Cảm nhận tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài "Tự tình II" bài 2
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt trong văn học trung đại Việt Nam. Đặc biệt vì đó là một nữ thi sĩ, mà nữ thi sĩ ấy lại có một lối làm thơ khác thường, không giống như những nữ thi sĩ khác như bà Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan. Có lẽ hơn bất kì một nhà thơ nào khác, bạn đọc khi đến với thơ Xuân Hương đều cảm nhận một cách sâu sắc thế giới tâm hồn của người phụ nữ làm thơ trong xã hội phong kiến có nhiều bất công. Chính vì vậy mà tuy chủ đề phong phú nhưng thơ Xuân Hương nhất quán một cảm hứng nhân văn: Tinh thần thương yêu trân trọng người phụ nữ, tâm hổn nồng nhiệt với cuộc sống, với thiên nhiên và thái độ phủ định quyết liệt thế lực thống trị tinh thần (đạo đức, lễ giáo phong kiến), thế lực thống trị xã hội (vua chúa, quan lại, tăng lữ, nam giới).
Trước hết, Xuân Hương là nữ thi sĩ rất có ý thức về giá trị và quyền sống của người phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói đề cao và ca ngợi về người phụ nữ. Bà đã dành những câu thơ dịu dàng, tươi thắm và mĩ lệ nhất để nói về đề tài này:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh, mà em cũng xinh
Đôi lứa in như tờ giấy trắng
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
(Đề tranh tố nữ)
Không chỉ ca ngợi tuổi trẻ tươi mát, trắng trong của các cô gái đang xuân, Xuân Hương còn ca ngợi cái cơ thể đẹp của người phụ nữ trong bài Thiếu nữ ngủ ngày:
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Trong văn học trung đại, Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều như một tòa thiên nhiên trong trắng, ngọc ngà. Nhưng chỉ có Xuân Hương mới có những câu thơ thể hiện sức sống tràn xuân căng nhựa của người thiếu nữ. Vẻ đẹp ấy hãy còn đang e ấp, tinh khôi, trinh nguyên, chưa chút gì vẩn bợn.
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ cũng là một nội dung quan trọng trong thơ Xuân Hương. Nếu như ở bài Bánh trôi nước, tác giả vừa ca ngợi vẻ đẹp bên ngoài lẫn phẩm chất thủy chung, son sắt của người phụ nữ:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Thì đến Ốc nhồi, Quả mít... bà lại có cách thể hiện khác. Tuy “Thân em như quả mít trên cây... vỏ nó xù xì, múi nó dày...” nhưng thấy rõ cái tráo trở của đàn ông, nhân vật trữ tình sẵn sàng xù gai nhắn nhủ họ nên đứng đắn thêm nữa đối với ái tình, đừng có ỡm ờ trêu hoa ghẹo nguyệt:
Quân tử cố yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Bên cạnh việc đề cao ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương còn thông cảm và bênh vực họ, chỉ ra sự bất công của xã hội đối với họ. Nếu bài Lấy chồng chung là lời phẫn uất, nguyền rủa chế độ đa thê của xã hội phong kiến khiến cho Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng thì bài thơ Không chồng mà chửa lại là tiếng nói bênh vực người phụ nữ ở phương diện lỡ làng:
Cả nể cho nên sự dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng!
Trong những câu thơ của mình, Xuân Hương còn trình bày cảnh khổ của người phụ nữ ở nhiều phương diện như: Cảnh muộn chồng, góa bụa, vất vả trong cuộc sống vì chồng con:
Hỡi chị em ơi có biết không
Một bên con khóc, một bên chồng?
Nhưng trên hết, có lẽ người đọc không thể quên được người từng có những tâm sự chua chát về số phận:
Chiếc bánh buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nổi lênh đênh.
Lại luôn tự tin ở mình:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!.
Và sắc sảo khẳng định:
Sáng mồng một lòng then tạo hóa,
Mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân nào!
Viết về người phụ nữ trong xã hội cũ không phải là nhiều, song sự thực cũng không hiếm tài năng ở đề tài này. Nhưng Xuân Hương đã có cái vinh dự của phụ nữ phải chẳng một phần xuất phát từ những nội dung trên? Xuất phát từ cuộc đời riêng: muộn chồng, lận đận trong tình duyên cộng với tấm lòng đồng cảm và cá tính sắc sao cho đến ngày nay thơ Xuân Hương vẫn đang là những vần thơ rất mới về người phụ nữ.
Đọc thơ Xuân Hương, ta còn cảm nhận được một tâm hồn nồng nhiệt với cuộc sống, giàu biểu tượng phồn thực và cảnh thiên nhiên thì hữu tình, phơi bày vẻ đẹp đầy ấn tượng:
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom...
(Hang Cắc Cớ)
Hay:
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông.
Xuân Hương tả về cái giếng thật, nhưng ta còn cảm nhận được hình ảnh cái giếng thanh tân ở thời điểm dậy thì của người con gái. Ngay cả khi vịnh đèo Ba Dội, nghĩa thực và nghĩa biểu tượng, giọng thơ nghiêm trang mực thước của luật Đường và tiếng thơ thôn dã, sôi nổi khó có thể tách bạch đâu hơn đâu kém:
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
(Qua đèo Ba Dội)
Dường như mỗi chữ, mỗi vần, mỗi hình ảnh thơ đều mang một sức sống dào dạt, một tấm lòng sôi nổi. Qua đó Xuân Hương đã thể hiện lòng yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt của mình. Đọc thơ Xuân Hương, ta còn cảm nhận được thái độ quyết liệt phủ định thế lực thống trị tinh thần (đạo đức, lễ giáo phong kiến), thế lực chính trị xã hội (vua chúa, quan lại, tăng lữ, nam giới).
Loại người đầu tiên mà Xuân Hương vạch mặt chửi thẳng là bọn vua chúa, “hiền nhân quân tử”. Đây là bọn có quyền chức nhưng lại sống rất phàm tục. Chúng thường lấy luân lí, đạo đức của thánh hiền ra để che đậy cho những hành vi phàm tục của mình. Qua bài Vịnh cái quạt (I, II), sau khi miêu tả cái quạt bằng phương pháp tượng trưng, Xuân Hương đã chế giễu và chỉ thẳng thói dâm ô của chúng:
Chúa dấu vua yêu một cái này!
Không những thế, Xuân Hương còn hạ uy thế của bọn chúng bằng cách đặt bọn chúng vào những tình thế khó xử:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Vậy là sau khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ trong giấc ngủ trưa, Xuân Hương đã chỉ thẳng sự thèm muốn của bản chất dâm ô được che đậy bằng vẻ uy nghi của bọn người quân tử. Xuân Hương còn tỏ thái độ khinh miệt đối với bọn nho sĩ rởm. Bà đưa bọn chúng ra chế giễu sự dốt nát:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
(Lũ ngẩn ngơ)
Tóm lại, đối với vua chúa và bọn người hiền nhân quân tử, Xuân Hương đã đứng trên lập trường trần thế để phê phán chúng. Bà quan niệm: đã là người ai cũng như ai, vua chúa không phải cái gì cao siêu, không phải là thần Phật mà trốn thoát cuộc đời, cần sống thật và sống là một con người với những khát khao chính đáng, đừng đem luân lí đạo đức ra để che giấu cho những việc làm của mình. Chính vì vậy mà bà đã vạch bộ mặt giả đạo đức, thói dâm ô của bọn chúng.
Có nhà phê bình gọi Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu); có người còn gọi Xuân Hương là nhà thơ độc đáo vô song... Xuân Hương trước hết là nhà thơ của con người. Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến nước ta lúc bấy giờ, Xuân Hương đã dám bộc lộ chính kiến của mình về vẻ đẹp con người, vẻ đẹp của người phụ nữ với nghĩa đầy đủ nhất của từ này; khẳng định những khát khao chính đáng của con người; phê phán những gì là giả tạo, khuôn sáo, gò ép. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng thay!