Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt
Sỹ Tốt sinh ra năm 1920, được coi là người ươm mầm cho hạt giống hội họa làng Cổ Đô.Từ thuở nhỏ, Sỹ Tốt đã đam mê vẽ nên hay lê la trong làng dùng bút chì, có khi chỉ là cục than vẽ lại hình ảnh ngôi đình, cổng chùa, cánh đồng quê mình…
Khi tham gia bộ đội và có may mắn tiếp tục phát triển năng khiếu hội họa của mình khi được cử đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy.
Khi trở về quê, Sỹ Tốt dùng cây cọ của mình ghi lại hình ảnh làng quê và chân dung những người nông dân lam lũ vất vả nhưng nhân hậu của làng. Lúc đó, người trong làng thấy ông vẽ thì xúm lại xem và bắt đầu say mê. Thấy nhiều người quan tâm đến hội họa, Sỹ Tốt đã hết lòng truyền dạy miễn phí. Và từ đây, cái máu họa sĩ đã bắt đầu hình thành và chảy trong huyết quản từng người Cổ Đô.
Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, ai cũng nhắc tới họa sĩ lão thành Sỹ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí của họa sĩ Sỹ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều đáng nói là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa.
Nếu ghé qua thăm làng Cổ Đô thì nhớ ghé qua Bảo tàng họa sĩ Sỹ Tốt để chiêm ngưỡng vô vàn các bức tranh nổi tiếng của người họa sĩ tài năng này các bạn nhé.