét cổ điển được thể hiện ở bút pháp vẽ mây nảy trăng, lấy ánh sáng để tả bóng tối. Trong nguyên tác chữ Hán không hề nhắc đến từ tối nhưng vẫn gợi ra cho người đọc thấy được đêm tối đang bao phủ với hình ảnh bếp lửa sáng rực, tuy nhiên trong bản dịch thơ cho thêm từ “tối” làm mất đi sự thú vị của ý thơ. Hình ảnh thiếu nữ đang lao động trong đêm với công việc nặng nhọc, vất vả được thể hiện qua nghệ thuật điệp vòng cấu trúc ở cuối câu ba, đầu câu bốn cho thấy sự kết thúc một công việc lại mở ra một công việc mới trong sự vận động lặng lẽ của thời gian từ chiều cho đến đêm tối. Con người hiện lên trên bức tranh thiên nhiên trong thơ xưa thường là những người thuộc tầng lớp thượng lưu ít có hình ảnh nào lại bình dị như trong bài thơ của Bác. Chính con người lao động ấy đã làm rực sáng lên trong không gian tĩnh lặng, u tối. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ được nhiều ý kiến cho rằng đó là nhãn tự, là con mắt thơ trong toàn bài, nó tỏa lên ánh sáng của hiện thực, ánh sáng của tương lai.


Qua đó cho thấy sự đồng cảm, thương xót của Bác dành cho cuộc sống con người cơ cực, vất vả. Tình cảm ấy Bác không chỉ dành cho người nông dân Việt Nam mà nó bao la, rộng lớn dành cho tất cả những người lao động trên thế giới. Hoài Thanh đã nhận xét: “Một hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta nhưng thường nó vẫn trôi qua đi. Không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc không thể nào ghi lại được”. Tấm lòng yêu đời thương người của Bác mênh mông, sâu sắc đúng như Tố Hữu đã từng nói: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” nó đối lập hoàn toàn với câu nói của Nam Cao “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác” làm nên giá trị nhân văn cao đẹp trong phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh.


Để có được một bài thơ hay, giàu giá trị vừa mang vẻ đẹp cổ điển và hiện đại thi nhân ắt hẳn phải là một con người tài năng và am hiểu về văn học nghệ thuật. Có nét cổ điển là bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình trí thức, ngay từ nhỏ Người đã được đọc sách thánh hiền, thấm nhuần triết lí nho gia và tiếp thu tinh hoa nền văn học Trung Quốc. Có nét hiện đại bởi Người đã từng có 30 năm bôn ba nước ngoài học tập văn hóa, văn học phương Tây, đi đây đi đó nhiều nơi tiếp xúc với nhiều mảnh đời nhân loại làm nên bản sắc cá nhân độc đáo riêng biệt.


Như vậy bài thơ “Chiều tối” là sự thành công của việc kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và cách tân hiện đại, giữa sự rung cảm tâm hồn của thi sĩ với tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản. Tác phẩm đã để lại cho độc giả nhiều ấn tượng và suy ngẫm về phẩm chất đạo đức của Người.

Bài văn phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ
Bài văn phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Chiều tối" số 8
Bài văn phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ
Bài văn phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Chiều tối" số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy