Bài văn thuyết minh về món ăn ngày Tết: Giò lụa
Tết là dịp lễ cổ truyền của dân tộc, cũng là dịp để gia đình có thể sum vầy, tụ họp bên nhau và ăn những bữa cơm ấm cúng. Những bữa ăn ngày Tết thường được chế biến rất đa dạng bởi bàn tay người bà, người mẹ,... Nhắc đến những món ăn vào dịp Tết, người ta thường nghĩ ngay đến bánh chưng, gà luộc, chè làm,... và một món ăn rất quen thuộc, dễ ăn lại có thể chế biến nhiều cách đó là giò lụa.
Giò lụa là món ăn đã có từ rất lâu đời. Vào giữa thế kỉ 18, đó là thực phẩm quý chỉ được dâng cho vua chúa dịp lễ lớn. Sau này, giò lụa đã trở thành món ăn vừa dân dã, quen thuộc, vừa sang trọng đãi khách. Cùng với sự khác nhau trong cách làm của từng miền, giò lụa ở mỗi miền có sự đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực - Việt Nam nhưng nhìn chung thường được làm từ thịt được giã/xay mịn hòa cùng với gia vị rồi gói trong lớp lá chuối dân dã, xanh mướt, đem luộc cho chín.
Để làm 1kg giò lụa, cần chuẩn bị 1kg thịt nạc, bột năng, bột nở, gia vị gồm đường, nước mắm và muối. Ngoài ra vật dụng không thể thiếu để làm nên thành công của món ăn này chính là lá chuối và dây lạt hoặc dây ni lông. Thịt lợn sau khi mua về cần rửa sạch rồi thái nhỏ, ướp thịt với gia vị rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng hai tiếng, dùng máy xay thịt rồi lại cho thêm vào tủ hai tiếng nữa. Sau hơn bốn tiếng, chúng ta đem thịt ra xay cùng một ít nước để có hỗn hợp giò sống.
Công đoạn tiếp theo đòi hỏi người làm có kinh nghiệm, đó là bó giò mang đi hấp. Lá chuối phải được rửa sạch, đặt dây lạt ở dưới là, cho giò lên rải đều và gói lại. Khi gói giò nên cuộn thành hình ống dài và cuộn hai đầu lại, dùng dây lạt buộc lại. Lưu ý khi gói giò là không nên gói quá chặt vì giò sẽ nở ra trong quá trình nấu. Giò sau khi được gói cho vào luộc khoảng 20 phút (tùy theo nồi chúng ta sử dụng để luộc mà căn giờ), sau đó vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.
Giò lụa không chỉ ngon, tiện lợi lại dễ dàng bảo quản được lâu. Chính vì thế, nhiều gia đình đã lựa chọn món ăn này để dữ trữ trong những ngày Tết. Giò lụa có thể ăn trực tiếp với cơm trắng, cũng có thể biến tấu theo nhiều cách. Một số món ăn có thể chế biến dễ dàng như: giò lụa kho trứng cút, nộm (gỏi) giò lụa, giò lụa xào miến, giò lụa rim/sốt,...
Nếu không có thời gian để làm giò tại nhà, có thể mua sẵn ở hàng quán dựa vào một số kinh nghiệm được truyền lại. Khi mua giò, mặt giò cắt ra phải được mịn ướt, đôi chỗ có rỗ xốp vì đó là giò được làm từ thịt ngon, thịt nghiền có độ dẻo quánh. Khi ăn giò chúng ta cảm nhận được vị thơm của thịt, không bị bở cũng không quá giòn vì nếu giòn là giò dễ dính hàn the. Ăn xong, hương vị của giò còn đọng lại ở cuống họng.
Món ăn giò lụa đã được miêu tả lại trong sách vở. Nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Giò lụa xuất bản năm 1973 đã có những câu văn rất hay về món ăn này: “Không sợ là huênh hoang thiếu khiêm tốn, ta có thể nói rằng biết chế lợn ra thành cân giò lụa, đó là một dạng văn hóa dân tộc toàn cầu... Hình như giò lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra”. Đó không chỉ là món ăn thường nhât mà chính là món ngon tiêu biểu, một nét văn hóa trong ẩm thực người Việt.