Top 4 Bài văn sáng tỏ ý kiến hình tượng người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người" mà nhà văn tìm kiếm

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài văn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài văn tham khảo số 3
  4. top 4 Bài văn tham khảo số 4

Bài văn tham khảo số 4

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút có tầm ảnh hưởng của văn học Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu đổi mới. Bằng chính những trải nghiệm trong quá trình chiến đấu, cũng như được sống trong những năm đất nước vừa đi qua chiến tranh, nên nhà văn có những cái nhìn thực tế, mới mẻ, để đưa vào từng tác phẩm của mình những câu chuyện chân thực, nhiều sức hút, bởi tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ, nghệ thuật tiến bộ, có chiều sâu. Đặc biệt là khi viết về vấn đề số phận con người, những mảnh đời nhỏ bé trong xã hội, suy nghĩ về đạo đức thế sự, dường như ngòi bút của Nguyễn Minh Châu lại càng tỏa sáng mạnh mẽ, với nhiều tác phẩm ấn tượng như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Khách ở quê ra, Bến quê,… Mỗi một câu chuyện là một nhân vật với những hoàn cảnh, số phận khác nhau, và điểm chung là đều mang đến cho người đọc những trăn trở suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, về những nghịch lý vẫn thường xảy ra trong cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong số những tác phẩm xuất sắc và sáng giá nhất của Nguyễn Minh Châu, với nhân vật trung tâm là người đàn bà làng chài có số phận bất hạnh, vẻ ngoài xấu xí, tuy nhiên lại có “hạt ngọc tâm hồn” đẹp đẽ, khai mở cho độc giả những trường suy tư mới về mỗi số phận con người.


Người đàn bà làng chài xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, ấy là trong một cuộc bạo lực gia đình, mà chị là nạn nhân, một nạn nhân im lặng chịu đựng, nhẫn nhục hứng cơn mưa đòn roi từ gã chồng vũ phu. Nguyễn Minh Châu đã phác họa nên một hình tượng nhân vật tiêu biểu cho nhiều số phận phụ nữ sống tại miền biển nhiều nắng và gió, chị không có một cái tên cụ thể, tuổi trạc tầm 40 mươi, đã đi quá phân nửa cuộc đời, thân hình cao lớn, thô kệch, tấm áo bạc phếch và rách rưới, “khuôn mặt mệt mỏi vì thức trắng sau một đêm thức kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”.


Đi sâu vào cuộc đời người phụ nữ này ta mới thấy chị đã có một chặng đường đầy khó khăn và vất vả, những bước chân nặng nề, mệt nhọc lội qua bãi phá, đi thật xa khỏi con thuyền để cho người chồng xả giận, tất cả đều có những nguyên nhân thật xa xôi. Ngày còn trẻ chị cũng là con gái nhà khá giả, có cuộc sống êm đềm, nhưng thật bất hạnh thay một cơn đậu mùa đã để trên khuôn mặt chị những nốt rỗ xấu xí, cùng với vóc dáng cao lớn thô kệch, mà đối với người phụ nữ sinh ra với ngoại hình không mấy xinh đẹp là một trong những thiệt thòi, cũng là khởi nguồn của nhiều đau khổ. Chính vì lẽ đó khi lớn lên chị đã phải chịu cảnh quá lứa lỡ thì vì không lấy được chồng, mãi về sau mới nên duyên với anh thợ kéo lưới, chính là người chồng hiện tại. Thế nhưng vì chiến tranh, cuộc sống của hai vợ chồng lại càng trở nên khó khăn, đến khi hòa bình lập lại, thì gia đình người đàn bà làng chài vẫn chưa thoát khỏi cái cảnh nghèo đói chỉ vì nhà đông con quá, mà thuyền lại chật, có những tháng ròng biển động cả gia đình phải ăn cả xương rồng chấm muối.


Sự bất hạnh của người đàn bà hàng chài ngoài sự thiếu thốn về vật chất, lam lũ suốt mấy chục năm dài còn nằm ở những nỗi thống khổ trong tâm hồn. Chị phải liên tục gánh chịu sự dày vò, bạo hành của người chồng vũ phu cùng với những lời nói cay nghiệt, độc ác thốt ra từ người đàn ông đã đi cùng chị hơn nửa cuộc đời, đã có với nhau hàng chục mặt con. Có thể nói rằng cuộc đời người đàn bà làng chài là chất chứa đến hàng vạn nỗi đau, sự bất hạnh chồng chất, thế nhưng bên trong cái vỏ xấu xí, khắc nghiệt và nhiều khổ đau ấy, ta mới lại thấy được những vẻ đẹp phẩm chất đáng quý, đáng ngưỡng mộ, mà không ngỡ được rằng một con người bị dày vò cả về thể xác lẫn tâm hồn kia vẫn còn gìn giữ được vẹn nguyên và trong sáng đến thế.

Vẻ đẹp đầu tiên và sáng rõ nhất của người đàn bà làng chài ấy là tình mẫu tử thiêng liêng, sâu đậm với những đứa con của mình. Cả Phùng và Đẩu dường như tức điên vì sự vô lý rành rành khi người đàn bà làng chài van xin để không phải ly hôn với người chồng vũ phu. Thế nhưng chỉ đến khi chị rũ bỏ vẻ rụt rè, ngại ngùng để tâm sự về cuộc đời mình, người ta mới hiểu được, có những thứ không phải cứ muốn là được và trên cuộc đời này không phải lúc nào công lý và pháp luật cũng có thể giải quyết hết bất hạnh cho con người. Người đàn bà làng chài không sống vì mình, chị sống vì những đứa con mà chị đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, chúng nó đều đang tuổi ăn, tuổi lớn, đang trông chờ bàn tay lao động của cha mẹ, mang về cho chúng miếng cơm manh áo để trưởng thành. Chị mở lòng bằng câu nói khiến cả hai người đàn ông đang hùng hổ muốn đòi công bằng cho chị phải nín lặng “các chú đâu phải người làm ăn…cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”.

Gia đình chị dựa vào việc đánh bắt để kiếm sống thế nhưng một mình chị là phận đàn bà làm sao chèo chống nổi, chính vậy chị cần một người đàn ông làm trụ cột để gồng gánh những ngày biển động bão bùng. Dù rằng cái kẻ vũ phu ấy có làm tổn thương chị, thế nhưng hắn vẫn ra sức lao động, cùng chị nuôi các con, nếu không có chồng rồi chị biết làm sao để nuôi hơn chục đứa con lớn, nhỏ của mình. Không chỉ thế, chị chấp nhận cay đắng để sống với người chồng vũ phu là vì muốn các con của mình có một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ, dù rằng sâu trong bản chất nó đã trở nên méo mó sứt sẹo từ lâu. Chị không muốn những đứa con của chị lớn trong ám ảnh việc cha mẹ ly hôn vì bạo lực gia đình, và trong thâm tâm của chị “cũng có những lúc gia đình vợ chồng con cái chúng tôi chung sống hòa thuận vui vẻ”. Chính lẽ đó, chị chấp nhận hy sinh, chịu đựng những trận đòn tàn nhẫn để bảo vệ cho cái tổ ấm bé nhỏ, cùng những đứa con của mình.

Tình mẫu tử của người đàn bà làng chài còn thể hiện ở nỗi lo lắng cho đứa con trai là thằng Phác, chị đã khóc khi nghe Phùng và Đẩu nhắc đến thằng bé, chị sợ nó sẽ làm ra điều dại dột với bố nó, nên đành cho nó lên ở với ông ngoại. Chị thương con, vì chính nó đã đứng ra chống lại bố để bảo vệ mẹ, một đứa trẻ bé nhỏ nhưng vì tình yêu thương mẹ sâu sắc đã sẵn sàng tổn thương người cha vũ phu để cứu mẹ khỏi những trận đòn roi tàn nhẫn. Điều đó đã để lại trong tim người đàn bà làng chài những nỗi đau, nỗi bất lực, khi mà chị đã cố gắng giấu giếm các con việc mình bị đánh bằng cách cầu xin gã chồng đem mình lên bờ mà đánh, mà trút giận, nhưng cuối cùng vẫn để cảnh tượng hãi hùng, xấu xí ấy lọt vào tầm mắt của những đứa con mà chị yêu thương hết mực. Tấm lòng yêu thương con tha thiết ấy của người phụ nữ, cũng như lời tâm sự rất mực thấu hiểu và đầy lý lẽ của chị đã khiến Phùng và Đẩu phải có cái nhìn khác, đối với độc giả sự hi sinh của người đàn bà làng chài trở thành một ấn tượng sâu sắc, khiến người ta không khỏi trăn trở suy nghĩ về trách nhiệm làm cha, làm mẹ của mỗi con người trên cuộc đời.

Không dừng lại ở đó, vẻ đẹp của người đàn bà làng chài còn hiện lên với tấm lòng bao dung, nhân hậu, thấu hiểu lý lẽ. Đối với việc bị bạo lực gia đình “năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ” từ người chồng đầu ấp tay gối, chị chỉ thuật lại bằng chất giọng bình thản, đượm buồn, chất chứa trong đó là sự cam chịu, nhẫn nhục. Chị không hề tỏ ra căm hận, giận dữ trước sự tàn nhẫn của gã chồng vũ phu, như những gì hắn đã làm với chị. Thậm chí chị đã bao dung đến độ, bào chữa cho gã chồng rằng chỉ bởi lẽ vì nghèo khổ quá, phải gánh gồng áp lực mưu sinh quá lớn, khiến cho chồng chị trở nên cục cằn, vũ phu, thành ra hắn lấy chị ra làm chỗ trút giận, bộc lộ những nỗi căm phẫn, bất lực vì quẩn quanh mãi trong cái vòng tròn nghèo đói. Rồi dù đã từng bị đánh, bị hành hạ biết bao nhiêu năm tháng, thế nhưng trong tấm lòng bao dung, nhân hậu của chị vẫn luôn nhớ mãi dáng vẻ khi trẻ của người chồng dù “cục tính nhưng hiền lành không bao giờ đánh đập tôi”, lấy nó làm nền tảng để thông cảm, giải thích cho những sự biết đổi của chồng mình, tất cả chỉ vì cái nghèo đói gây ra. Không dừng lại ở đó, người ta còn thấy tấm lòng người đàn bà làng chài thật bao la, khi sẵn sàng tự nhận hết lỗi về mình, nghĩ rằng giá mà có được chiếc thuyền rộng hơn, “giá mà tôi đẻ ít đi” thì có lẽ cuộc sống đã dễ thở hơn, và chồng chị cũng không trở nên đổ đốn, vũ phu như thế. Mặc dù những cái chị nói chẳng phải và cũng chẳng bao giờ là lỗi lầm của chị cả, thế nhưng để biện minh cho gã chồng vũ phu, chị vẫn hi sinh, tự nguyện ôm hết trách nhiệm về mình. Không chỉ vậy, một phần chị bênh vực cho chồng mình, cũng có lẽ là xuất phát từ tấm lòng ghi nhớ cái ơn nghĩa cứu vớt cuộc đời chị khi xưa của người chồng. Người đã cho chị một cuộc sống gia đình, một chỗ dựa và những đứa con mà chị yêu thương, là niềm tin là động lực để chị tiếp tục sống, tiếp tục mạnh mẽ đối diện với cuộc đời nhiều bất hạnh này.

Vẻ đẹp đáng quý của người đàn bà làng chài còn bởi sự thấu hiểu lý lẽ, tâm hồn sâu sắc dù ít học, cuộc sống quanh năm vất vả, cực nhọc. Chị hiểu tấm lòng của Phùng và Đẩu, hiểu được rằng họ muốn giành lại công bằng cho chị, tất cả chỉ vì muốn chị thoát khỏi cảnh bị bạo hành, để chị có một cuộc sống tốt hơn, nuôi con khôn lớn. Thế nhưng cả hai người đều không hiểu những nỗi vất vả của một người làm ăn trên biển, cái khó của người đàn bà trên thuyền khi không có đàn ông, chính vì vậy chị mở lòng giải thích, tâm sự bằng những lý lẽ giản đơn, mộc mạc, để tháo gỡ hết những khúc mắc trong lòng Phùng và Đẩu, để họ hiểu được vì sao chị lại nhất quyết không muốn ly hôn chồng, để tự giải thoát cho bản thân. Bên cạnh đó, chị còn là một người phụ nữ có lòng tự trọng sâu sắc, dù bị đánh những đòn roi đau đớn, nhưng chị không kêu lấy một tiếng, thấy xấu hổ, nhục nhã khi bị con trai chứng kiến cảnh mình bị đánh. Có thể thấy rằng dù sống một cuộc đời khó nhọc thế nhưng người đàn bà làng chài vẫn luôn giữ cho mình được những cốt cách, phẩm chất đáng quý, đặc biệt là sự từng trải, nhìn rõ những lý lẽ ở đời. Cũng từ đó mở ra cho người đọc những suy nghĩ về cách nhìn nhận cuộc sống, thay vì chỉ nhìn một chiều hạn hẹp, thì cần có cái nhìn đa diện nhiều chiều hơn, để có thể thấu hiểu và thông cảm cho nhiều số phận con người, thấu tỏ được những cái có lý trong hoàn cảnh nghịch lý .

Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm xuất sắc, khi phản ánh cuộc sống con người những năm tháng đất nước đang đổi mới, ở đó Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhân vật người đàn bà làng chài, với những miêu tả trần trụi, đầy tính hiện thực về một cuộc sống khó khăn, nghèo đói và cuộc hôn nhân bất hạnh, đau khổ, đầy tăm tối, sứt sẹo của người phụ nữ tội nghiệp. Nhưng càng đi sâu, người ta mới phát hiện ra được hạt ngọc tâm hồn đang ẩn chứa trong cái vỏ bọc lam lũ, xấu xí, cam chịu của người đàn bà làng chài, đó là “những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả…”. Truyện ngắn còn mang đến cho người đọc những triết lý nhân sinh sâu sắc, những quan niệm mới mẻ về cách làm nghệ thuật của người nghệ sĩ, cũng như những trăn trở suy tư về việc giải phóng con người khỏi cuộc sống nghèo đói, đầy bất hạnh bằng những cách thức khác, mà chỉ dựa vào pháp luật và công lý là chưa đủ.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 4 Bài văn sáng tỏ ý kiến hình tượng người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người" mà nhà văn tìm kiếm

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài văn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài văn tham khảo số 3
  4. top 4 Bài văn tham khảo số 4

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy