Cách trị nấm kẽ tay chân an toàn, hiệu quả

Nấm kẽ chân là bệnh ngoài da khó chữa trị dứt điểm. Vì vậy, khi bị nhiễm nấm bạn nên đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm, nhằm phát hiện loại nấm nhiễm là loại gì. Dựa vào sự chỉ dẫn của bác sĩ, bạn có thể lựa chọn thuốc uống và thuốc bôi hợp lý. Trong trường hợp nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc trị nấm để bôi tại chỗ, nặng hơn thì có thể dùng đường uống. Ngoài ra, để chống ngứa và viêm nhiễm bạn có thể dùng thêm thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin và dung dịch sát khuẩn.

Thuốc bôi tại chỗ: Một số loại thuốc kháng nấm phổ biến được dùng làm thuốc bôi tại chỗ như: nhóm Allylamine, nhóm Azole (Ketoconazole, Miconazole, Clotrimazole). Cách sử dụng mỗi loại thuốc sẽ khác nhau, do đó bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời lưu ý một số điều dưới đây:

  • Trước khi bôi thuốc, bạn không nên ngâm và rửa chân bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn khác. Bởi vì, chúng có thể làm vùng da kẽ chân bị loét và chảy nước nhiều hơn. Nếu kẽ chân bị bụi bẩn bám vào và chảy dịch thì bạn có thể dùng bông, gạc sạch để lau rồi bôi thuốc.
  • Vùng da bị nấm, tuyệt đối không được dùng các vật dụng cứng để cạo, vì có thể làm da bị tổn thương nặng hơn.
    Dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn nên bôi thuốc với một lượng vừa đủ và dàn đều lên bề mặt da, tránh bôi quá nhiều gây nóng rát.
  • Khi các triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm, việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm bệnh trở lại nặng hơn. Do đó, bạn nên tiếp tục bôi thuốc trong vòng 1 - 2 tuần để bệnh khỏi hẳn.
  • Nên dùng khăn và dép đi riêng để tránh tình trạng lây nhiễm nấm cho những người xung quanh.

Thuốc dùng toàn thân: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc uống điều trị nấm kẽ chân, bạn có thể dùng một số thuốc như: nhóm Azole (Ketoconazole, Fluconazole, Itraconazole), nhóm Griseofulvin. Dưới đây là cách sử dụng các loại thuốc dùng toàn thân, bạn có thể tham khảo:

  • Ketoconazole: Khi sử dụng Ketoconazole, bạn cần chú ý những điều sau: Tuyệt đối không dùng chung với các loại thuốc kháng virus, thuốc chống ung thư, thuốc ức chế miễn dịch và một số loại thuốc khác như: Quinidine, Lovastatin, Terfenadine, Midazolam,… Những người mắc các bệnh lý về gan, mật và phụ nữ có thai hoặc cho con bú thì không nên dùng loại thuốc này. Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như: chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt,… thì bạn nên dừng thuốc và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
  • Itraconazole: Itraconazole là một loại thuốc kháng nấm được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, những người bị suy gan, suy thận thì nên hạn chế hoặc dùng với liều thấp. Bởi vì, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như: buồn nôn, tiêu chảy, nổi ban đỏ,… Đồng thời, thuốc còn chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Trong quá trình sử dụng, bạn không nên uống chung thuốc với các thuốc Lev Acetylmethadol, Quinidine, Triazolam.
  • Griseofulvin: Loại thuốc này khá an toàn nhưng bạn cũng nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai, người suy gan và người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin. Trong quá trình dùng, thuốc có thể khiến bạn bị đau đầu, nổi ban đỏ hoặc rối loạn tiêu hóa. Nếu không điều trị kịp thời và triệt để, nấm kẽ chân sẽ làm mất thẩm mỹ và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bạn. Vì vậy khi có các biểu hiện của nấm, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc. Việc để chân khô ráo và hạn chế đi giày, tất sẽ làm cho bệnh nhanh lành hơn.
Thuốc bôi Griseofulvin
Thuốc bôi Griseofulvin
Ketoconazole
Ketoconazole

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy