Bài văn thuyết minh về nồi cơm điện số 8

Đối với nhiều nước trên thế giới, lúa gạo được coi là thứ lương thực quan trọng nhất. Gạo được chế biến thành nhiều món, phổ biến là cơm. Ngày trước, người ta thường nấu cơm bằng bếp than, bếp củi vừa mất thời gian, tốn nhiều công mà cơm dễ có khi bị khê, cháy, không ngon. Để khắc phục những bất tiện ấy, chiếc nồi cơm điện đã ra đời và nhanh chóng có mặt trong gian bếp của nhiều gia đình.


Nồi cơm điện là một thiết bị gia dụng tự động được thiết kế để nấu cơm bằng cách hấp hơi gạo. Ý tưởng dùng điện nấu cơm lần đầu xuất hiện vào giai đoạn Âu hóa giữa thập niên 1920. Cuối thập niên 1940, công ty điện tử Mitsubishi của Nhật sản xuất ra một loại nồi cơm điện nhưng rất bất tiện, đòi hỏi người sử dụng phải theo dõi nó xuyên suốt quá trình nấu. Tháng 10 năm 1956, 700 chiếc nồi cơm điện trong một dự án của công ty Toshiba được đưa ra thị trường và được mọi người ưa dùng.


Gần một thế kỷ qua, những chiếc nồi cơm điện ban đầu đã được cải tiến thành vô số kiểu dáng với những công dụng riêng. Có thể chia thành hai loại lớn: Nồi cơm điện cơ và nồi cơm điện tử. Nồi cơm điện cơ gồm có loại nắp gài an toàn cho người dùng và loại nắp rời dễ lau chùi nhưng khi nấu lại thoát nhiều hơi nước. Nồi cơm điện cơ có giá thành bình dân nhưng mẫu mã, dung tích rất đa dạng lại dễ vệ sinh và sử dụng, thời gian nấu cơm khá nhanh. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số hạn chế: Cơm sẽ bị nhão hoặc khô nếu cho ít hoặc nhiều nước quá hơn nữa chỉ có thể dùng chế biến một vài món ăn giới hạn trừ cơm.


Còn nồi cơm điện tử là loại công nghệ cao, với cấu tạo phức tạp hơn: Có màn hình tinh thể lỏng và vi mạch điện tử. Mặc dù chỉ mới phát triển cách đây không lâu, nó đã chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng bởi những tính năng vượt trội như có thể cài đặt chương trình nấu tự động, hẹn thời gian nấu, tích hợp khả năng nấu các loại súp, cháo, lẩu.. nhanh và ngon miệng. Ngoài ra chính nhờ thiết kế hiện đại, sang trọng với bảng điều khiển bằng nút bấm hoặc cảm ứng và màn hình hiển thị thời gian đếm ngược đến lúc nấu xong. Bên cạnh đó, nồi cơm điện tử cũng có một số nhược điểm chẳng hạn như giá cả khá cao, việc vệ sinh, lau chùi cũng gặp một số khó khăn nhỏ vì nếu không cẩn thận, vi mạch điện tử sẽ bị thấm nước và nhanh hỏng.


Về cấu tạo, một nồi cơm điện luôn có năm bộ phận chính: Vỏ, thân, mâm nhiệt, xoong, bộ phận điều khiển. Vỏ nồi hình trụ tròn, làm từ nhựa cứng, bề mặt có in họa tiết, tên nhà sản xuất, sô lô hàng và một số tính năng cũng như hướng dẫn sử dụng nồi. Vỏ bao gồm nắp nồi với lỗ thông hơi giúp cân bằng áp suất hơi nước trong nồi.


Bộ phận tiếp theo chính là thân nồi. Nhiều người không biết tưởng rằng vỏ và thân là một nhưng thực chất vỏ là lớp bên ngoài còn thân nồi mới là bộ phận tiếp xúc với xoong, gồm hai lớp: Bên trong được làm từ gang thép không gỉ hỗ trợ tỏa nhiệt và lớp ngoài bằng sứ cách nhiệt.


Xoong là bộ phận trực tiếp nấu cơm, chịu nhiệt tốt và nhẹ nhờ nguyên liệu làm ra xoong thường là hợp kim nhôm, trong lòng xoong phủ lớp chống dính để khi nấu, cơm không bị cháy.


Đáy xoong tiếp xúc với mâm nhiệt. Cũng như tên, mâm nhiệt là hệ thống tạo nhiệt chính cho xoong có cấu tạo gồm dây điện trở đặt trong ống chịu nhiệt cách điện lắp vào mâm dưới đáy nồi. Ở giữa mâm nhiệt có bộ cảm biến nhiệt. Khi cơm chin và nhiệt độ trong xoong lên cao đến một mức nhất định, cảm biến nhiệt hoạt động, chuyển nồi cơm sang chế độ hâm nóng để giữ ấm.


Cuối cùng là bộ phận điều khiển. Ở nồi điện cơ có rờ le nhiệt. Khái niệm tổng quát về rờ le là một thiết bị có thể tự động đóng ngắt mạch khi dòng điện quá tải. Còn rờ le nhiệt của nồi cơm điện là một loại rờ le hoạt động với cơ chế cảm biến nhiệt độ. Tức là khi nhiệt độ trong nồi đạt đến một mức độ nhất định hay nói là cơm đã chin thì cảm biến có trong rờ le sẽ ngắt chế độ nấu và chuyển sang chế độ làm ấm cơm.


Ngoài các bộ phận chính trên, nồi cơm điện còn đi kèm với một số phụ kiện như khay hấp, cốc đong gạo, muỗng xới cơm...Trong chúng ta, hầu như ai cũng biết nấu cơm và xem đó như một công việc dễ dàng. Nhưng để biến gạo sống thành cơm chín thì cần một quá trình với sự tham gia của nhiều bộ phận. Sau khi cho gạo và nước với tỉ lệ vừa phải vào nồi và cung cấp một nguồn điện và bật chế độ nấu, mâm nhiệt sẽ biến nhiệt điện do bộ phận điều khiển cung cấp chuyển thành điện năng. Lúc này, hỗn hợp nước và gạo dần được đun nóng và đạt tới nhiệt độ sôi. Phần lớn lượng nước trong nồi được gạo hấp thụ và một phần nhỏ bị bay hơi. Trong suốt quá trình nấu, vỏ nồi giúp giữ nhiệt ổn định, van thoát hơi nước giúp điều chỉnh mức nước và mức áp suất. Khi gạo nở tới một mức nhất định, cảm biến nhiệt hoạt động, chuyển sang chế đô hâm nóng để tiết kiệm năng lượng, giữ cho cơm ở nhiệt độ an toàn khoảng 65°C.


Công dụng của nồi cơm điện không chỉ bó hẹp trong việc nấu cơm mà tính năng của nó còn rất đa dạng như: Nấu cháo, chè, súp, luộc rau, làm bánh bông lan; hấp, hâm nóng thức ăn. Với nhiều tiện ích như thế, chắc hẳn ai cũng muốn sắm ngay một chiếc nồi cơm điện về để làm trợ thủ đắc lực trong việc nấu nướng. Và có lẽ nhiều khi chúng ta phải đau đầu trong việc chọn mua loại nồi phù hợp nhất với gia đình mình. Nếu nhà bạn có đông người (từ 6 người trở lên) và không có nhu cầu một sản phẩm mang nhiều tính năng hoặc túi tiền eo hẹp thì nên chọn nồi cơm điện cơ vì nó đa dạng về dung tích, giá thành khá rẻ. Còn nếu bạn yêu thích một sản phẩm đầy tiện ích, đa năng và không ngại chi một khoảng tiền lớn thì nồi cơm điện điện tử là lựa chọn vô cùng lý tưởng. Khi lựa chọn mua nồi, bạn nên ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đến từ các "ông lớn" ngành sản xuất nồi cơm điện như: Sharp, Toshiba, Hitachi, Sanyo, Sunhouse, Happy cook. Ngoài ra, cần chú ý chọn thiết kế của nồi sao cho phù hợp với không gian bếp, xem xét chất liệu của xoong, cân nhắc việc mua hàng trên mạng.


Cũng như những dụng cụ, thiết bị khác, để giữ độ bền đẹp cho chiếc nồi cơm điện, ta cần chú trọng khâu bảo quản. Trong lúc đang nấu cơm, tránh chạm vào thân nồi hoặc dây điện để ngăn ngừa sự cố điện giật do nồi bị rò rỉ điện ra bên ngoài, không nên mở nắp xoong nhiều lần và hạn chế dùng nhiều thiết bị điện chung một ổ cắm với nồi cơm. Sau khi sử dụng, dùng khăn mềm vệ sinh các bộ phận của nồi, tuyệt đối không dùng nước để lau chùi nồi cơm điện điện tử, nếu không các vi mạch sẽ bị nhiễm điện dễ hỏng; đặt nồi lên một mặt phẳng chắc chắn, để nơi thoáng mát, khô ráo, chống ẩm thấp. Không dùng xoong chiên, xào hoặc nấu trên bếp ga, bếp từ. Không vo gạo trực tiếp trong xoong và không dùng những dụng cụ thô ráp, sắc nhọn để rửa xoong vì sẽ làm cho lòng xoong bị bong tróc.


Nồi cơm điện sau một thời gian sử dụng lâu dài dễ có biểu hiện của sự hư hỏng. Chẳng hạn như cái cần gạt nhảy quá sớm làm cơm sống hoặc nhảy quá muộn làm cơm khê. Trường hợp này ta nên thay rờ le nhiệt mới để có thể sử dụng một cách bình thường. Ngoài ra người tiêu dùng còn bắt gặp hiện tượng vỏ nồi cơm điện nóng tỏa ra nhiệt làm lãng phí điện năng hoặc bị rò rỉ điện gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ con với tính tò mò nếu vô tình chạm vào dễ xảy ra sự cố đáng tiếc. Gặp vấn đề này, ta nên kiểm lại mạch điện và đưa đến cơ sở uy tín để sửa chữa, nếu cần thiết thì đừng ngại tốn chi phí thay thế đồ mới.

Ngót một thế kỷ qua các nhãn hàng, thương hiệu luôn không ngừng cải tiến mẫu mã cũng như chất lượng để nồi cơm điện theo kịp với thời đại công nghệ kỹ thuật và đủ sức cạnh tranh với những công cụ nấu nướng khác. Nếu nói cái cày, cái cuốc là người bạn đồng hành hữu ích đối với các bác nông dân thì chiếc nồi cơm điện hẳn là cánh tay đắc lực của các bà, các mẹ nội trợ trong nấu nướng và giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy