Bài văn tả ông số 6
Trong gia đình, ngoài bố và mẹ thì ông nội là người mà em kính yêu nhất. Ông luôn yêu thương em và dạy em rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Năm nay ông đã bước vào tuổi bảy mươi, một độ tuổi mà người ta thường nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Em không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, nhưng em biết chắc chắn rằng tuổi ông đã già, một độ tuổi tương đối hiếm của người đời. Mái tóc ông đã bạc phơ, có lẽ ông đã tắm gội nước thời gian nhiều quá. Tuy tóc bạc nhưng mái đầu rất đẹp bởi ông luôn cắt tóc cao và chải gọn gàng. Mái tóc bạc phơ ấy rất hợp với khuôn mặt hiền từ của ông.
Khi ông mặc bộ bà ba màu xám, trông ông thật giống ông tiên nhân đức trong truyện cổ tích, ông tiên hay giả người phàm để thử lòng dạ con người, vẻ hiền từ, nhân hậu của ông không chỉ thể hiện trên khuôn mặt mà còn hiện rõ trong ánh mắt. Đôi mắt ông không còn tinh anh nhưng ẩn trong đôi mắt ấy một cái gì đó khác lạ với nhiều người mà em thường gặp. Có lẽ đó là sự bao dung, rộng lượng, lòng nhân ái khôn cùng.
Mỗi khi ông mỉm cười, đôi mắt ông dịu hiền khó tả, hàm răng đã bị mai một bởi tuổi già cũng lộ ra. Hàm răng mất đi mấy chiếc nên cái miệng ông hơi móm mém khi nói, khi cười. Và nụ cười của ông cũng toát lên vẻ hiền từ, nhân hậu. Điều đáng chú ý nhất là đôi bàn tay ông - một đôi tay khéo léo. Bàn tay gầy gầy, xương xương và chai sần nhưng ông làm đâu ra đấy. Ông thường đan lát những đồ dùng bằng tre để bố mẹ em có cái sử dụng. Những lúc khỏe, ông vun xới cây trồng, chăm bón từng cây con. Bởi vậy, cây trái trong vườn nhà ông em lúc nào cũng xanh tốt, sum suê.
Những ngày thơ ấu, em thường quấn quýt bên ông. Bố mẹ em đi làm xa, em ở nhà với ông, đòi ông kể chuyện, hát ru. Giọng nói của ông thật ấm, nó như một âm thanh không thể không vang vọng trong em. Em nhớ nhất từng lời kể chuyện ngọt ngào mà ông chậm rãi kể cho em nghe. Em lại nhớ từng thao tác làm việc của ông trong vườn nhà. Có lần em đã nói với ông khi chăm chú nhìn ông cần mẫn làm việc:
- Ông ơi, ông có “đôi tay vàng” đấy ạ!
Ông mỉm cười nhìn em, một nụ cười trìu mến vô cùng. Ông cứ cần mẫn làm việc, hết vun xới gốc cho cây này lại tỉa cành khô lá úa cho cây nọ. Rõ ràng, ông rất thích làm việc, ít muốn nghỉ ngơi. Tuy tuổi cao lại luôn làm lụng trong vườn nhưng ông luôn quan tâm đến con cháu, ông nhắc nhở từng công việc làm của bố và mẹ em, ông quan tâm đến bữa ăn và giấc ngủ của em, quan tâm đến cả việc học hành.
Mỗi khi em đạt điểm mười, ông thật vui, thật hài lòng, ông thường dạy em những điều hay, lẽ phải, ông nhắc bố em cách đối nhân xử thế, cách sống với họ hàng, với bà con làng xóm. Ông luôn gần gũi với con cháu, gần gũi với láng giềng, coi trọng tình làng nghĩa xóm, luôn giúp đỡ những người nghèo, quan tâm đến người có hoàn cảnh khó khăn.
Sự quan tâm ấy của ông đã làm ông không ngần ngại khi tham gia công tác của Hội người cao tuổi, Hội khuyến học ở phường. Ông luôn dành những phần quà cho trẻ em nghèo, những phần thưởng cho những học sinh vượt khó học giỏi. Ai cũng nói ông đặc biệt quan tâm đến trẻ thơ. Tấm lòng nhân hậu của ông đã làm cho tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên.
Ông là chỗ dựa tinh thần cho em, chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Nhờ có ông, gia đình em luôn vui vẻ và đầm ấm. Em kính yêu ông vô hạn. Em quyết chăm ngoan, học giỏi, để sau này trở thành người “hiền tài” như sự mong đợi của ông.