Bài văn tham khảo số 1
Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách tài ba, người anh hùng cứu quốc mà còn là một nhà văn lớn của dân tộc. Người đã để lại một di sản văn học với số lượng đồ sộ, có giá trị sâu sắc. Trong đó, tác phẩm chính luận Tuyên ngôn độc lập được coi là áng văn bất hủ, kết tinh những tư tưởng tài năng tâm huyết của Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã tuyên bố với toàn thế giới về nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam vì thế mà nó không chỉ mang ý nghĩ văn chương mà còn mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.
Cuộc cách mạng tháng Tám hoàn toàn thắng lợi nhân dân ta giành được chính quyền. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới trước hàng chục vạn đồng bào. Đây là bài tuyên ngôn có ý nghĩ vô cùng sâu sắc đánh dấu một sự kiện lớn của đất nước. Về mặt lịch sử, bản tuyên ngôn độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỉ nguyên của độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là kết quả sau bao nhiêu năm chiến đấu “đánh đổ chế độ phong kiến hàng mấy mươi thế kỷ, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp hơn 80 năm”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là thời khắc thiêng liêng huy hoàng đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. Bản tuyên ngôn độc lập không chỉ thể hiện một cách hùng hồn khát vọng, ý chí sức mạnh Việt Nam, mà còn là sự khẳng định tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền không ai có thể xâm phạm được. So với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất( Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt) và bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai (Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi) thì bản tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh đã vươn lên một tầm cao mới ở tầm vóc hướng ra thế giới trên tinh thần dân chủ tự do có kết hợp với truyền thống yêu nước.
Trong không khí phấn khởi của cuộc chiến thắng lớn đó, bản tuyên ngôn lại càng trở nên cần thiết nó như một văn kiện để tuyên bố chắc chắn với những người dân suốt đời sống trong sự áp bức bóc lột rằng cuộc sống của họ đã khác, từ nay sẽ được tự do được sống một cuộc đời thực sự. Vậy nên ngay trong phần mở đầu bản tuyên ngôn đã là lời kêu gọi đồng bào và lời trích dẫn bản tuyên ngôn của hai nước lớn trên thế giới vừa có dụng ý đặt nước ta sánh ngang cùng với các cường quốc vừa để cho mọi người thấy rõ quyền lợi chính đáng mà mình được có là được tự do làm chủ cuộc đời chứ không phải là sự cam chịu làm nô lệ để người khác áp bức. Sau phần mở đầu đầy hào hứng mà cương quyết đó Bác đã tổng kết lại toàn bộ quá trình lịch sử của dân tộc bằng lời văn ngắn gọn mà xúc tích rõ ràng. Trước hết là tội ác của thực dân Pháp, chúng mượn cớ bảo hộ nhưng thực chất là cướp đoạn của cải, đồng hóa nhân dân ta làm cho dân ta sống trong khổ cực ngu dốt bằng cách thi hành những luật pháp dã man ở trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa giáo dục. Khi Nhật đến chúng không hề làm đúng với trách nhiệm đã nói là bảo vệ dân tộc ta mà trước thế lực lớn mạnh đó chúng giao nước ta cho Nhật để họ mặc sức cướp bóc. Bác đã chỉ rõ thực dân pháp “hai lần bán nước ta cho Nhật” làm dân ta đã khổ lại càng khổ hơn.
Bên cạnh tội ác của thực dân Pháp đã gây ra bao đau thương cho dân tộc là sự đấu tranh vươn lên không bao giờ khuất phục của nhân dân ta. Trước nạn đói khủng khiếp làm hơn hai triệu người chết dân ta đã vươn lên mạnh mẽ giành chính quyền từ quân Nhật hung hãn và sự cản trở của Pháp. Ta đã tự đấu tranh để giành chính quyền phá bỏ vòng xiềng xích áp bức của cả Nhật và Pháp. Bên cạnh đó khi giành được chính quyền nhân dân ta vẫn khoan dung bác ái khi giúp nhiều người Pháp trốn thoát để về quê hương.
Không chỉ có giá trị to lớn về mặt lịch sử, bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có giá trị vô cùng ý nghĩa về mặt văn chương. Tác phẩm ngắn gọn chưa tới một nghìn chữ nhưng rất chặt chẽ và hoàn chỉnh. Với lời văn đanh thép, lý lẽ thuyết phục, chứng cứ rõ ràng Bác đã nêu bật sự giả dối và tội ác dã man của thực dân Pháp đồng thời khẳng định mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của dân tộc ta. Tác phẩm nhờ đó vừa đảm bảo tính đúng đắn của một văn bản chính luận vừa mang những nét độc đáo của một tác phẩm văn chương lớn.
Về kết cấu, bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt với mỗi phần một ý nghĩa và liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong phần một Hồ Chí Minh đã nêu lên những chân lý về nhân quyền và dân quyền để làm cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn. Phần này bác đã nêu hai bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn của cách mạng Pháp năm 1971 để khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người đều được có: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn này, Bác đã đặt bản tuyên ngôn độc lập của ta ngang hàng với bản Tuyên ngôn của các nước như lớn như Pháp, Mỹ. Từ đó khẳng định quyền được sống tự do của mỗi con người nâng lên thành quyền được hưởng tự do của mỗi dân tộc.
Phần thứ nhất đã làm nền cho phần thứ hai của bản tuyên ngôn. Trong phần thứ nhất Bác khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc là quyền được sống, được tự do độc lập và mưu cầu hạnh phúc. Ở phần thứ hai của bản tuyên ngôn Bác đã chỉ rõ tội ác của bọn thực dân Pháp đã gây ra cho đất nước ta, nhân dân ta. Hành động của chúng thật dã man vô nhân đạo đi ngược lại tinh thần của bản tuyên ngôn dân nhân quyền và dân quyền trong cuộc cách mạng của chính nước họ. Đối lập với sự xảo trá độc ác đó là tinh thần nhân đạo yêu độc lập tự do và tinh thần quyết tâm giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Đến phần cuối cùng Bác nói về kết quả của tinh thần yêu nước yêu độc lập của dân tộc ta và tuyên bố trịnh trọng với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập sự thật đã thành một nước tự do độc lập".