Bài văn thuyết minh về món phở Hà Nội số 8

Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, người ta đã tìm thấy ở nó biết bao những vẻ đẹp tuyệt vời và kỳ bí, một Hà Nội với lịch sử vẻ vang anh hùng chưa từng thất thủ trong bất kỳ cuộc chiến nào, một Hà Nội đế kinh muôn đời, hay một Hà Nội cổ kính rêu phong, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt bao đời. Hà Nội mang trong mình nhiều sự xưa tích cũ, cũng là nơi dừng chân tuyệt vời đối với nhiều du khách cả trong và ngoài nước, và dĩ nhiên rằng níu kéo được con người Hà Nội không chỉ mặn mà với những vẻ đẹp lịch sử hay sự phát triển mạnh mẽ thời hiện đại mà quan trọng rằng thủ đô của ta có một nền ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng. Thạch Lam đã khen rằng "Quà Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng ngon lành và lịch sự", 36 phố phường mỗi nơi lại có riêng cho mình những bí truyền ẩm thực, lấy làm cái lợi thế riêng để tồn tại hàng trăm năm. Người ta thường nhắc đến Hà Nội với món cốm xanh của các cô gái làng Vòng, nhưng càng nhắc nhiều hơn đến món phở Hà Nội một món ăn đã trở thành "linh hồn", tinh hoa trong làng ẩm thực Việt.


Trong những bài viết về những thức quà vặt ngon nghẻ của Hà Nội, không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam viết một lần, rồi lại bổ sung thêm một lần nữa về món phở cổ truyền, chỉ bởi đơn giản rằng ông nghĩ đã là món thú vị bậc nhất đất kinh đô, thì nào có thể nói trong vài ba trang chữ. Trong số ấy tôi quả thực ấn tượng nhất với một nhận định của ông rằng "Phở là thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ ở riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Quả thực chẳng có gì để mà không tin tưởng lời Thạch Lam, bởi vốn dĩ tôi chưa đi nhiều nơi, chưa ăn qua nhiều thức quà, thế nhưng cũng không ít lần nếm được món phở, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, hoặc các tỉnh Tây Nguyên và may mắn nhất tôi đã được nếm cả phở Hà Nội. Và phải công nhận rằng phở ở những nơi khác dù có mang danh người Hà Nội làm thì cũng vĩnh viễn không có được cái ngon ngọt chính tông như ở đất kinh đô, có lẽ là do thủy thổ, hoặc do người bán phở đã xa quê hương quá lâu nên tay nghề cũng mất đôi chút, hoặc là họ ẩu, nghĩ rằng dân xứ khác ít sành như người Hà Nội chăng? Phở là món ăn truyền thống và lâu đời của dân tộc và cũng chẳng ai biết chính xác nó có từ bao giờ do ai kỳ công chế tạo nên hay chỉ đơn giản là một sự kết hợp tình cờ khi người ta định nấu bún mà vô tình làm ra phở thì tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng cái món phở thân yêu ấy đã theo từng gánh hàng rong và tỏa hương khắp phố phường Hà Nội vào cái thế kỷ 18, 19 và trở thành kế sinh nhai chính của một cơ số những con người biết nấu và nấu giỏi. Đồng thời cũng trở thành thức quà ưa thích của tất cả các hạng người trong thành phố từ các anh công chức, thợ thuyền, đến các bà các mẹ hay đi chợ, các cô các cậu đi học, trở thành món ăn chính đáng không thể thiếu của nhiều người. Điều đó chứng tỏ phở là một món bình dân và ngon tuyệt nên người ta mới yêu chiều như thế. Cách đây một thế kỷ, phở bán gánh là một đặc sản một nét văn hóa của người Hà Nội, nhưng dần dà khách đông hơn, đặc biệt là qua hai cuộc chiến những người hay gánh phở đi bán cũng biệt tăm biệt tích, đến khi hòa bình, đất nước lập lại, thì phở không còn được gánh trên vai những anh, những chị mà trở thành món được bán hẳn trong hàng trong quán. Thực khách quên đi cái cảnh ngồi xổm xì xụp húp miếng nước lèo nóng và nay được ngồi trên ghế trên bàn biết bao thoải mái để tận tình thưởng thức. Tuy nhiên phở gánh và phở tiệm ít nhiều cũng có những cái thú, cái vị khác biệt, mà khác ở đâu thì chỉ những con người đã từng trải qua cả hai kiểu ấy mới hiểu, ví như Thạch Lam hay Tô Hoài, những con người rành rọt về băm sáu phố phường Hà Nội chẳng hạn.


Một bát phở ngon cũng như một vị chuyên gia vậy, chính là mang trong mình nó lắm yêu cầu khắt khe. Nước dùng hay còn gọi là nước lèo giống như linh hồn của bát phở phải thực trong và ngọt, cái ngọt ấy phải được chiết ra từ xương ống của heo của bò chứ không phải từ thứ gia vị mà ngày nay người ta vẫn thường quảng cáo "ngon từ thịt ngọt từ xương". Những bát phở mà ngọt kiểu ấy ăn được dăm miếng thì đã thấy vị mì chính lên tận óc, chẳng lấy gì làm ngon, và tiệm ấy chắc cũng sớm mất khách, nếu ở Hà Nội. Thêm nữa là bánh phở, tức là cái sợi trông như sợi mì Quảng (ai ăn mì Quảng thì có lẽ không lạ lẫm gì), phải trắng, dẻo mềm và không bị nát, tóp mỡ phải giòn thơm chứ không dai cứng. Đồng thời những thứ gia vị như vài giọt chanh gắt, ớt cay, hành tây và chút rau thơm tươi thì không bao giờ được thiếu. Ngoài ra còn có chỗ người ta thêm một chút hồ tiêu Bắc, vài giọt cà cuống để phở được đậm vị và dậy mùi hơn. Phở truyền thống thì ắt phải có thịt bò, người ta có nhiều cát ăn, người thích tái, kẻ thích nạm, kẻ thích ăn xương thịt, có người lại ưng nửa nạc nửa mỡ, người ưng ăn ba chỉ,... Nói chung tùy khẩu vị mà người bán phở đáp ứng cho thực khách. Và trong quá trình phát triển cả hàng thế kỷ của mình, phở ta cũng không phải không có chút biến đổi, thứ mà ta hay gọi là phở "cải lương", ví như người ta làm phở gà, phở tôm, phở heo,... hoặc có người rụt rè hơn tí thì chỉ thêm một vài vị rau thơm mà xưa nay không có ví như thêm hành lá, húng lìu, húng chó, rau giá, ... hoặc mạnh dạn thêm tí gia vị vào nước dùng tỉ như dầu vừng, hoặc một món ăn kèm thêm no như đậu phụ trắng. Nhưng thường những cái "cải lương" nó kém được hoan nghênh hơn, người Hà Nội sành ăn và ưa truyền thống, cũng như bản thân chúng ta giờ thấy áo dài "cách tân" thì đâm ra ngứa mắt vậy. Nhưng có lẽ những món phở mới mẻ ấy lại có chỗ phát triển nếu đi ngược vào phương Nam.


Về cách làm, thú thực nếu không có một bí quyết gia truyền, một người thầy chỉ dạy tận tình thì có lẽ khó có ai có thể nấu ra được một bát phở ngon đúng nghĩa. Với vai trò chỉ là người thưởng thức và nghe lỏm được đôi câu chuyện nấu phở, thì tôi chỉ biết được rằng người ta đã phải nấu một nồi nước dùng vừa trong vừa ngọt như thế trong vòng 8-9 tiếng gì đó, với nguyên liệu chính là xương ống bò, được chế cùng với một loạt các loại gia vị như hồi, quế, thảo quả, gừng, sá sùng, hành tây, hành củ,... mà tôi nghe tên thì vị nào cũng là một vị thuốc cả. Với lại nước dùng phở nó kỳ công còn ở cả công đoạn sắp đặt gia vị, không phải người ta cứ thế đổ cả xương, cả nguyên phụ liệu vào mà nấu lên 10 tiếng, mà trước hết những thứ gia vị kia cũng phải được sơ chế bằng cách nướng lên nữa cơ. Tôi không hiểu nguyên do nhưng có lẽ là để cho gia vị được thơm hơn, đồng thời loại bỏ đi một số hương vị không cần thiết chẳng hạn hoặc sâu xa hơn nữa thì có lẽ là cách nướng ấy nó để cho mấy thứ dược liệu này có một công dụng nào đó hữu ích hơn trong bát phở chăng. Sau khi ninh đủ 10 tiếng, cốt ngọt từ xương đã đi vào nước dùng, người ta lại lọc lại một lần, để chắt được cái thứ nước trong và màu đẹp, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thực khách. Còn về "bánh phở", thứ tôi vẫn gọi là sợi phở ấy, người ta làm cũng kỳ công, phải lựa chọn được thứ bột gạo trắng, nhào bột rồi ủ bột thật kỹ, sau đó cắt bánh phở thật khéo, để bánh phở không bị nát, khi gắp lên thấy sợ phở mượt, trắng ngần, ăn vào thì dai mềm đó mới đúng là tuyệt vời. Khi thực khách gọi món, người nấu nhanh chóng sắp bánh phở ngay ngắn vào một cái tô lớn, sạch sẽ, lại sắp hành tây, thịt thà lên trên, rồi múc lấy thứ nước đang sôi sùng sục trong nồi đổ vừa ngập bánh phở, rồi nhanh tay bốc lấy chút ngò gai bỏ lên trên mặt, sau đó bưng ra cho thực khách. Những thứ gia vị khác như chanh, ớt, tiêu, tương, cà cuống, rau thơm,... người nấu bây giờ cũng biết thông minh không cưỡng chế bỏ vào bát phở như xưa nữa mà để người ăn tự túc lựa chọn có bỏ vào hay không. Tôi thấy thế lại hay, thực khách sẽ không bao giờ phải nhăn mặt khó chịu vì không thích vị chua chanh hay một thứ gia vị nào vô tình được nhà hàng bỏ vào để bát phở được "tròn" vị.


Phở ngày nay đã đi khắp mọi miền đất nước, từ Bắc Trung Nam, đến đâu người ta cũng có thể ăn được phở, nhưng nếu muốn ăn phở Hà Nội thì chỉ có về Hà Nội, chọn đúng hàng quán thì mới có cơ hội được bát phở ngon lành, đậm đà. Có thể nói rằng phở đã mang đến cho nền ẩm thực đến từ lúa gạo của Việt Nam ta một điểm nhấn rất đặc sắc và riêng biệt, chẳng thế mà người ngoại quốc khi đến nước ta, họ không chỉ nhớ về bánh mì mà còn nhớ khôn nguôi một món có tên "phở". Phở Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước, đồng thời cũng là một món ăn phổ biến của dân tộc ta bao đời, trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, đáng nhớ, đáng thử nhất ở đất Hà Thành này.

Bài văn thuyết minh về món phở Hà Nội số 8
Bài văn thuyết minh về món phở Hà Nội số 8
Bài văn thuyết minh về món phở Hà Nội số 8
Bài văn thuyết minh về món phở Hà Nội số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy