Bài văn thuyết minh về chiếc mũ bảo hiểm số 7

Đi kèm với sự phát triển không ngừng của xã hội là sự xuất hiện của những vấn nạn nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến con người. Một trong những vấn nạn đó phải kể đến là vấn nạn giao thông. Vậy, làm sao để bảo vệ bản thân và người khác khỏi những mối đe dọa tốc độ? Đó là phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.


Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Vì vậy, nón bảo hiểm nghiễm nhiên trở thành bạn đồng hành không thể thiếu đối với mọi người khi tham gia giao thông.


Nón bảo hiểm có cấu tạo như thế nào? Đó là một loại nón có cấu tạo gồm ba lớp rất chắc chắn. Lớp thứ nhất là lớp chúng ta có thể nhìn thấy ngay bên ngoài – lớp vỏ. Đại đa số lớp vỏ của nón bảo hiểm được làm bằng chất liệu nhựa rất cứng, trên bề mặt của lớp vỏ được phủ sơn với nhiều màu sắc khác nhau và in logo của nhà sản xuất.


Một số nón bảo hiểm chuyên dùng cho trẻ em còn in những hình ảnh khá cầu kì, tạo sự thích thú cho những “khách hàng nhí”. Ngoài ra còn có những dòng nón bảo hiểm cao cấp sử dụng hợp kim nhôm hoặc hợp kim cacbon làm lớp vỏ bên ngoài để làm giảm trọng lượng của nón, tạo sự thoải mái mà vẫn đảm bảo chức năng giữ an toàn cho người đội. Lớp thứ hai là lớp quan trọng nhất – lớp mút xốp dày giữ vai trò giảm chấn động cho đầu khi gặp phải những va chạm mạnh bất thình lình.


Lớp thứ ba – lớp trong cùng – là lớp tiếp xúc với phần đầu của chúng ta. Vì tiếp xúc với phần đầu con người nên nó phải là một lớp lưới hoặc mút mỏng, thông thoáng, tạo cảm giác êm ái cho người dùng. Bên dưới nón là bộ phận dây gài giúp giữ chặt nón vào đầu. Bộ phận dây gài cũng gồm hai phần, một phần gắn chặt với nón được thiết kế khá chu đáo, có thể điều chỉnh độ dài ngắn của quai nón phù hợp với kích cỡ đầu của từng người, một phần là móc khóa không cố định, có thể dễ dàng gắn vào khi cần và mở ra khi không sử dụng.


Nón bảo hiểm có bao nhiêu loại? Dựa vào hình dáng bên ngoài ta có thể chia nón bảo hiểm thành hai loại: loại bảo hộ toàn bộ phần đầu và loại bảo hộ nửa đầu. Loại bảo hộ nửa đầu ngày nay được người sử dụng ưa chuộng hơn vì độ gọn, nhẹ và tiện ích của chúng.


Tuy nhiên, so với loại bảo hộ toàn phần đầu thì nón bảo hiểm nửa đầu có mức độ bảo vệ thấp hơn. Các nhà sản xuất có uy tín cũng tập trung chú ý sản xuất các mặt hàng mũ bảo hiểm toàn phần đầu nhiều hơn. Mũ bảo hiểm toàn phần đầu có thêm tấm kính trong suốt phía trước giúp ngăn chặn bụi bẩn, giảm áp lực của gió tạt vào mặt người dùng khi tham gia giao thông.


Một chiếc nón bảo hiểm đảm bảo chất lượng có giá từ vài trăm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà sản xuất chỉ chú trọng vào mục đích, không quan tâm đến tính mạng con người đã tung ra thị trường những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá rất rẻ đánh vào tâm lý người dùng Việt Nam. Đây là một hành động phi nhân đạo, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng. Mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, đừng vì giá rẻ, lợi ích trước mắt mà lựa chọn những mặt hàng mũ bảo hiểm kém chất lượng.


Đúng như tên gọi của nó, nón bảo hiểm có chức năng bảo vệ phần đầu – bộ phận rất quan trọng trên cơ thể người khỏi những tác nhân gây nguy hiểm. Khi tham gia giao thông, đôi khi con người sẽ không thể kiểm soát tay lái hoặc vô tình bị – gây – tai – nạn, vì vậy cần phải đội nón bảo hiểm để hạn chế những va đập mạnh ảnh hưởng đến vùng đầu, vùng cổ.


Chúng ta phải lựa chọn và sử dụng nón bảo hiểm như thế nào để phát huy tối đa tác dụng bảo vệ? Trước hết, trong việc lựa chọn, người dùng cần sáng suốt, xứng đáng là một người tiêu dùng thông minh khi chọn mua những sản phẩm mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng.


Vậy, thế nào là một nón bảo hiểm chất lượng? Nón bảo hiểm chất lượng phải là nón có tem chống giả được dán bởi bộ kiểm định chất lượng, nếu là hàng nhập khẩu phải có tem kiểm tra,…Trên mũ bảo hiểm phải có đầy đủ những thông tin như: kích thước nón, ngày sản xuất, cơ sở sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất,…


Khi mua nón bảo hiểm chất lượng người dùng sẽ được nhận giấy bảo hành của cơ sở sản xuất để được hỗ trợ khi có vấn đề trục trặc trong quá trình sử dụng sản phẩm nón bảo hiểm đó. Thứ hai, người tiêu dùng cần chọn những nón bảo hiểm vừa vặn với kích cỡ phần đầu của mình, không chọn mua những sản phẩm quá rộng hoặc quá chật dù nó có đẹp hơn, bắt mắt hơn.


Vậy, thế nào là vừa? Bạn hãy thử đội nón bảo hiểm vào đầu, cài quai vào, lắc đầu sang trái, sang phải xem nón có ôm trọn phần đầu của mình hay không. Nón vừa ôm trọn phần đầu, tạo cảm giác thoải mái khi đội. Nếu nón bị xê dịch nghĩa là nó rộng so với đầu của bạn, nếu đội vào không cảm thấy thoải mái nghĩa là nó hơi hẹp so với đầu của bạn, cả hai trường hợp đó đều không nên chọn mua.


Thứ ba, trong quá trình sử dụng, người dùng cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nón để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nón đã bị va chạm mạnh không nên tiếp tục sử dụng. Những chiếc nón có bộ phận dây gài nón bị hư, lớp mút bên trong đã không còn đàn hồi tốt cũng không nên “tận dụng xài tạm”, đối phó…


Hàng ngày, sau khi đội, bạn nên để nón ở những nơi thoáng mát hoặc đem phơi nắng để hong khô, giết chết vi khuẩn gây các bệnh nấm da đầu,…Các nhà sản xuất khuyên rằng: Khi sử dụng được năm năm, dù nón vẫn còn sử dụng được vẫn nên đổi nón mới để đảm bảo tốt nhất sự an toàn của chính bản thân.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy