Top 6 Bài phân tích tình thu và cảnh thu trong tác phẩm "Câu cá mùa thu" của Nguyễn Khuyến hay nhất

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài văn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài văn tham khảo số 3
  4. top 4 Bài văn tham khảo số 4
  5. top 5 Bài văn tham khảo số 5
  6. top 6 Bài văn tham khảo số 6

Bài văn tham khảo số 5

Thiên nhiên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông từ bấy lâu đã trở thành nguồn cảm hứng dào dạt cho các nhà thơ trung đại với bút pháp cổ điển và những hình ảnh ước lệ, tượng trưng. Nhưng đến Nguyễn Khuyến một trong những đại diện lớn nhất và cuối cùng của văn học trung đại ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX. “Lần đầu tiên nông thôn Việt Nam mới thực sự đi vào văn học”, thiên nhiên trong hồn thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ mang những nét bình dị, giản đơn ở chốn thôn quê. Đặc biệt khi viết về đề tài mùa thu, tiêu biểu là bài thơ “Câu cá mùa thu” đã tái hiện thành công cảnh thu của làng quê Bắc Bộ, đồng thời cũng thể hiện được tình thu và tình cảm của thi sĩ ẩn sau những vần thơ. Cảnh thu trong “Câu cá mùa thu” hiện lên với những hình ảnh rất giản dị, mộc mạc của làng quê:


“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”


Không gian được mở ra trước tầm nhìn của người đọc là “Ao thu” - đặc trưng của cùng vùng quê chiêm trũng Bắc Bộ nước trong veo, nổi bật trên nền cảnh ấy là “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” càng làm cho sự nhỏ bé trở nên cô liêu, yên tĩnh. Cảnh vật của nơi đây cũng là những sự vật rất nhỏ bé với những chuyển động khẽ khàng con sóng trên mặt nước chỉ hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa trong gió. Chữ “vèo” khiến cho ta liên tưởng đến câu thơ của Trần Đăng Khoa:


“Ngoài thềm rơi cái lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”


Người đọc như cảm nhận, như chạm tay, như nhìn thấy chiếc lá đa rơi nhẹ trên thềm. Cũng như vậy hình ảnh chiếc lá vàng “rơi nghiêng” một cách duyên dáng trước gió thu. Mở rộng ra là không gian hai chiều, không gian của bầu trời. Bầu trời xanh ngắt vẫn luôn là biểu tượng đẹp của mùa thu, có lần Nguyễn Du đã từng viết:


“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”


Bầu trời thu trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến như có sự đồng nhất với nhau “Thu vịnh” là (Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao) hay trong “Thu ẩm” với (Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt). Mây trời trong “Thu điếu” không trôi mà “lơ lửng” gợi một cảnh thu đẹp và yên tĩnh như ngưng đọng lại trên khoảng không bao la, rộng lớn (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt). Không chỉ vậy mà nhà thơ còn tả chiều sâu hun hút của không gian bằng hình ảnh “ngõ trúc quanh co”. Cảnh thu được đón nhận từ các điểm nhìn khác nhau khi thì từ gần đến xa, khi thì từ trên cao, xa đến gần, đan xen giữa thực và ảo, động và tĩnh, lấy điểm tả diện, trong thơ có họa... khiến sắc thu thật sinh động, có hồn.


Màu sắc chủ đạo của mùa thu trong con mắt của thi nhân họ Nguyễn là một màu xanh của nước ao trong veo, của bầu trời xanh thẳm hay là màu xanh mướt của lá trúc ven đường điểm tô thêm sắc vàng của lá mùa thu làm cho bức tranh thu trở nên có thần in dấu trong tâm, trong trí của người đời.


Cảnh thu đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn biết bao. Tác giả đã thành công với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, khắc họa hình ảnh thiên nhiên cùng với cách gieo vần “eo” tài tình. Cách miêu tả của Nguyễn Khuyến vừa mang nét cổ điển vừa hiện đại có tính sáng tạo, mới mẻ chứa đựng tâm hồn của cảnh vật và con người, tạo nên sự hòa phối, đồng điệu giữa cảnh với người. Cổ điển trong thi liệu, đề tài và hình ảnh ước lệ như thu thiên (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt), thu thủy (Ao thu lạnh lẽo nước trong veo) và thu diệp (Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo). Nhưng những hình ảnh ấy đem đến cho cảnh thu nét vẽ hiện thực, gần gũi đời thường hơn cũng là thu thủy nhưng đó là cái ao làng của vùng quê chiêm trũng Bình Lục. Cũng là lá thu rơi nhưng nó mang cả nỗi niềm, tâm trạng u sầu của tác giả.


Ẩn đằng sau những vần thơ là tâm sự của một nhà nho, nhà thi sĩ yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc. Thời đại của Nguyễn Khuyến sống là thời đại của những rối ren khi thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt để vận mệnh dân tộc và con dân đất nước rơi vào tay giặc. Nguyễn Khuyến đã gián tiếp phê phán cái triều đình tay sai, bù nhìn trong bài “Lời người vợ hát phường chèo”:


“Vua chèo còn chẳng ra gì

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”


Chính hoàn cảnh ấy khiến cho ông một vị quan yêu nước thương dân mà bất lực trước thời thế quyết lựa chọn cho mình con đường lánh đục về trong noi gương tiền nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm:


“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”


Hai câu thơ cuối là hình ảnh người đi câu xuất hiện trong tư thế ngồi bó buông cần thả câu:


“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”


Đó cũng chính là tâm sự, là nỗi niềm thầm kín của nhà thơ trước thời cuộc. Tác giả đi câu mà chẳng chú tâm vào việc câu ngược lại đã thả hồn mình ở nơi nào để tìm sự thư thái trong tâm hồn khiến cho thi nhân giật mình trước chuyển động nho nhỏ của tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Tiếng cá đớp động chân bèo đã tiếp thêm động lực cho người điếu ngư không nản chí mà tiếp tục công việc của mình. Âm thanh ấy như đánh thức nhà Nho, nhà trí sĩ yêu nước thức tỉnh, thôi thúc ông đứng lên đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng nó cũng thật mơ hồ cũng như trăn trở trong lòng nhà thơ liệu rằng mình có thể góp sức giúp đời hay là bất hợp tác với giặc để lánh mình ẩn cư.


Với đặc trưng của văn học trung đại thơ là để bày tỏ tình cảm “thi dĩ ngôn chí”, làm thơ là mượn ngoại cảnh bên ngoài để nói tâm cảnh bên trong con người “tả cảnh ngụ tình”. Nguyễn Khuyến miêu tả bức tranh mùa thu vừa là thể hiện tài năng tuyệt bút của mình, thể hiện tình yêu thiên nhiên ông phải là một con người có cái nhìn tinh tế và những rung động thật sâu sắc trước ngoại cảnh mới có thể vẽ nên một bức tranh thu hữu tình với chất liệu ngôn từ của văn chương. Nhưng cũng vừa là để kín đáo bày tỏ nỗi buồn trong sáng nhưng cô đơn của một ẩn sĩ, tuy nặng lòng yêu nước nhưng cam phận đành bất lực trước thời thế lựa chọn cuộc sống ẩn dật.


Cảnh thu và tình thu trong bài thơ “Câu cá mùa thu” đã được thể hiện thật tài tình dưới ngòi bút của nhà thơ được xem là “bậc quán quân về tả cảnh mùa thu”. Cảnh thu của làng quê Bắc Bộ được tái hiện rõ nét với những đặc trưng riêng của nó để tác giả gửi gắm tâm sự, tình thu của lòng mình. Bài thơ cùng với những giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đã đạt đến mức cổ điển và dân tộc hóa cao độ góp phần làm phong phú thêm cho mùa thu của non nước và thơ ca Việt Nam.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Top 6 Bài phân tích tình thu và cảnh thu trong tác phẩm "Câu cá mùa thu" của Nguyễn Khuyến hay nhất

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Bài văn tham khảo số 2
  3. top 3 Bài văn tham khảo số 3
  4. top 4 Bài văn tham khảo số 4
  5. top 5 Bài văn tham khảo số 5
  6. top 6 Bài văn tham khảo số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy