Bệnh lepto
Bệnh Lepto ở chó (Leptospirosis) tên gọi khác là bệnh xoắn khuẩn ở chó hay bệnh nghệ ở lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm chung cho nhiều súc vật (bò, chó, ngựa, cừu, dê, lợn, mèo,…) và có thể lây sang người. Các động vật hoang dã là nguồn dịch thiên nhiên lưu trữ mầm bệnh. Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng trầm trọng nhất là vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Tuy không lây lan mạnh và làm chết nhiều chó như dịch Carre, Parvo, nhưng nếu mắc nhiễm sẽ bị viêm gan, báng bụng, vàng da rối loạn toàn thân và tử vong. Nguy cơ lây bệnh cho người (chủ nuôi) rất cao qua đường bài tiết nước tiểu của chó, vi khuẩn lepto phát tán, tiếp xúc qua da xâm nhập vào cơ thể người. Nước tiểu động vật mang trùng Lepto theo đường nước mưa tự nhiên vào sông, suối, nước ngầm môi trường, chó mèo, động vật khác hoặc người bơi lội, tắm hoặc uống phải cũng phát dịch bệnh. Bệnh thường xảy ra ở chó dưới 2 năm tuổi và động vật non, mèo thì hãn hữu mới bị.
Khó nhận biết triệu chứng ban đầu bệnh Lepto ở chó vì không có các triệu chứng đặc trưng, rất dễ lẫn với dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Thậm chí vài trường hợp, lúc đầu chó cũng không hề có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 5-14 ngày, thậm chí tới 30 ngày. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là: Sốt 40-41oC, bỏ ăn, nôn ói, đau bụng dữ dội, mệt mỏi, ủ rũ. Lâu ngày có thể phát hiện màu vàng ở niêm mạc mắt, vùng da bụng ít hoặc không có lông. Bụng phình như có bầu sắp sinh báng nước, thể bệnh mạn tính chó vẫn ăn uống nhưng rất gầy gò, nhô sống lưng, tiêu chảy kéo dài, đái ít, nước tiểu sánh đặc, màu nâu sẫm. Chó sẽ chết do có những rối loạn, suy sụp toàn thân, trụy hô hấp, tim mạch. Hiện nay đã có vacxin phòng bệnh Lepto ở chó mèo. Trên nhãn lọ vacxin ghi chữ “L” viết tắt chữ cái đầu tên bệnh “Leptospirosis”. Tuy nhiên, loại vacxin này có thể gây ra nhiều biến chứng và tác dụng phụ cho thú cưng. Vacxin Lepto có thể gây phản ứng dị ứng cho chó sau khi tiêm. Nên tiêm mỗi năm một lần theo định kì. Những vùng nguy hiểm có dịch Lepto xảy ra thuờng xuyên thì tiêm 6 tháng 1 lần.