Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh sởi

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sởi. Người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng khỏi bệnh, cũng như hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.


Vậy người mắc bệnh sởi nên ăn gì ?

Người bệnh cần bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng cho 4 nhóm: vitamin, khoáng chất, bột đường, đạm và béo.

Bổ sung nước đầy đủ, có thể uống thêm orezol để bù nước thêm. Đồng thời cần bổ sung thêm nước ép trái cây để đảm bảo bù nước và chất dinh dưỡng.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A

Việc bổ sung vitamin A là vô cùng quan trọng cả trước và trong khi đang mắc sởi, giúp hạn chế các biến chứng do sởi gây ra cho mắt, chống mù lòa. Ngoài ra, kết quả từ nhiều nghiên cứu cũng cho biết việc bổ sung đầy đủ vitamin A có thể giảm đến 50% nguy cơ tử vong do sởi.
Khi phát hiện mắc sởi, người bệnh cần được uống ngay vitamin A theo liều sau:

  • Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
    Trường hợp người bệnh có biểu hiện thiếu vitamin A thì cần lặp lại liều lượng trên sau 4-6 tuần. Cần lưu ý rằng thuốc bổ sung vitamin A cho người mắc sởi phải có chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý sử dụng.

    Bên cạnh đó, hãy ăn những thực phẩm giàu vitamin A từ những loại thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng… hoặc nguồn gốc thực vật như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, khoai lang, ớt chuông, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…), các loại rau sẫm màu (rau cải, rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, súp lơ xanh…).


    Bổ sung thực phẩm giàu kẽm

    • Kẽm có chức năng tăng cường hệ miễn dịch, làm lành các vết thương và hạn chế sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn, đồng thời duy trì hoạt động của các cơ quan khác.
    • Bên cạnh việc sử dụng thuốc để bổ sung kẽm, bạn còn có thể thu nạp thêm nguyên tố này qua các thức ăn hằng ngày. Những món ăn thông dụng có chứa kẽm là gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, tôm, lươn, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc…).

    Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C

    • Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống dị ứng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, từ đó hỗ trợ người bệnh mau chóng hồi phục.
    • Bạn có thể dùng những loại thực phẩm giàu vitamin C như: Quả cam, chuối, xoài, bưởi, dưa hấu… hay rau đay, mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau muống…

    Trong giai đoạn toàn phát sởi, người bệnh sẽ sốt cao và đôi khi kèm theo vã mồ hôi, nôn, gây mất nước. Do đó, bạn có thể sử dụng paracetamol (Hapacol) để nhanh chóng hạ sốt cho người bệnh trước. Sau đó, chú ý bổ sung dinh dưỡng, cung cấp đủ nước (nước lọc, nước ép hoa quả) và chất điện giải cho người bệnh.

    Khi người bệnh hạ sốt, các vết ban dần lặn bớt thì vẫn tiếp tục đảm bảo chế độ ăn như trên nhưng cần tăng thêm lượng thức ăn trong ít nhất 2 tuần. Điều này giúp cân bằng lại lượng dinh dưỡng mà người bệnh đã bị mất đi, giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe.


    Người bị bệnh sởi kiêng gì?


    Các loại gia vị cay, thực phẩm tính nóng

    Người bệnh sởi thường mọc các vết loét ở niêm mạc miệng. Nếu ăn các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, hành, tỏi, quế, cà ri… sẽ có cảm giác đau rát khó chịu. Ngoài ra, khi ăn nhiều thực phẩm cay nóng, các vết loét này cũng lâu lành hơn. Nhóm gia vị và thực phẩm này còn có thể gây ra các phản ứng nhiệt, khiến ban sởi nổi dày hơn.


    Thức ăn gây dị ứng như hải sản

    Khi người bệnh có cơ địa dị ứng với những loại thức ăn nhất định (chẳng hạn như một số loại hải sản), hãy lưu ý và hạn chế ăn các loại thực phẩm này càng ít càng tốt.

    Vì nếu ăn phải những loại thức ăn gây dị ứng, tình trạng phát ban của người bệnh có thể trở nặng thêm. Thậm chí, các triệu chứng của sởi có thể bị che lấp, khiến bạn cho rằng mình chỉ bị dị ứng thông thường. Trong khi đó, diễn biến của sởi có thể đã trầm trọng hơn bạn nghĩ, dẫn đến những biến chứng khó lường.


    Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, chất béo xấu

    Bên cạnh việc bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng, người mắc sởi cũng cần kiêng các loại thực phẩm chiên rán hay có quá nhiều dầu mỡ, không đảm bảo vệ sinh, những món khó tiêu, dễ gây kích ứng tiêu hóa.

    Khi ốm, người mắc sởi có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng không cao. Do vậy các thực phẩm khó tiêu sẽ cản trở quá trình hồi phục sức khỏe. Hãy ăn các món ăn sệt, mềm, giàu dưỡng chất như súp hay canh hầm thay vì món chiên xào - tuy có vẻ thơm ngon nhưng không phải là sự lựa chọn đúng đắn cho người đang ốm bệnh. Bên cạnh đó, những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn làm tăng nhiễm khuẩn đường ruột, khiến các triệu chứng tiêu chảy, mất nước diễn ra trầm trọng hơn.


    Đậu nành, đậu tương có nhiều đạm

    Các thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị sởi.


    Đồ uống có ga, có cồn và caffeine

    Khi mắc sởi, người bệnh nên tránh uống các loại nước có ga, có cồn, caffeine như nước ngọt, bia rượu và cà phê. Những thức uống này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sởi.


    Thực phẩm đóng hộp, đồ nướng, xông khói, nội tạng động vật.

    Nên hạn chế bởi đây là những thực phẩm nhiều đạm, khó hấp thu.

    Bổ sung vitamin A là rất quan trọng cho người bị bệnh sởi
    Bổ sung vitamin A là rất quan trọng cho người bị bệnh sởi
    Người mắc bệnh sởi nên ăn gì ?

    Công Ty cổ Phần Toplist
    Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
    Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
    Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
    Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy