Bài văn phân tích vẻ đẹp nhân vật cô Hiền trong "Một người Hà Nội" số 10
Nguyễn Khải bắt đầu viết văn từ năm 1950 cho đến những năm đầu thế kỉ XXI hôm nay. Trước đây, truyện ngắn Nguyễn Khải là cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, đơn chiều, nhà văn luôn khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập cũ - mới, tiến bộ - lạc hậu, tốt - xấu, ta - địch... qua đó khẳng định xu thế vận động từ bóng tối ra ánh sáng của cuộc sống mới, con người mới.
Bước sang thời kì đổi mới, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khải là một cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm, cảm nhận hiện thực xô bồ, hối hả, đầy biến động, đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc, chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội, lấy việc khám phá con người làm trung tâm. Nhà văn nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và sự tiếp nối thế hệ, để rồi cuối cùng bao giờ cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Một người Hà Nội là truyện ngắn tiêu biểu cho hướng sáng tác đó.
Câu chuyện có thể tóm tắt như sau. Nhân vật “tôi” giới thiệu về cô Hiền, người họ hàng, nêu ấn tượng chung về gia đình cô Hiền, một gia đình mà từ nhà cửa cho đến nghề nghiệp, ăn mặc, lối sống đều cho thấy “đích thị là tư sản”. Tiếp đó là những hồi tưởng về sự giàu sang phú quý của những người trong dòng họ cô Hiền thời trước khi hòa bình lập lại năm 1954. Sau hòa bình lập lại, nhân vật “tôi” từ chiến khu về Hà Nội. Người lính cách mạng thấy người dân Hà Nội đang thích ứng dần với cuộc sống mới. Cô Hiến nói về niềm vui và cả những cái có phần máy móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh. Đến thời kì đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Cô Hiền tìm việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách của chế độ mới, khéo léo chèo chống con thuyền gia đình vượt qua sóng gió.Khi miền Bắc bước vào thời kì đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ, cô Hiền dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng với bản chất người Hà Nội. Người con trai đầu của có tình nguyện đi bộ đội đánh Mĩ. Người em kể cùng làm đơn tòng quân theo anh, nhưng vì thi đại học đạt điểm cao nên trường giữ lại. Cho đến khi đất nước tràn đầy niềm vui với đại thắng mùa xuân năm 1975, vợ chồng nhân vật “tôi” đến dự buổi liên hoan mừng Dũng, người con đầu của cô Hiền, trở về. Câu chuyện cảm động của Dũng về Tuất, người đồng đội đã hi sinh và người mẹ của Tuất, một người mẹ Hà Nội có con đi chiến đấu chống Mĩ. Xã hội trong thời kì đổi mới với đủ cái phải - trái, tốt - xấu. Nhân vật “tôi” từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác, ghé thăm cô Hiền. Giữa không khí xô bồ của thời kì kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn. Từ chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, cô Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhân vật trung tâm của truyện ngắn là cô Hiền, một người Hà Nội bình thường. Cũng như những người Hà Nội bình thường khác, cô đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua nhiều biến động thăng trầm nhưng vẫn giữ được cái cốt cách người Hà Nội, cái bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội. Cô sống thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm quan điểm, thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh. Trước niềm vui kháng chiến thắng lợi, miền Bắc bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, cô nhận xét: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”. Theo cô, chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gãi yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công xá cho kẻ ăn người ở. Không hề lãng mạn, viển vông, cô là người có đầu óc rất thực tế. Cô tính toán mọi việc trước sau rất khôn khéo và đã tính là làm, dù làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ.
Thời son trẻ, cô giao du với đủ loại thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ văn nhân, nhưng khi phai làm vợ làm mẹ, cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, cô sinh năm đứa con, đến cô con gái út, cô nói với chồng: “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị”. Cô bảo ban, dạy dỗ con cháu cách sống làm một người Hà Nội lịch sự, tế nhị, hào hoa, biết giữ gìn phẩm chất, giá trị của người Hà Nội, cô dạy từ những việc làm nho nhất, ngồi vào bàn ăn cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn đến cái lớn nhất là quan niệm sống, lẽ sống: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng... Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ.,.”.
Như mọi người khác, cuộc đời cô Hiền song hành cùng những chặng đường dài, nhưng biến động lớn lao của đất nước. Ở đây, lịch sử dân tộc đã được soi sáng qua số phận, cách ứng xử của từng cá nhân. Là một con người, cô Hiền luôn giữ gìn phẩm giá, nhân cách; là một người công dân, cô chỉ làm những gì có lợi cho đất nước, vì vận mệnh sống còn của đất nước. Xuất phát từ lí tưởng cao đẹp xây dựng một xã hội nhân ái, không có cảnh người bóc lột người, chế độ mới chỉ trân trọng sự lao động sáng tạo của từng người, không chấp nhận hiện tượng ông chủ và kẻ làm thuê, vì thế sau hòa bình lập lại ở miền Bắc mới có chính sách cải tạo tư sản. Mặc dù có bộ mặt rất tư sản, cách sống rất tư sản, nhưng cô Hiền không phải học tập, cải tạo vì cô không bóc lột ai cả.Cô mở cửa hàng bán đồ lưu niệm và tự tay làm ra sản phẩm: Hoa làm rất đẹp, bán rất đắt:., chỉ có một mình cô làm, các em thì chạy mua vật liệu... Cô không đồng ý cho chồng mua máy in và thuê thợ làm chỉ vì cô muốn góp phần vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để nhanh chóng khôi phục đất nước sau chiến tranh.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, cô vô cùng thương con, lo lắng cho con nhưng sẵn sàng cho con ra trận như những thanh niên khác và mình cũng được vui buồn lo âu như nhưng bà mẹ Việt Nam khác. Trước việc đứa con đầu tình nguyện xin đi đánh Mĩ, cô nói: “Tao đau đớn mà bằng lòng vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Ba năm sau, đứa em theo bước anh, cũng đòi vào chiến trường, cô bày tỏ thái độ của mình: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó... Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”. Suy nghĩ bình dị như thế của cô Hiền là suy nghĩ của một người thiết tha yêu nước.
Vì sao tác giả cho cô Hiền là một hạt bụi vàng của Hà Nội? Nói đến hạt bụi là người ta nghĩ đến một vật rất nhỏ bé, tầm thường, ít ai nhận thấy, nghĩa là chẳng có giá trị gì. Có điều, là hạt bụi vàng thì dù rất nhỏ bé nhưng lại mang giá trị quý báu. Nhiều hạt bụi vàng hợp lại sẽ thành ánh vàng chói sáng, cô Hiền là một người Hà Nội bình thường, vô danh, nhưng ở cô thấm sâu những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội; những người Hà Nội như cô đã là những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội, tất cả đang bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng. Ánh vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống, cốt cách người Hà Nội, Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Hà Nội văn hiến ngàn năm.
Nguyễn Khải có giọng điệu trần thuật rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã, vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí, vừa đậm tính đa thanh, ở đây tác giả hoàn toàn nhập thân vào nhân vật “tôi” để diễn tả, kể lại những gì mà mình đã chứng kiến, đã trải qua, đã nghiệm thấy. Chính cái chất tự nhiên, dân dã đã tạo nên phong vị hài hước rất có duyên trong giọng điệu trần thuật của nhân vật “tôi”, chẳng hạn: “Trong lí lịch cán bộ tôi không ghi tên cô Hiền. Họ thì xa, bắn súng đại bác chưa chắc đã tới, huống hồ còn là bà tư sản, dính líu vào lại thêm phiền...”. Có thể nói, giọng điệu trần thuật như thế đã làm cho truyện ngắn Nguyễn Khải đậm đặc chất tự sự rất đời thường mà hiện đại.
Bên cạnh đó, nhà văn tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật “tôi” với các nhân vật khác cũng là cách để khám phá, phát hiện tính cách các nhân vật. Những cuộc gặp gỡ gắn với những thời đoạn khác nhau của hiện thực đất nước: sau hòa bình lập lại 1954, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, rồi nhiều năm dù trôi qua, đất nước bước vào thời kì đổi mới... theo đó mà miêu tả sự vận động của tính cách cô Hiền. Ngôn ngữ các nhân vật cũng góp phần khắc họa sâu sắc tính cách từng nhân vật. Chẳng hạn, cô Hiền có đầu óc thực tế, tư duy lôgic, cách nói cùa cô ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát; đây là cuộc đối thoại của cô với ông chồng đang định mua máy in để kinh doanh; “Ông có đứng máy được không?”; “Không.”, “Ông có sắp chữ được không?” “Không.”. “Ông sẽ phải thuê thợ chứ gì. Đã có thợ tất có chủ, ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à”.
Bằng nghệ thuật khắc họa lịch sử qua số phận cá nhân và nêu bật phẩm chất con người Hà Nội, con người Việt Nam, Nguyễn Khải đã thành công trong giọng điệu trần thuật, cách xây dựng nhân vật trung tâm là cô Hiền. Cũng qua cuộc đời cô Hiền, người đọc cảm nhận được lối sống, bản lĩnh văn hóa của một người Hà Nội sắc sảo, nhạy bén, luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh và vẫn giữ được phẩm giá của mình.