Bài văn thuyết minh về cây lúa số 11
“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa và người trồng lúa cho quê hương. Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế, đồng lúa hẹn hò những mùa gặt. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay”. Bao đời nay vẫn thế, cánh đồng lúa xanh bất tận, cánh cò trắng phau phau cùng với con trâu, lũy tre làng xanh ngắt đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng của nông thôn Việt Nam, thậm chí đó chính là hình ảnh đại diện cho cả một đất nước với những người con anh hùng.
Có thể nói rằng cây lúa Việt Nam đã đóng góp một vai trò vô cùng to lớn, không chỉ trong đời sống vật chất mà còn là đời sống tinh thần của nhân dân ta ngay từ thuở các vua Hùng dựng nước, mà cho đến tận ngày hôm nay những giá trị ấy vẫn còn vẹn nguyên không hề suy chuyển.
Lúa vốn là một loài cây hoang dã, tổ tiên của nó là một loài cây dại thuộc chi Oryza trên siêu lục địa Gondwana cách đây khoảng 130 triệu năm về trước, sau bởi vì quá trình phân tách lục địa mà loài này bị trôi dạt về các vùng đất khác nhau, quá trình tiến hóa đã cho ra nhiều giống lúa có đặc điểm riêng biệt.
Cây lúa Việt Nam, phổ biến nhất chính là loài lúa nước, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cách đây khoảng 10000 năm nó đã được con người nơi đây thuần chủng và đem vào canh tác, trở thành nguồn lương thực chính cho nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy có thể nói Việt Nam chính là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, đưa khu vực Đông Nam Á trở thành trung tâm nông nghiệp đầu tiên của thế giới loài người với sự phát triển mạnh mẽ của cây lúa tạo ra nguồn lương thực dồi dào.
Tên khoa học của lúa nước là Oryza sativa thuộc họ Lúa (Poaceae), ở Việt Nam vẫn thường gọi đơn giản là lúa hoặc lúa nước. Ở nước ta lúa nước phân bố chủ yếu ở hai đồng bằng rộng lớn nhất cả nước là Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, ngoài ra còn được canh tác ở một số đồng bằng nhỏ hẹp trải dài vùng duyên hải miền trung, cá biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc người ta còn cải tạo địa hình thành các ruộng bậc thang để canh tác loài lúa này.
Lúa nước có thể phân ra làm 2 loại dựa vào hàm lượng amilopectin (thành phần quyết định tính dẻo) trong hạt gạo, lúa tẻ thì amilopectin chiếm khoảng 80%, trong lúa nếp thường cao hơn 90%, chính vì vậy gạo nếp ăn dẻo và dính hơn. Ngoài ra người ta trong quá trình lai tạo, người ta còn dựa vào các đặc tính sinh học như hình dáng cây, hạt, hay khả năng chống chịu bệnh tật mà chia thành nhiều giống khác nhau.
Về ý nghĩa của cây lúa, chủ yếu là xuất phát từ sự gắn bó lâu đời của nó với đời sống nhân dân, trở thành biểu tượng của nông thôn Việt Nam, nhắc đến cây lúa nước người ta thường liên tưởng đến hình ảnh người nông dân với những đức tính tốt đẹp cần cù, chịu khó trong lao động, không quản ngại mưa gió, đồng thời nó cũng đại diện cho sự ấm no, cơm gạo đủ đầy.
Đôi lúc, cây lúa còn khiến chúng ta liên tưởng đến sự nghèo khó vất vả trong cuộc sống của người nông dân. Không chỉ vậy cây lúa chính là đại diện cho nền văn minh lúa nước có bề dày lịch sử của Việt Nam cũng như của cả Đông Nam Á. Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hình ảnh cây lúa luôn gắn liền với hình ảnh hậu phương vững chắc, đồng thời là biểu tượng công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với mục tiêu lấy phát triển nông nghiệp làm gốc của Đảng và nhà nước.
Chính bởi những ý nghĩa biểu tượng có giá trị sâu sắc như vậy nên cây lúa cũng thường trở thành đề tài chính trong các tác phẩm nghệ thuật và cả trong văn học dân gian. Ví như bài hát nổi tiếng Hát về cây lúa hôm nay của nhạc sĩ Hoàng Vân là bài hát bất hủ ngợi ca cây lúa, đồng thời gián tiếp ngợi ca cách mạng, cổ vũ tinh thần xây dựng đất nước của nhân dân cả nước, hay bài thơ quen thuộc "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa với những vần thơ giàu ý nghĩa biểu tượng.
Về hình dáng, lúa là cây một lá mầm, rễ chùm, cao tầm 70- 90 cm, thân cây dạng ống rỗng, phân làm nhiều đốt như đốt tre, khá mềm dễ gãy và đổ rạp khi tác động ngoại lực. Lá mỏng, hẹp và dài tương đương với thân cây, có màu xanh non, khi lúa chín thì dần chuyển sang màu vàng sẫm, cái màu mà Tô Hoài đã viết trong Quang cảnh làng mạc mày mùa :“Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại”.
Bông lúa hay chùm quả của nó có màu xanh lá mạ dài tầm 35-50 cm, sau khi tự thụ phấn thì phát triển thành quả, một thân lúa như vậy cũng phải có đến hơn 20 chục chùm quả đong đưa, mùa lúa chín chùm quả nặng dần, hạt thóc vốn xanh và lép giờ đã chuyển vàng và căng đầy, chuẩn bị cho mùa thu hoạch. Hạt lúa hay còn gọi là hạt thóc, dài 5-12 mm và dày tầm 1-2mm. Lúa là loài cây thân thảo, tuổi thọ là một năm, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu thu hoạch quãng đời của nó thường bị chấm dứt vào mùa thu hoạch, khoảng 4-5 tháng.
Có nhiều cách chia vụ tùy theo khí hậu và địa hình ở các nơi, lấy ví dụ về vựa lúa lớn nhất nước ta là đồng bằng Sông Cửu Long, một năm gồm có 3 vụ là vụ Hè Thu (tháng 4-8), vụ Đông Xuân (tháng 11-4), và vụ Mùa (tháng 5-11). Cách nhân giống phổ biến nhất đó là gieo mạ, người ta đem những thóc giống đã ủ gieo lên luống mạ đã chuẩn bị sẵn, đợi cây mọc được 5-7 lá thì nhổ lên bó thành bó rồi đem ra ruộng cấy (mặt ruộng phải khô).
Sau khi cây phát triển ổn định, mọc nhánh thì tiến hành dẫn nước vào ruộng, mực nước duy trì từ 1-3cm. Trước thời điểm thu hoạch khoảng 10 ngày thì nên tháo cạn nước để mặt ruộng khô, cho dễ bề thu hoạch. Một vụ lúa như vậy chia ra làm 4 đợt bón lót, tùy vào từng giai đoạn mà chọn loại phân bón thích hợp. Đặc biệt lúa là loài dễ bị bệnh và tốc độ lan truyền rất nhanh do trồng số lượng lớn và sát nhau, một số bệnh cần chú ý là bệnh đạo ôn, vàng lùn xoắn lá, rầy nâu, một số nạn dịch châu chấu, cào cào, sâu cuốn lá và sâu đục thân.
Lúa gạo chính là nguồn lương thực chính của nhân dân ta, và cung cấp lương thực cho khoảng 65% dân số thế giới, đây là nguồn thực phẩm giàu tinh bột khi chứa đến 80% tinh bột trong thành phần, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể con người. Ngoài việc trở thành cơm, khẩu phần chính trong bữa ăn, gạo còn là nguyên liệu để sản xuất ra nhiều loại thực phẩm khác như các loại bánh, bún, phở, hủ tiếu, mì gói,…
Trong nghề nấu rượu truyền thống gạo cũng chính là nguyên liệu chính để cho ra những giọt rượu thơm ngon chất lượng. Các sản phẩm phụ của lúa gạo như cám, trấu, tấm, rơm rạ cũng đóng góp không nhỏ vào các nền công nghiệp sản xuất, chăn nuôi khác. Trong kinh tế, gạo đã trở thành loại hàng hóa được xuất khẩu nhiều nhất nước ta, đứng thứ hai thế giới sau Thái Lan với kim ngạch khoảng 6 triệu tấn/năm, bên cạnh các mặt hàng khác như cà phê, trái cây,…đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của nền nông nghiệp và tổng GDP của cả nước.
Cây lúa đã mãi ăn sâu vào tiềm thức và cuộc sống con người Việt Nam với những giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần một cách sâu sắc. Giờ đây mỗi khi về thăm quê, tôi vẫn thường chú ý đến những cánh đồng lúa bát ngát, gió đưa thoang thoảng hương lúa, dù là 10 năm trước đây hay 10 năm sau nữa, có lẽ cái tôi ấn tượng và nhớ nhiều về quê hương nhất vẫn hình ảnh cây lúa, hình ảnh những người nông dân cặm cụi mùa gieo mạ, mùa gặt lúa, hình ảnh những con đường chất đầy rơm rạ, thóc lúa vương vãi.