Bài văn thuyết minh về thành nhà Hồ hay nhất - Bài mẫu số 8
Đất nước Việt Nam được biết đến với hai đặc sản nổi tiếng là: nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử lâu đời! Trong đó, nổi bật lên một quần thể di sản đã bị quên lãng tận hàng thế kỷ. Mãi cho đến sau này, khu di tích mới được phát hiện và được UNESCO công nhận. Không nơi nào khác đó là di tích thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ sau khi thành lập đã được thay đổi nhiều cái tên khác nhau qua từng thời kỳ: thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh, thành Tây Giai. Sau này, nhân dân quen gọi là thành nhà Hồ. Tòa thành khi ấy là kinh đô nước Đại Ngu, hay gọi theo kiểu hiện đại bây giờ là quốc hội nước Việt Nam thời nhà Hồ. Mang trong mình các giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là công trình kiến trúc bền vững. Tính đến nay, thành đã tồn tại hơn VI thế kỷ, tuy không còn nguy nga tráng lệ, nhưng một số đoạn của tòa thành vẫn còn nguyên vẹn.
Thành nhà Hồ vào lúc bấy giờ được gọi là thành Tây Đô, được xây dựng vào năm 1397, dưới thời trị vì của vua Trần Nhân Tông. Ý tưởng xây tòa thành này là của quyền thần Hồ Quý Ly, lúc ấy giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, là người nắm mọi quyền lực trong triều đình. Ông cũng là người lập ra triều đại nhà Hồ sau này (1400).
Thành bắt đầu khởi xây vào mùa xuân tháng 1 năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thái thứ 10. Mục đích sâu xa của việc xây dựng tòa thành này chính là buộc vua Trần Nhân Tông phải dời đô từ Thăng Long (Hà Nội ngày nay) về Thanh Hóa, nhằm lật độ bộ máy cai trị của triều Trần và thiết lập một triều đại mới. Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay cho nhà Trần, và thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô, lấy quốc hiệu là Đại Ngu với ý nghĩa yên bình, thịnh trị.
Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian kỷ lục, chỉ chừng ba tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Các kiến trúc khác như: cung điện, La thành, Đàn tế Nam Giao,… được tiếp tục xây dựng cho đến năm 1402 mới hoàn thiện. Bên ngoài tòa thành được xây dựng bằng những phiến đá lớn kiên cố, bên trong chủ yếu là lắp đất. Thành nhà Hồ cũng được xây dựng như bao thành quách khác, cũng bao gồm thành ngoại và thành nội.
Thành ngoại là các bức tường thành với sự kết hợp của bốn cổng chính được làm từ các phiến đá màu xanh, đục đẽo tinh tế nhờ bàn tay tài hoa của con người, rồi xếp khít lại với nhau. Phía bên trong được gọi là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật, được đắp đất. Điểm nhấn của các cổng chính là đều có kiến trúc vòm cuốn, những phiến đá cũng được qua đục đẽo tỉ mỉ thành hình múi bưởi, với chiều dài hơn 6m, và nặng khoảng 20 tấn. Điều này cũng khiến cho nhiều người không khỏi thắc mắc: “Vậy tại sao người xưa lại có thể dịch chuyển những khối đá to như thế lên trên được trong khi không có sự hỗ trợ của máy móc?” Lý giải cho thắc mắc trên, các nhà khảo cổ học cho rằng người ta đã áp dụng vật lý học, dùng các hòn đá bi để tăng sự chuyển động, làm động lực để lăn các phiến đá lên trên.
Bao quanh thành nội là Hào thành, được nối với sông Bưởi qua một con kênh ở góc Đông Nam. Mỗi cổng chính của thành nội đều có mỗi cây cầu bằng đá bắc qua Hào thành. Che chắn kiên cố cho thành nội cũng là nơi sinh sống của cư dân trong thành, là La thành – vòng thành ngoài. La thành có chiều dài 10m, xây dựng theo địa hình tự nhiên, cũng được đắp đất, và trồng tre gai nối liền các ngọn núi với sông Bưởi và sông Mã.
Kế tiếp là đàn tế Nam Giao, một trong các phần quan trọng của kiến trúc thành nhà Hồ. Đàn tế được xây dựng vào năm 1402 phía Tây Nam núi Đốn Sơn, nằm thẳng trên đường thần đạo từ cổng Nam nhìn ra, cách thành nhà Hồ 2.5km về phía Đông Nam. Đàn có diện tích 43.000m vuông, là nơi tế trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị. Ngoài ra, đây cũng là nơi tế linh vị của các vị hoàng đế, các vì sao và các vị thần.
Thành nhà Hồ xưa kia cũng là một công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy không thua kém gì kinh thành Thăng Long. Nhưng do chiến tranh, các cung điện, dinh thự trong khu vực gần như bị phá hủy, di tích còn lại ngày nay là bốn cổng thành với bốn phía khác nhau. Trong đó, đàn tế Nam Giao là di tích còn khá nguyên vẹn. Công trình kiến trúc của tòa thành thể hiện một trình độ chuyên sâu, áp dụng các định luật vật lý để nâng những khối đá khổng lồ lên cao mà không có bất kỳ sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật. Chẳng những thế, các khối đá được ghép lại với nhau mà hoàn toàn không có một chất kết dính nào, lại tồn tại hơn 600 năm qua. Đó thật sự là một công trình đầy bí ẩn vẫn chưa tìm ra lời giải đáp nào phù hợp.
Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành cũng được CNN đánh giá là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới.