Bài văn viết về hình ảnh người mẹ hoặc người bố trong một bài thơ khiến em xúc động nhất số 6
Có rất nhiều bài thơ viết về hình ảnh người mẹ. Đôi khi đó là vẻ đẹp dịu dàng, tình yêu thương con. Đôi khi lại là sự tảo tần, giản dị hay thậm chí là khó nhọc khiến cho người đọc day dứt không nguôi. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương đã để lại trong lòng tôi sự xúc động sâu sắc như thế. Người mẹ trong bài thơ với những chuyện giản đơn thường ngày, tưởng như không có điều gì to tát mà lại khiến tôi ngẫm ngợi không thôi.
Chắc chắn hình ảnh người mẹ tảo tần, hay những sự cơ cực của mẹ đã xuất hiện nhiều trong văn học. Vậy đâu là nét đặc sắc của bài thơ Về thăm mẹ? Đó là hình ảnh người mẹ không thể hiện trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua những công việc mẹ làm hay nói cách khác, hình ảnh người mẹ hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Cả bài thơ không có lấy một lời nói hay hành động trực tiếp nào của người mẹ vì ngay đầu bài thơ, chủ thể trữ tình đã cho biết: “Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà”.
Những hình ảnh trong bài thơ cho ta thấy người mẹ ở đây là người mẹ của nông thôn. Từ những chum tương, nón mê, áo tơi đến đàn gà, trái na cuối vụ đã khẳng định điều đó.
Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
Chiều đông mà mẹ không có nhà. Vậy mẹ đi đâu? Không ai có thể chắc chắn điều đó. Người đọc, dựa trên văn bản thơ chỉ có thể biết rằng người mẹ đang vắng mặt. Dù vắng mặt, người mẹ vẫn hiện lên gián tiếp qua cái nhìn của người con. Trời mưa thì chum tương mẹ đã đậy rồi. Điều đó thể hiện cho sự cẩn thận, chu đáo của người mẹ trước khi ra khỏi nhà. Những nón mê – dầm mưa, những áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, hay cả đàn gà vào ra quanh một cái nơm hỏng vành lại thể hiện một cuộc sống bình thường, giản dị. Chủ nhân của căn nhà này là người hay tận dụng những đồ đã cũ. Việc tận dụng vẫn là điều thường thấy trong mỗi chúng ta. Nhưng có lẽ, ở tuổi đã không còn đứng bóng, đã là lúc cần nghỉ ngơi mà người mẹ vẫn phải làm lụng, vẫn phải tiết kiệm, chắt chiu và đặc biệt là hình ảnh chiều đông cùng cơn mưa đã gây nên xúc cảm mạnh mẽ trong người con. Cuộc sống giản dị, tiết kiệm có phần khó khăn, phải chắt chiu nhưng người mẹ vẫn sống như vậy, tảo tần. Không ai biết người mẹ ấy có cảm thấy khó khăn, tủi khổ với cuộc sống như vậy không, chỉ biết rằng, trong mắt người con, cuộc sống của mẹ như vậy thật vất vả, chắp vá, khiến người con phải rưng rưng, nghẹn ngào.
Dẫu cuộc sống có phần chắp vá, có phần tận dụng, bình thường, giản dị, thì điều đó cũng không hề mâu thuẫn với tình cảm của người mẹ dành cho con mình. Vẫn là những điều rất giản dị đời thường: trái na cuối vụ mẹ dành phần con. Trái na cuối vụ có thể hiểu là thức thức đồ bắt đầu ít lại, trở nên hiếm. Vậy mà mẹ vẫn dành phần con. Cái để dành phần là cái được người ta giữ cho người khác, không hề mảy may động vào, cũng không phải phần thừa mứa mà để lại. Cái để phần chính là tình cảm, sự quan tâm, nâng niu, trân trọng mà người mẹ dành cho người con.
Như vậy, ta có thể thấy, hình ảnh người mẹ ở đây đã được thể hiện qua cái nhìn của người con trên hai phương diện: cuộc sống và tình cảm. Hình ảnh người mẹ trong văn học được nói đến và thể hiện rất nhiều. Nhưng để nói về cái đời thường mà gây xúc động, để nói về cách khắc họa nhân vật mà nhân vật vẫn vắng mặt thì phải nói đến bài thơ Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương.